+Aa-
    Zalo

    Góp ý dự thảo trình Đại hội XII: Nên bổ sung "hàm lượng” cho phát triển bền vững

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bổ sung "hàm lượng" các cơ sở của phát triển bền vững vào bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII là điều nên được quan tâm.

    (ĐSPL) - Phát triển bền vững không những là xu hướng Quốc tế, mà chắc chắn sẽ là nội dung trọng tâm để Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây – một sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước - tập trung thảo luận. Vậy nhưng, “có vẻ như”: bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII – đang được đưa ra lấy ý kiến toàn dân – đã bỏ sót những “cơ sở” cho phát triển bền vững đối với Việt Nam.

    Phát triển bền vững là một trong những nội dung trọng tâm để Đại hội Đảng XII tập trung thảo luận. (Ảnh minh họa)

    Thiếu tô đậm “tam nông”

    Bản Dự thảo dài 62 trang, với dung lượng 38.544 từ, tuy đã xác định cụ thể 13 nhóm vấn đề lớn (trong 13 mục la mã) nhưng lại không có mục riêng cho vấn đề liên quan đến "tam nông" (nông nghiệp, nông dân, và nông thôn).

    Đây phải chăng là một sự thiếu "tô đậm" khi Việt Nam là nước với hơn 70\% dân số sống dựa vào nông nghiệp, đóng góp vào gần 20\% GDP toàn quốc, và trên tất cả: nông nghiệp luôn được xem là "trụ đỡ" cho sự phát triển Đất nước trong 70 năm qua. 

    Thay vào sự "tô đậm" cần thiết, các thành tố cốt lõi của "tam nông" là nông nghiệp, nông dân, và nông thôn chỉ được đề cập phân tán trong 13 nhóm vấn đề đưa ra.

    Với cụm từ "nông nghiệp", tần suất xuất hiện chỉ 31 lần, nằm trong 17 ý - chiếm 5,52\% so với tổng số 308 ý của toàn Bản dự thảo. Tương tự với các cụm từ "nông thôn" và "nông dân", những con số xuất hiện này cũng rất nhỏ, lần lượt là:  26/14/4,55\% và 6/4/1,3\%.

    Đáng chú ý, cụm từ "nông sản" - một biểu hiện căn cơ cho sản phẩm đầu ra, thị trường, thu nhập... của hơn 70\% trong số hơn 90 triệu người là dân làm nông nghiệp - đã không được đề cập đến.

    Một cách tương tự, cụm từ "chế biến" cũng chỉ xuất hiện 5 lần, chiếm 1,3\% số ý so với tổng toàn 62 trang của Bản dự thảo. Đây là một sự bất cập vì những năm gần đây, nông nghiệp gặp nhiều khó khăn: sản xuất dư thừa, chất lượng thấp, thị trường bế tắc…; hay như các cụm từ phổ biến: "được mùa mất giá", "dưa hấu bán như cho không"... được công chúng dùng để nói về "điệp khúc" của Ngành Nông nghiệp lâu nay.

    Nhẹ nhắc đến môi trường

    Tuy trong số 13 nhóm vấn đề của Bản Dự thảo đã có một mục riêng về lĩnh vực tài nguyên – môi trường, nhưng hàm ý cũng chỉ rất khiêm tốn: 7 so với tổng 308 ý, dung lượng 1.387 so với tổng 38.544 từ.

    Đi vào cụ thể, con số về các thành tố làm cơ sở cho cụm từ "môi trường" còn đáng suy ngẫm hơn.

    Với chính cụm từ "môi trường" - cho hàm ý bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống của con người - chỉ xuất hiện 42 lần trong 20 ý - tức chỉ chiếm 6,49\% về tổng số ý của Bản Dự thảo.

    Một cách tương đồng, cụm từ biến đổi khí hậu xuất hiện 17 lần, trong 12 ý - chiếm 3,9\% so với tổng số ý của toàn Bản dự thảo. Thực tế là: biến đối khí hậu không chỉ là vấn đề toàn cầu, mà còn hiện hữu rất sâu sắc ở Việt Nam vì tính đặc thù của thiên nhiên, vị trí địa lý của đất nước hình chữ “S”.

    Với từ "rừng" xuất hiện 3 lần, cụm từ "lâm nghiệp" xuất hiện 2 lần trong suốt 62 trang Bản Dự thảo thì quả là "rất khiêm tốn" khi mà: về mặt Quốc tế, rừng được thừa nhận là vị trí trung tâm trong các vấn đề phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đặc biệt, với Việt Nam, vị trí của rừng càng là "trung tâm" khi: 3/4 tổng lãnh thổ là đồi núi (liên quan đến rừng); hay chi tiết là gần 50\% diện tích lãnh thổ là rừng - nơi sinh sống của hơn 25 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số, với đời sống vừa khó khăn vừa thu nhập chính là từ rừng.

    Trong khi phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là xu thế thịnh hành của thế giới lâu nay, thì Bản dự thảo gần như bỏ sót hai vấn đề này. Với cụm từ "phát triển bền vững" chỉ xuất hiện 8 lần trong hàm ý về bảo vệ môi trường, còn cụm từ "tăng trưởng xanh" thậm chí không một lần được đề cập đến.

    Bổ sung "hàm lượng" các cơ sở của phát triển bền vững vào bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII là điều nên được quan tâm vì không chỉ phù hợp với xu hướng Quốc tế mà còn rất đặc thù đối với Việt Nam.

    “Điều nên” này càng có ý nghĩa khi biết rằng: ngày 21/9 mới đây, tại Hà Nội, trong công bố báo cáo kết quả 15 năm thực hiện 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - UNDP tổ chức), dù Việt Nam đạt được 4/8 mục tiêu rất nổi bật, thì trong số 4 mục tiêu còn chưa đạt được có mục tiêu về môi trường.

    Trần Văn Việt

    Chuyên viên Ban Kinh tế Trung ương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gop-y-du-thao-trinh-dai-hoi-xii-nen-bo-sung-ham-luong-cho-phat-trien-ben-vung-a111943.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.