+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Thiếu lớp, số học sinh tăng cao, nhiều trường loay hoay đạt chuẩn quốc gia

    (ĐS&PL) - Thực tế, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số, nhất là nội đô Hà Nội. Tình trạng thiếu trường lớp không chỉ tạo áp lực cho tuyển sinh đầu cấp, khi số học sinh tăng cao, mà còn khiến nhiều trường loay hoay với việc đạt chuẩn quốc gia.

    Với tốc độ tăng từ 40.000 đến 50.000 học sinh mỗi năm, đòi hỏi thành phố Hà Nội mỗi năm cần xây mới từ 30 đến 40 trường học. Toàn thành phố hiện có trên 460 trường công lập vượt chỉ tiêu về sĩ số học sinh. 28 quận, huyện có trường tiểu học sĩ số vượt tiêu chuẩn (hơn 35 học sinh/lớp). Thực tế này dẫn đến nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia đang khó bảo đảm, duy trì tiêu chí quy định về diện tích, sĩ số học sinh/lớp, nhất là các trường tại các quận khu vực nội thành …

    VOV dẫn lời chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết: “Đống Đa cũng là quận rất chật, diện tích đất cho các trường rất chật hẹp. Theo quy định thì một trường khoảng ba mươi lớp, 4 tầng và 30 học sinh/lớp. Thế nhưng, hiện nay ở Đống Đa một trường khoảng 60 lớp, 40-60 học sinh một lớp. Do vậy số học sinh và số lớp trên một trường ở Đống Đa là quá tải".

    Theo kế hoạch năm 2022 Hà Nội công nhận mới 194 trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng hết năm mới công nhận được 142 trường; năm 2023 theo kế hoạch công nhận mới 130 trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay mới công nhận được 16 trường. Số trường còn lại chưa đáp ứng được các tiêu chí, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng quá tải học sinh.

    Tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội vừa diễn ra, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về vấn đề quá tải trường học công lập.

    ha noi tinh trang thieu truong lop hoc so hoc sinh tang cao dan den nhieu truong hoc khong giu duoc chuan quoc gia1

    Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao cho rằng, báo cáo của UBND thành phố cho biết đến nay đã cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu “mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường mầm non công lập, tiểu học công lập, THCS công lập. Đối với khu vực từ 30.000 - 50.000 dân có 1 trường THPT công lập” theo Nghị quyết 05/2012 của HĐND TP Hà Nội về quy hoạch phát triển giáo dục.

    Tuy nhiên, một số phường thiếu một trong các trường (mầm non, tiểu học, THCS). Cụ thể, theo báo cáo của UBND Hà Nội, thiếu 49 trường tại 8 quận (Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai).

    Việc thiếu trường học đã tạo nên tình trạng quá tải tại các trường công lập và áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023 - 2024, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai và Đống Đa.

    Đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao đề nghị lãnh đạo hai quận Hoàng Mai và Đống Đa trao đổi làm rõ, đưa ra giải pháp khắc phục bất cập trong tuyển sinh đầu cấp; giải pháp phân luồng, phân tuyến tránh quá tải.

    Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Khánh Hưng nêu ý kiến, theo quy định thì cứ 30.000 - 50.000 dân cần bố trí một trường THPT.

    Địa bàn quận Hai Bà Trưng có 303.856 dân, cần có 6 - 10 trường THPT công lập, nhưng hiện tại chỉ có 3 trường.

    Quận Hoàn Kiếm có 212.921 dân, cần có 4 - 7 trường THPT, nhưng hiện tại chỉ có 2 trường. Việc thiếu trường lớp đã tạo áp lực cho ngành Giáo dục.

    Lý giải về nguyên nhân quá tải trường lớp, bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội cho rằng, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu nhà ở, khu đô thị mới, dân số cơ học tăng nhanh.

    Vì đó dù Hà Nội đã cải tạo, xây mới được nhiều trường học, nhưng tình trạng quá tải trường học công lập vẫn xảy ra. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng tại một số quận, huyện, đặc biệt là các quận nội thành.

    Bà Hà cũng cho biết, vấn đề quy hoạch, đầu tư cải tạo, xây dựng trường công lập được HĐND TP Hà Nội giám sát nhiều kỳ, nhưng việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát chưa có nhiều kết quả.

    Ông Lê Anh Quân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông tin, sau 10 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học thành phố đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đến nay đã có 1.362 trường học được xây mới và cải tạo nâng cấp.

    Còn 35 phường thuộc 8 quận thiếu trường học (không đạt chỉ tiêu tối thiểu của quy hoạch mạng lưới), tập trung chủ yếu tại 4 quận nội đô. Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ...) bị giới hạn về mật độ xây dựng, tầng cao theo quy định của Luật Đê điều.

    “Quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp được tốc độ gia tăng dân số; tình trạng thiếu trường, lớp học, số học sinh tăng cao dẫn đến nhiều trường không giữ được chuẩn quốc gia…”, ông Lê Anh Quân chia sẻ với Giáo dục & Thời đại.

    Trả lời kiến nghị trên của đại biểu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận đã tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập các kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh nhanh các dự án xây dựng trường học và khuyến khích đầu tư các trường ngoài công lập.

    Quận Hoàng Mai đã điều tra số trẻ vào đầu năm học, từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% trường hợp đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

    Trong 3 năm qua, quận đã xây dựng mới được 23 trường học, tăng cường cải tạo sửa chữa 25 trường để tăng số lượng lớp học. Các trường ngoài công lập, học sinh chiếm 19% số học sinh trên địa bàn, giúp giảm tải trường công lập trên địa bàn. Hiện nay, quận thiếu 43 trường học, vì thế giải pháp phải có đủ điều kiện về đất và vốn.

    Về việc tăng số trường công lập, quận đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học; chủ động báo cáo với thành phố phân cấp cho quận để điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Đến nay, quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

    Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đề xuất trong thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quận triển khai đầu tư xây dựng trường học.

    Thành phố khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, thành phố tích hợp, điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

    Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết hiện nay, quận cần 7 trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia. Quận đã hoàn thành 13/33 dự án, chuẩn bị cho 9 dự án mới để đảm bảo số trường chuẩn theo quy định.

    Thực tế, quận có diện tích đất cho các trường rất chật hẹp, hiện nay một trường có khoảng 60 lớp, trung bình số học sinh 40-60 học sinh/lớp.

    Về giải pháp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận khẳng định Đống Đa sẽ tập trung đầu tư mạnh vào các dự án mới; có đề án sáp nhập những điểm trường nhỏ vào các trường lớn để đảm bảo số trường đạt chuẩn theo quy định.

    Làm rõ thêm vấn đề các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nêu rõ thành phố có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh.

    Mỗi năm, tăng thêm trung bình từ 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố cần triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.

    Báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, vẫn còn một số phường thuộc các quận nội thành thiếu trường học. Việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số, gây ra hiện tượng quá tải cục bộ tại một số khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

    ha noi tinh trang thieu truong lop hoc so hoc sinh tang cao dan den nhieu truong hoc khong giu duoc chuan quoc gia3

    Tình trạng thiếu trường, lớp học tập trung tại các quận nội đô không còn quỹ đất để xây dựng mới hoặc mở rộng trường học dẫn đến vượt quy định về số học sinh/lớp, số lớp/trường, không đạt chỉ tiêu diện tích đất/học sinh, trường học vượt quy mô đào tạo không đạt chuẩn Quốc gia.

    Việc kiểm soát dân cư tăng cơ học vào Hà Nội, đặc biệt tại khu vực các quận nội thành chưa thật sự hiệu quả, luôn là áp lực làm mất cân đối giữa cung và cầu.

    Công tác xây dựng, triển khai dự án trường học và các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị khác còn chậm, chưa đồng bộ với các chức năng khác tại các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển khu nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    Một số phường, xã khu vực ngoài đê (thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Từ Liêm...) hiện chưa đảm bảo điều kiện để đầu tư xây dựng trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác theo chuẩn do bị hạn chế theo quy định của Luật Đê điều, Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016), theo Vietnam Plus.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-thieu-lop-so-hoc-sinh-tang-cao-nhieu-truong-loay-hoay-dat-chuan-quoc-gia-a596176.html
    Đề xuất giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy

    Đề xuất giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy

    Đây là nội dung trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý. Theo đó, tại các cơ sở giáo dục sẽ có thể tự lựa chọn sách giáo khoa để phục vụ công tác giảng dạy, theo quy trình với sự tham gia của nhiều đối tượng thành phần nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề xuất giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy

    Đề xuất giáo viên trực tiếp tham gia lựa chọn sách giáo khoa phục vụ giảng dạy

    Đây là nội dung trong quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến góp ý. Theo đó, tại các cơ sở giáo dục sẽ có thể tự lựa chọn sách giáo khoa để phục vụ công tác giảng dạy, theo quy trình với sự tham gia của nhiều đối tượng thành phần nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch.

    Sự thật đằng sau bữa cơm bán trú của học sinh lớp 5 chỉ có cơm trắng và đậu phụ ở Nghệ An

    Sự thật đằng sau bữa cơm bán trú của học sinh lớp 5 chỉ có cơm trắng và đậu phụ ở Nghệ An

    Vừa qua, phụ huynh trường Tiểu học Nghi Thái (Nghệ An) đã đăng tải hình ảnh phản ánh bữa cơm bán trú của học sinh lớp 5 chỉ có cơm trắng và vài miếng đậu khiến dư luận lại được phen xôn xao về chất lượng bữa ăn ở trường học. Phía nhà trường đã lên tiếng cho rằng hình ảnh phụ huynh chụp lại chưa phản ảnh hết chất lượng bữa ăn...