+Aa-
    Zalo

    Hai người mất đi ánh sáng bỗng vỡ òa hạnh phúc sau khi được ghép giác mạc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hai người may mắn được ghép giác mạc là người đàn ông 42 tuổi và bà cụ 73 tuổi. Họ đã mất đi ánh sáng, và giờ cả 2 đều hạnh phúc về giác mạc mới được tặng.

    Hai người may mắn được ghép giác mạc là người đàn ông 42 tuổi và bà cụ 73 tuổi. Họ đã mất đi ánh sáng, và giờ cả 2 đều hạnh phúc về giác mạc mới được tặng từ người đã ra đi.

    Chữ duyên và bí mật số phận

    42 tuổi, bị loạn dưỡng giác mạc, không nhìn rõ hơn 8 năm qua nhưng sau khi được tại viện Mắt Trung ương, thị lực của anh Nguyễn Văn Nam đã có tiến triển tốt.

    Anh đã có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh (trước ghép chỉ đếm được ngón tay ở khoảng cách 2m). Dù hình ảnh anh nhìn thấy còn hơi nhòe, nhưng với một người suốt hơn 8 năm qua sống trong tâm lý hoang mang, chán nản, thậm chí bỏ việc vì không nhìn rõ mọi vật, thì đó là niềm hạnh phúc tột cùng.

    Cách đây gần 10 năm, khi anh Nam đang vẽ ra rất nhiều kế hoạch cho tương lai thì bỗng dưng mắt nhòe và không nhìn rõ. Trong khi công việc của anh yêu cầu cần phải chính xác tới từng chi tiết nhỏ, việc mắt mờ đi đã ảnh hưởng rất lớn tới công việc.

    Anh Nam tới khám và được chẩn đoán loạn dưỡng giác mạc. Điều này cũng đồng nghĩa với mắt anh sẽ mất thị lực theo thời gian. Với trường hợp của anh Nam nếu không được ghép giác mạc thay thế, anh sẽ phải sống chung với bóng tối suốt đời.

    “Nhận được thông báo từ bác sĩ tôi đã rất “sốc”, hoang mang và suy sụp, không biết tương lai, sự nghiệp của tôi sẽ ra sao nếu như mắt tôi không nhìn thấy. Lúc mắt tôi dần mất đi ánh sáng tôi mới thấy đôi mắt sáng quan trọng như thế nào”, anh Nam chia sẻ.

    Dù đã dùng mọi loại kính để tăng cường thị lực, đôi mắt anh Nam vẫn mờ dần theo năm tháng. 2 năm trở lại đây, anh Nam không thể làm tiếp công việc để giúp đỡ cho vợ và hai con nhỏ.

    “Tôi cảm thấy rất chán nản vì tôi đang tuổi lao động là chỗ dựa chính cho thì bỗng bất lực do đôi mắt không nhìn rõ.

    Tôi làm hồ sơ đăng ký ghép giác mạc cách đây 3 năm. Trong 3 năm ấy, ngày nào tôi cũng chờ đợi và hy vọng vận may sẽ mỉm cười với mình.

    Cách đây ít ngày, khi tôi đang ở quê, các bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương gọi điện thông báo, tôi là một trong số những người được chọn để ghép giác mạc. Tôi vui mừng lắm. Khi nhận thông tin, tôi chính thức được ghép giác mạc, dù không biết “nguồn” giác mạc được lấy từ đâu, nhưng cảm xúc trong tôi như vỡ òa”, anh Nam tâm sự.

    Anh Nam là trụ cột chính trong gia đình có 5 người. Con lớn của anh 5 tuổi, con út mới 1 tuổi. Chính vì thế, ngay sau khi thị lực ổn định, anh muốn sẽ quay lại công việc cũ – làm điện lạnh, để đỡ đần vợ.

    Được ghép giác mạc từ một người không quen biết, với anh Nam đó là sự may mắn nhưng cũng là cái duyên và số phận của anh và người hiến giác mạc. Trong thâm tâm người đàn ông ấy mong muốn, sau này, anh có cơ hội tìm gặp được gia đình người hiến giác mạc để sẻ chia và nói lời cảm ơn họ.

     

    Tin nhanh - Tâm niệm của người được ghép giác mạc sau thời gian dài sống trong bóng tối

    Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời (Ảnh minh họa).

    Bà cụ chưa một lần nhìn con cháu

    Ngồi đối diện giường anh Nguyễn Văn Nam là bà Trịnh Thị Cúc (73 tuổi). Bà cũng là người được chọn để ghép giác mạc cùng ngày với anh Nam.

    Trước ghép, bà Cúc gần như mù hẳn, không đi lại được do hai mắt bị sẹo giác mạc. Sau ghép giác mạc, bà đã có thể nhìn thấy mọi người trong phòng và tự đi lại được.

    Trò chuyện với chúng tôi, bà Cúc không giấu được niềm vui mừng hiện rõ trên gương mặt sau suốt hơn 11 năm sống trong bóng tối.

    Bà kể, mình bị sẹo giác mạc từ hồi trẻ, lúc đó nhìn mọi vật đã không rõ rồi. Cách đây 12 năm thì sẹo đó dày lên, mắt bà mờ đi sau đó không nhìn thấy gì, cuộc sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

    “Trước đây, ngồi mâm cơm nhưng tôi không biết trước mặt mình là đĩa cá, hay đĩa rau. Trong nhiều năm tôi không nhìn thấy gì và sinh hoạt phải phụ thuộc người khác, cuộc sống rất bức bối. Những người trong gia đình, lúc rảnh, lúc bận nhưng nhiều sinh hoạt tôi vẫn phải chờ họ về giúp đỡ”, bà Cúc tâm sự.

    Theo chia sẻ của bà Cúc, ngay sau khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng bà đã làm hồ sơ để được ghép giác mạc. Bà tự nhận mình là người may mắn khi được chọn để ghép giác mạc.

    “Lúc tôi ghép xong giác mạc, các con là những người thân đầu tiên trong gia đình tôi nhìn thấy. Hơn 10 năm qua, các con của tôi cũng thay đổi nhiều, đứa nào cũng già đi.

    Thời điểm tôi không nhìn thấy ánh sáng, các cháu của tôi có đứa còn bé, có đứa chưa sinh ra. Giờ nhìn chúng đã lớn khôn cả rồi. Tôi có thể biết được gương mặt từng người mà không phải tưởng tượng, thực sự rất vui mừng không gì tả nổi”, bà Cúc xúc động nói.

    Đồng thời, bà Cúc cũng bày tỏ tâm niệm, có người đã cho bà giác mạc giúp bà nhìn thấy ánh sáng thì sau này, nếu đôi mắt bà còn tốt, bà cũng sẽ tìm hiểu việc hiến giác mạc.

    Phẫu thuật ghép giác mạc là gì?    

    Phẫu thuật ghép giác mạc là thay thế một phần hoặc toàn bộ chiều dày của giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành, mang lại độ trong suốt của giác mạc cho mắt bị bệnh và phục hồi thị lực. Phẫu thuật ghép giác mạc được chỉ định khi người bệnh bị đục giác mạc nhưng mắt còn nhận biết được ánh sáng.

    Sự thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bệnh lí giác mạc loại nào, yếu tố tiên lượng trước phẫu thuật, chỉ định kĩ thuật ghép phù hợp và đặc biệt quan trọng là chăm sóc, theo dõi mảnh ghép sau phẫu thuật.

    Để kết quả phẫu thuật ghép giác mạc thành công, bất cứ cơ sở chuyên khoa mắt nào cũng cần có quy trình nhận bệnh nhân, khám sàng lọc, chỉ định kĩ thuật, quy trình phẫu thuật và quy trình chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật.

    Theo anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Mắt, bệnh viện Mắt Trung ương, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Đồng thời, giác mạc của người hiến tặng có thể lấy ở bất cứ đâu (nhà, bệnh viện hay nhà xác).

    Những người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay những người mắc bệnh nan y như ung thư, đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Trừ những trường hợp bị nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C… vì có thể lây bệnh truyền nhiễm này cho người nhận giác mạc.

    *Tên nhân vật đã được thay đổi!

    Nguyễn Huệ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-nguoi-mat-di-anh-sang-bong-vo-oa-hanh-phuc-sau-khi-duoc-ghep-giac-mac-a221173.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan