+Aa-
    Zalo

    Kết luận điều tra nhóm cán bộ đường sắt nhận tiền của Công ty JTC

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liên quan đến vụ nhận “lót tay” của nhóm cán bộ bộ đường sắt, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 6 bị can.

    (ĐSPL) - Liên quan đến vụ nhận “lót tay” của nhóm cán bộ bộ đường sắt, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 6 bị can.

    Theo tin tức trên báo An ninh Thủ đô, ngày 4/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 6 bị can về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

    Các bị can này là lãnh đạo, cán bộ ngành đường sắt liên quan trong vụ nhận lót tay hàng chục triệu yên Nhật của Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC), gồm: Trần Quốc Đông (SN 1964), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Phạm Hải Bằng (SN 1969) và Phạm Quang Duy (SN 1975), đều là Phó Giám đốc RPMU; Nguyễn Nam Thái (SN 1977), Trưởng phòng dự án 3 – RPMU; Trần Văn Lục (SN 1958) và Nguyễn Văn Hiếu, cùng nguyên Giám đốc RPMU.

    Trần Quốc Đông, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam.

    Ngày 20/3/2014, truyền thông Nhật Bản đưa tin Giám đốc công ty JTC thừa nhận đã chi bất hợp pháp nhiều triệu Yên cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA. Riêng tại Việt Nam, JTC hối lộ cho một nhóm quan chức đường sắt trong giai đoạn từ năm 2008 - 2012 để được nhận thầu tư vấn dự án xây dựng đường sắt đô thị.

    Tháng 4/2014, Bộ Ngoại giao đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thông tin có 3 đối tượng đã nhận hơn 69 triệu Yên (tương đương 11 tỷ đồng) của Công ty JTC để thực hiện gói thầu tư vấn kỹ thuật dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1, giai đoạn I).

    Ngay sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan CSĐT phối hợp với Bộ GTVT tiến hành điều tra xác minh, làm rõ thông tin trên.

    Theo báo Tuổi Trẻ, qua điều tra, Cơ quan CQĐT kết luận vào khoảng tháng 9/2009 trong quá trình thống nhất các điều khoản của hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật với nhà thầu JTC, ông Phạm Hải Bằng (lúc đó là Chủ nhiệm dự án) đã đề cập một số khó khăn của RPMU về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC và phía JTC  đồng ý hỗ trợ một khoản kinh phí.

    Sau khi có thoả thuận trên, ông  Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện. Từ tháng 9/2009  đến tháng 2/2014, Duy và Thái nhiều lần được ông Bằng giao đi nhận hỗ trợ từ phía nhà thầu với tổng số tiền 11 tỉ đồng.

    Khoản tiền trên được ba người chia nhau quản lý, sử dụng: Phạm Hải Bằng giữ 4,8 tỉ đồng; Nguyễn Nam Thái giữ 3,4 tỉ đồng, Phạm Quang Duy giữ 2,8 tỉ đồng.

    Ba người này khai nhận đã sử dụng số tiền trên vào chi phí tổ chức lễ ký kết hợp đồng, tiếp khách, đối ngoại, hội họp, tổ chức cho Tổ dự án và RPMU đi nghỉ mát…

    Tuy nhiên, các khoản chi nói trên đều không có chứng từ, sổ sách.

    Theo Cơ quan CSĐT, ông Bằng khai đều báo cáo với các ông Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc RPMU các thời kỳ) khi chi khoản tiền trên dù những người này không chỉ đạo gì về việc sử dụng tiền.

    Ông Bằng cũng khai nhận đã trích từ nguồn tiền hỗ trợ của JTC để đưa cho ông Trần Quốc Đông 30 triệu đồng, ông Trần Văn Lục 100 triệu đồng và ông Nguyễn Văn Hiếu 50 triệu đồng vào dịp Tết.

    Cơ quan CSĐT cũng cho biết sau khi bị bắt giam, ông Bằng đã tự nguyện nộp lại 970 triệu đồng, 7.000 USD và 2 sổ tiết kiệm trị giá hơn 900 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

    Tại một diễn biến khác, kết quả tương trợ tư pháp của Tòa Hình sự - Tòa án thành phố Tokyo Nhật Bản thể hiện rõ "Lời khai của các bị cáo và người liên quan phía Nhật Bản thể hiện trước, trong và sau khi ký kết, thực hiện hợp đồng tư vấn kỹ thuật tại Dự án Tuyến số 01, các cán bộ RPMU đã yêu cầu các khoản tiền để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Công ty JTC Nhật Bản khi ký kết hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng và thanh toán khối lượng thực hiện".

    Hành vi của các cán bộ RPMU theo lời khai từ phía Nhật Bản là có dấu hiệu phạm tội "Nhận hối lộ" theo Điều 279 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, do pháp luật Nhật Bản và Việt Nam có sự khác nhau, các chứng cứ của Nhật Bản không được áp dụng làm chứng cứ cho các vụ án của Việt Nam, nên chỉ là tài liệu tham khảo...

    Trước đó, ngày 4/2/2015, Tòa án thành phố Tokyo Nhật Bản đã xét xử vụ án "vi phạm Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh" xảy ra tại Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (Công ty JTC). Cùng thủ đoạn nêu trên, ngoài vụ án "lót tay" các quan chức Đường sắt Việt Nam, các bị cáo thuộc Công ty JTC Nhật Bản còn đưa số tiền 30 triệu yên Nhật khác cho một số cá nhân trong Dự án đường sắt đôi tuyến phía Nam đảo Java thuộc Dự án vốn vay ODA của Nhật Bản, do Tổng cục Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải Indonesia mời thầu và Dự án đường sắt điện do Tổng Công ty Đường sắt Uzbekistan mời thầu.

    Kết quả xét xử: phạt Công ty JTC 90 triệu yên Nhật, cấm tham gia các dự án nước ngoài 3 năm; bị cáo KAKINUMA Tamio, nguyên Chủ tịch HĐQT chịu án 2 năm tù treo, thử thách 3 năm; bị cáo WADA Tatsuro, nguyên thành viên HĐQT, cố vấn JTC, Trưởng phòng quốc tế Công ty JTC chịu án 2 năm 6 tháng tù treo, thử thách 4 năm; bị cáo IKEDA Koji, nguyên thành viên HĐQT, nguyên Trưởng phòng Kế toán JTC chịu án 2 năm 6 tháng tù treo, thử thách 3 năm...

    GIA HUY(Tổng hợp)

    Bác sĩ đòi hối lộ, bị người nhà bệnh nhân vạch mặt?


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ket-luan-dieu-tra-nhom-can-bo-duong-sat-nhan-tien-cua-cong-ty-jtc-a97199.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.