+Aa-
    Zalo

    Không để lọt sinh viên ngọng làm giáo viên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Phương án phỏng vấn trong tuyển sinh ĐH thu hút được nhiều sự quan tâm của thí sinh, các chuyên gia giáo dục khi lần đầu tiên được áp dụng tại một số trường ĐH ở Việt Nam.

    (ĐSPL) - Lần đầu tiên thực hiện việc tự chủ tuyển sinh theo tinh thần của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), nhiều trường đại học (ĐH) quyết định tuyển sinh tự chủ dựa trên ba tiêu chí: Kiến thức, đạo đức và năng lực giống như các trường ĐH ở nước ngoài. Trong đó hình thức phỏng vấn trực tiếp thí sinh được một số trường lựa chọn để “lọc” thí sinh phù hợp nhất vào trường.

    Không để lọt sinh viên ngọng làm giáo viên
    Không để lọt sinh viên ngọng làm giáo viên. Ảnh minh họa.

    Tuyển sinh như nước ngoài

    Trong số 62 trường đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh riêng, rất nhiều trường đã sử dụng phương án phỏng vấn để lựa chọn thí sinh trúng tuyển. Phương án phỏng vấn trong tuyển sinh ĐH thu hút được nhiều sự quan tâm của thí sinh, các chuyên gia giáo dục khi lần đầu tiên được áp dụng tại một số trường ĐH ở Việt Nam.

    Trường ĐH Phan Chu Trinh cho biết, trong số năm tiêu chí trúng tuyển của trường có kết quả phỏng vấn trực tiếp của hội đồng tuyển sinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích... của thí sinh.

    Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cũng lựa chọn hình thức phỏng vấn trực tiếp sau khi thí sinh đã thi tuyển theo phương án ba chung của Bộ GD&ĐT. Theo đó, việc tuyển sinh của trường được tiến hành theo hai bước. Bước một, thí sinh thi tuyển theo phương án ba chung của Bộ GD&ĐT để lấy thí sinh lọt vào vòng phỏng vấn với số lượng nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh không quá 30\%. Bước hai, phỏng vấn trực tiếp để xác định khả năng tư duy, phân tích, lập luận, xử lý tình huống và khả năng giao tiếp của thí sinh. Được biết, các câu hỏi tập trung vào những kiến thức giáo dục công dân đã được học, những câu hỏi về những vấn đề chính trị, thời sự của đất nước, các tình huống ứng xử. Chấm điểm phỏng vấn bằng phiếu và tính điểm cho từng tiêu chí riêng biệt. Điểm trúng tuyển là tổng của kết quả thi tuyển sinh đại học chính quy năm 2014 (chiếm 85\%) cộng với vòng phỏng vấn trực tiếp (chiếm 15\%).

    Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đưa ra ba hình thức tham gia kỳ thi chung của bộ GD&ĐT, thi tuyển kết hợp xét tuyển và tổ chức phỏng vấn bổ sung đối với sinh viên các ngành sư phạm kỹ thuật. Cụ thể, thí sinh sau khi trúng tuyển vào các ngành đào tạo hướng công nghệ có thể làm đơn xin phục vụ sư phạm để được xét tuyển vào các chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật tương ứng (được miễn học phí). Số sinh viên này sẽ được hội đồng xét tuyển của trường đánh giá dựa vào điểm trung bình môn Ngữ văn của sáu học kỳ THPT và phỏng vấn.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, hình thức tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh tại trường sẽ diễn ra trong thời gian 10-15 phút/thí sinh. Nội dung phỏng vấn liên quan đến việc xác định khả năng không dị tật về âm thanh (giọng nói), hình dáng; năng lực thực tiễn, IQ, tư duy sáng tạo, thái độ, kỹ năng, hành vi, năng khiếu, sự thích ứng nghề nghiệp sư phạm kỹ thuật (thông qua việc thực hiện các bài trắc nghiệm khách quan nhỏ). Bộ câu hỏi và đáp án phỏng vấn sẽ được tổ chức cụ thể, đảm bảo bí mật. Chắc chắn việc phỏng vấn sẽ giúp nhà trường chọn được các sinh viên ưu tú, yêu nghề gắn bó lâu dài với nghề sư phạm trong tương lai.

    Không phải trường nào cũng đủ khả năng làm

    PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đồng tình với hình thức tuyển sinh có thêm phỏng vấn trực tiếp của một số trường tuyển sinh riêng, áp dụng năm 2014.

    “Nhiều học sinh lớp 12 tại trường tôi, khi nộp hồ sơ ở các trường ĐH nước ngoài, hồ sơ lớp 11, học kỳ 1 lớp 12 đã được các trường ĐH thực hiện phỏng vấn trực tiếp. Phỏng vấn xong, họ thông báo cho học sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT, không cần phải thi đại học, trường đó sẽ tiếp nhận thí sinh. Cách làm này vừa đánh giá được phản xạ của thí sinh và cả lối tư duy của các em. Điểm phỏng vấn trực tiếp không phải quyết định 100\% mà chỉ chiếm một phần cùng với hình thức xét tuyển và tuyển sinh ba chung của bộ GD&ĐT nên chắc chắn là sẽ cho thí sinh thêm cơ hội thể hiện mình. Thực tế nói riêng, với thí sinh thi vào ngành sư phạm hiện nay, nhiều em có thể học rất giỏi nhưng có dị tật bẩm sinh, ví dụ như miệng méo chẳng hạn, không nên để em đó đi dạy. Vấn đề này, khi phỏng vấn chắc chắn các thầy cô sẽ biết và sẽ có định hướng tốt hơn cho các em. Chứ như hiện nay, nhiều giáo viên nói ngọng, đi dạy cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh rất “phiền” cho học sinh sau này”, PGS Văn Như Cương chia sẻ.

    PGS.TS Lê Hiếu Giang cho biết, hiện nay, nhà trường chưa có bộ câu hỏi cụ thể của phần phỏng vấn trực tiếp. Nhưng, chắc chắn những người phụ trách tuyển sinh sẽ nghe các em thuyết trình về một chủ đề bất kỳ nào đó, từ đó đánh giá được giọng nói, ngoại hình... và trường có tiêu chí cụ thể để chọn.

    Trước lo ngại, thí sinh lần đầu làm quen với phỏng vấn có thể mất bình tĩnh dẫn đến “mất điểm oan”, ông Giang trấn an, việc phỏng vấn với các sinh viên có nguyện vọng học ngành sư phạm là sau khi các em đã trúng tuyển vào trường có nguyện vọng phục vụ trong ngành sư phạm. Phỏng vấn trực tiếp có thể nhiều em sẽ run lúc đầu nhưng chúng tôi sẽ có cách phỏng vấn để giúp các em bình tĩnh, thể hiện tốt nhất khả năng của mình. Hình thức phỏng vấn trực tiếp này là khi các em đã nhập trường nên không có bất cứ sự tốn kém, lãng phí nào về thời gian hay bất tiện cho các em.

    Dù đánh giá cao hình thức tuyển sinh này nhưng PGS Văn Như Cương cho rằng, tuyển chọn đầu vào bằng phỏng vấn là hình thức rất tốt, chỉ có một điều là hình thức này tốn nhiều thời gian nên khó áp dụng rộng rãi. Nếu 100 – 200 người, các trường có thể phỏng vấn nhưng lượng thí sinh lên đến vài nghìn thì rất phức tạp, không phải trường nào cũng đáp ứng đủ nhân lực và kinh phí để có thể áp dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp. Chúng ta có thể áp dụng hình thức thi viết, sau đó áp dụng phỏng vấn trực tiếp để loại các thí sinh không đủ tiêu chuẩn. Hình thức này được nước ngoài sử dụng khá phổ biến, chỉ có điều ở Việt Nam hiện giờ mới có một số trường áp dụng.

    Theo một chuyên gia giáo dục, các trường ĐH danh tiếng tại Mỹ thường dùng các tiêu chí cụ thể để chọn sinh viên tốt, phù hợp nhất với trường của họ và một trong đó là điểm phỏng vấn trực tiếp. Như đại học Harvard mỗi năm cho người sắp xếp phỏng vấn trên 34.000 ứng viên để chọn khoảng 2.050 sinh viên. Bài phỏng vấn có thể thay đổi cán cân cho những trường hợp sát sao. Qua phần phỏng vấn này, giáo viên sẽ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của sinh viên và ngược lại sinh viên hiểu thêm về trường, sự quan tâm và trân trọng của trường đối với từng ứng viên.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-de-lot-sinh-vien-ngong-lam-giao-vien-a27375.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan