+Aa-
    Zalo

    Ống dẫn nước bị lũ cuốn, 20.000 hộ dân ở Nha Trang thiếu nước sinh hoạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hơn 40m đường ống dẫn nước bị lũ cuốn trôi khiến hơn 20.000 hộ dân ở Nha Trang bị ảnh hưởng vì thiếu nước sinh hoạt.

    (ĐSPL) - Hơn 40m đường ống dẫn nước bị lũ cuốn trôi khiến hơn 20.000 hộ dân ở Nha Trang bị ảnh hưởng vì thiếu nước sinh hoạt.

    Báo Tri thức trức tuyến đưa tin, rạng sáng ngày 14/12, nước trên sông Cái dâng cao, chảy xiết đã cuốn trôi một trụ đỡ của hệ thống ống dẫn nước.

    Đại diện đơn vị thi công nhận định: "Một trụ đỡ bị nước cuốn. Nguyên nhân có thể do tàu thuyền neo đậu dưới gầm cầu Xóm Bóng buộc dây neo tàu vào trụ. Đến khi nước lớn, chảy xiết, trụ đỡ không chịu nổi nên gãy”.

    Ống dẫn nước mất trụ đỡ, gãy một đoạn 40m. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

    Theo báo Tuổi trẻ, sáng cùng ngày, người dân khu vực cầu Xóm Bóng (gần Tháp bà Ponagar, TP Nha Trang) phát hiện hơn 40m đường ống dẫn nước phi 400 do Công ty cổ phần cấp thoát nước Khánh Hòa quản lý đứt ngang, nước chảy xối xả.

    Ghi nhận tại hiện trường, một đoạn đường ống phi 400 đứt hoàn toàn, đường ống phi 500 bên cạnh cũng bị võng xuống do trụ đỡ bị lũ cuốn trôi.

    Trong sáng 14/12, lực lượng công an, biên phòng đã đến hiện trường lập biên bản sự việc để điều tra nguyên nhân. Công nhân công ty tiến hành sửa chữa những đoạn ống sắt bị nứt, gãy.

    Một cán bộ Công ty cổ phần cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết: "Đối với đoạn ống bị gãy hoàn toàn, công ty đã lên phương án lắp tạm một đường ống lơ lửng và mở nước với lưu lượng thấp để phục vụ tạm thời cho các hộ dân vì việc xây lại trụ đỡ đường ống chưa thể thực hiện trong nay mai".

    Đến chiều cùng ngày, hơn 20.000 hộ dân khu vực phía bắc TP Nha Trang vẫn chưa có nước sinh hoạt để dùng sau lũ lớn.

    Dự kiến sau khi sửa chữa tạm thời, khoảng 80% hộ dân khu vực phía bắc TP Nha Trang có nước sạch trở lại.

    Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, đợt mưa to trong 3 ngày qua với lượng mưa phổ biến từ 100 - 170mm đã gây ra nhiều thiệt hại, ước tính trên 50 tỷ đồng ở địa phương này.

    Ngày 13/12, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp mưa dài ngày khiến lũ đổ về dồn dập làm nhiều nơi ở TP Nha Trang bị ngập. Ảnh: VnExpress.

    Mưa lũ đã khiến 11 căn nhà bị sập, hư hỏng; trên 220 căn nhà bị ngập nước, tập trung ở huyện Khánh Vĩnh và TP Nha Trang. Toàn tỉnh có trên 1.400 ha lúa đang gieo sạ vụ Đông Xuân 2016 – 2017 bị nước lũ nhấn chìm, chủ yếu ở các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh và TX Ninh Hòa; 6 tàu cá bị chìm, hư hỏng, trong đó có 4 tàu công suất lớn trên 90CV. Mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm một người chết...

    Hiện tại, lũ trên các sông đã rút, địa phương đang tập trung vào việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

    Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

    "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

    a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

    b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

    c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

    d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

    đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

    e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

    2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

    a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

    b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

    d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-dan-nuoc-bi-lu-cuon-20000-ho-dan-o-nha-trang-thieu-nuoc-sinh-hoat-a174147.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan