+Aa-
    Zalo

    Quyền được chết: "Quỳ lạy con để xin uống thuốc độc tự tử"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Tôi cũng từng nghe kể, có người bị ung thư giai đoạn cuối, quỳ lạy cả con cái để xin được uống thuốc độc tự tử nhưng không được".

    (ĐSPL) - "Tôi cũng từng nghe kể, có người bị ung thư giai đoạn cuối, quỳ lạy cả con cái để xin được uống thuốc độc tự tử nhưng không được".
    Đó là chia sẻ của bà Trần Thị L. (60 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội với PV báo Vietnamnet về đề xuất cho phép đưa "quyền được chết êm ái" vào nội dung của Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bà L. cho biết, bà ủng hộ cái chết nhân đạo với những trường hợp y học không còn cơ hội cứu chữa.
    "Cuối cùng rồi cũng sẽ ra đi, sao mình không chọn cách nhẹ nhàng để giải thoát khỏi cảnh đau đớn. Với những bệnh nhân ung thư, giai đoạn cuối sẽ vật vã lắm. Vậy nên một cái chết êm ái cho họ là điều cần thiết", bà L. nói thêm.
    Bà L. chia sẻ, cũng từng chứng kiến có người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, toàn thân đau nhức, không ăn uống được, nằm liệt giường đến mức lưng loét ra.
    "Ở hoàn cảnh đó, thử hỏi ai còn muốn tiếp tục sống hay chỉ muốn chấm dứt nhanh nỗi đau đớn thể xác? Tôi cũng từng nghe kể, có người bị ung thư giai đoạn cuối, quỳ lạy cả con cái để xin được uống thuốc độc tự tử nhưng không được", bà L. chia sẻ.
    Chị Phạm Thị Trang (Hưng Yên) cũng kể về trường hợp thương tâm của bác mình, khi phát hiện bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn cuối. Điều trị ít ngày tại Bệnh viện Thanh Nhàn, vì quá đau đớn, bác chị liên tục... xin được chết.
    "Bác còn giấu cả dao xuống dưới giường nhưng mọi người tìm được. Sau đó, lợi dụng lúc mọi người không để ý, bác lao qua lan can bệnh viện tự tử", chị Trang rớm nước mắt khi kể lại câu chuyện đau lòng của gia đình mình.

    Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất "quyền được chết êm ái vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh minh họa

    Liên quan đến đề xuất đưa “quyền được chết êm ái” vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều chuyên gia cho rằng nếu thừa nhận thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề không lường trước được.

    Ông Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: "Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại của họ chỉ tính bằng ngày, bằng tuần và họ phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp. Nỗi đau lan cho gia đình, người thân, gây tốn kém tiền của nên họ yêu cầu chấm dứt điều trị để ra đi. Tôi cho đây là quyết định đúng đắn, nhân đạo với bệnh nhân".

    Tuy nhiên, bác sỹ Hùng khẳng định rằng đây là vấn đề nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành cũng khó, cần phải đưa vấn đề này ra nghiên cứu và bàn luận cụ thể. Bởi lương tâm nghề y không cho phép các bác sỹ thực hiện mũi tiêm nhân đạo, dù mục đích là tốt đẹp.

    Trao đổi trên báo Thanh niên về đề xuất trên, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, phân tích, pháp luật VN đã quy định không ai được phép tước đoạt quyền được sống của con người, trừ bản án có hiệu lực pháp luật của tòa, nay lại quy định thêm như vậy thì vi hiến.

    TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, từ 2005, Luật Dân sự đã đề cập đến “quyền được chết” tuy nhiên lúc đó Quốc hội chưa xem xét. Sau 10 năm, đến thời điểm này, Quốc hội tiếp tục bàn luận về luật Dân sự (sửa đổi), và Bộ Y tế đề xuất đưa “quyền được chết êm ái” vào luật.
    Theo ông Quang, chưa có thước đo nào xác định được sự tiếp nhận đề xuất về “quyền được chết” từ phía các bộ ngành cũng như từ người dân, và nó chắc chắn là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đề xuất ủng hộ cho quyền được chết.
    Xung quanh đề xuất của Bộ Y tế, chia sẻ trên Vietnamnet, bác sĩ Nguyễn Đức Tiến, trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Việt Đức cho rằng, đứng trên góc độ tập quán và xã hội thì đây là vấn đề khá nhạy cảm, còn nhiều tranh cãi ngay cả trên thế giới. Nó phụ thuộc vào từng cá nhân, từng gia đình cụ thể.
    "Người thân nào cũng thương tiếc cả nhưng hãy đứng trên góc độ người bệnh, phải thấy rằng đó là một "gánh nặng" với họ. Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế nhưng nếu bệnh nhân muốn mà gia đình cũng đồng ý thì tốt nhất", bác sĩ Tiến chia sẻ.
    Dù đồng tình song bác sĩ Tiến băn khoăn: "Mục đích tối thượng của bác sĩ là cứu người, do đó khi thực hiện quyền này cũng là một rào cản rất lớn. Giờ bảo bác sĩ đi tiêm cho bệnh nhân rất khó. Tâm lý của bác sĩ sẽ đối nghịch lại do đó việc này không nhất thiết phải là bác sĩ làm".
    Xoay quanh câu chuyện quyền được chết, kết quả khảo sát do Tuổi trẻ online thực hiện trên 685 ý kiến bạn đọc cho thấy có 557 ý kiến đồng ý bổ sung quyền được chết vào Bộ luật dân sự (chiếm 81,3\%). Có 117 ý kiến không đồng ý và 11 ý kiến khác.
    Bạn đọc Ngân Giang có ý kiến đồng tình: “Đặt ra quyền được chết, con người sẽ rất dễ lạm dụng quyền này để thoái thác trách nhiệm đối với những người mình có bổn phận phải chăm sóc”.
    Theo bạn đọc Phạm Hùng: “Thực chất quyền này đã thực hiện trong thực tế, chúng ta thường hay thấy đối với các trường hợp bệnh nặng mà người bệnh sống nhờ máy móc hoặc gần hấp hối thì gia đình đã chủ động làm đơn xin đem về gia đình để được chết ở nhà”.
    Anh Lê Tấn Khoa (khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) bày tỏ: “Trong xã hội ngày càng hiện đại nên có cái nhìn tân tiến hơn cả về sự sống lẫn cái chết. Chúng ta có nhiều luật và quy định bảo vệ quyền được sống cho con người nhưng đã quên về cái chết. Không có lý do gì chúng ta không có những quy định cụ thể để họ được chết trong êm ái khi y học đã vô phương cứu chữa”.
    MAI NGUYÊN(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quyen-duoc-chet-quy-lay-con-de-xin-uong-thuoc-doc-tu-tu-a92648.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan