+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/10/2018: Lệ Quyên phải tháo sụn mũi vì nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 27/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/10/2018. Cập nhật tin đời sống mới nhất trên cả nước ngày 27/10/2018 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Lệ Quyên phải tháo sụn mũi vì nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử

    Tối 25/10, đại diện của Lệ Quyên cho biết nữ ca sĩ vừa phải phẫu thuật tháo bỏ sụn mũi sau biến chứng. Theo đó, Lệ Quyên từng sửa mũi nhiều năm trước. Gần đây, mũi cô bị sưng nặng do cơ thể tự đào thải sụn cũ.

    “Ai cũng biết chị Lệ Quyên sửa mũi từ chục năm nay. Nhưng gần đây, mũi của chị bị sưng rất nặng. Lúc đầu chị còn nghĩ không sao, uống thuốc sẽ khỏi nhưng không phải. Lệ Quyên rất lo lắng, đến gặp bác sĩ. Cơ thể của Lệ Quyên đang đào thải sụn cũ và bác sĩ chỉ định phải tháo sụn ra gấp”, đại diện Lệ Quyên chia sẻ.

    Các bác sĩ cho biết nếu không tháo sụn, vùng mũi có thể đối diện nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử và nguy hiểm tới tính mạng.

    Nữ ca sĩ muốn trì hoãn lịch tháo sụn để đảm bảo kế hoạch biểu diễn đã có từ trước. Tuy nhiên, các bác sĩ yêu cầu cô cần tiến hành tháo sụn ngay lập tức.

    “Quá trình tháo sụn đã gắn quá lâu vào cơ thể rất đau đớn, nguy hiểm vì mất nhiều máu do sụn cũ liền vào thịt luôn rồi”, đại diện này cho biết thêm.

    Lệ Quyên sau khi tháo sụn mũi.

    Điều khiến ê-kíp Lệ Quyên yên tâm là kết quả sau ca phẫu thuật. “Trong cái rủi có cái may, gỡ sụn cũ ra mặt chị Lệ Quyên hài hòa và trẻ trung hơn. Từ nay chị ấy cũng không còn đồ giả trong người nữa. Hôm nay, mũi vẫn còn sưng vì vết thương lâu lành”, anh nói.

    Lệ Quyên là nghệ sĩ hiếm hoi ở showbiz Việt thừa nhận từng phẫu thuật thẩm mỹ. Khi mới nổi tiếng, nữ ca sĩ Hà thành tâm sự về lý do sửa mũi: “Tất cả mọi người trong gia đình Quyên đều có mũi đẹp, rất cao nhưng không hiểu tại sao riêng Quyên thì đây là lại điểm khuyết duy nhất. Nhưng vì công việc, mình lên hình, chụp ảnh, diễn trên sân khấu bởi vậy nên Quyên bắt buộc phải dùng đến thẩm mỹ. Quyên nhấn mạnh mình chỉ thẩm mỹ mũi”.

    Đỉa dài 5cm sống trong đường thở bé gái 9 tuổi

    Ngày 26/10, thông tin từ Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ vừa gắp được 1 con đỉa dài 5cm từ đường thở cho bệnh nhân L.T.T. (9 tuổi, dân tộc Khơ Mú, trú tại xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

    Cách đây 2 tháng, bệnh nhân sau khi uống nước suối thì thấy có biểu hiện ho, khò khè, khó thở, cảm giác có gì đó vướng mắc trong cổ họng nhưng người nhà chỉ nghĩ cháu bị viêm phế quản thông thường.

    Tuy nhiên, tình trạng khó thở của cháu ngày càng tăng. Gia đình liền đưa bệnh nhân xuống bệnh viện huyện để kiểm tra và phát hiện có 1 con đỉa nằm trong đường thở.

    Con đỉa được các bác sĩ gắp ra.

    Bệnh viện huyện không xử lý được nên nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng lên phòng mổ. Các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng đã tiến hành nội soi ống cứng, gắp dị vật ra được 1 con đỉa còn sống, dài hơn 5cm.

    Bác sĩ Đoàn Nhân Chính, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: "Do con đỉa sống lâu ngày trong hạ thanh môn nên càng ngày càng to lên, hút máu, khiến cho thành phế quản của bệnh nhân bị viêm loét, chảy máu, đọng nhiều dịch mủ, che bít kín đường thở".

    Hiện tại, sau khi gắp dị vật, bệnh nhân đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa.

    Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh tại Long An

    Từ đầu tháng 9/2018 đến nay, bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh tại tỉnh Long An. Dự báo thời gian tới, bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

    Theo ghi nhận tại khoa Nhi các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Long An, số bệnh nhân đến điều trị bệnh tay chân miệng khá đông. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở y tế tiếp nhận khoảng 5-10 bệnh nhân là trẻ nhỏ có các triệu chứng sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng mụn nước.

    Tại khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Long An, các bệnh nhân nhiễm tay chân miệng được theo dõi chặt chẽ, khám mỗi ngày 2 lần kể cả cuối tuần. Ảnh: TTXVN

    Bác sĩ Phạm Công Anh Vũ, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Long An cho biết: So với các thời điểm khác, khoảng 2 tháng gần đây, bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh, bệnh nhân đến bệnh viện đông hơn. Sau khi thăm khám, các bệnh nhân đều được điều trị ở khu riêng, theo dõi chặt chẽ, mỗi ngày khám 2 lần kể cả cuối tuần để tránh bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu.

    Ông Huỳnh Minh Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Long An cho biết: Trước tình hình bệnh tay chân miệng có nhiều diễn biến phức tạp, Sở Y tế Long An đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phòng chống dịch chuyển về cho các địa phương; giám sát chặt chẽ, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nếu xảy ra. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh, giúp người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

    Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước của người nhiễm virus. Đây là bệnh rất dễ gặp phải ở trẻ em và có khả năng lây nhiễm cao, gây nhiều biến chứng khó lường, rất dễ bùng phát diện rộng tại những điểm tập trung đông trẻ em như trường học, nhà trẻ không đảm bảo vệ sinh.

    Do đó, ngành Y tế Long An khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm… để phòng bệnh. Các trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Khi trẻ bị bệnh nên hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây lan ra cộng đồng...

    Theo thống kê của Sở Y tế Long An, tính từ đầu năm 2018 đến ngày 7/10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.300 ca mắc bệnh tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 9/2018 trên địa bàn tỉnh đã có gần 900 ca mắc tay chân miệng, tập trung chủ yếu ở một số địa bàn đông dân cư, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa đảm bảo vệ sinh như, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước...

    Hôn mê sâu vì nhậu quá chén

    Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Văn Quang (đã đổi tên, 49 tuổi) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán là ngộ độc rượu và viêm phổi do trào ngược thức ăn vào phổi.

    Khai thác tiền sử cho thấy ông Quang là người nghiện rượu nhiều năm nay. Mỗi ngày, ông uống khoảng 500-600 ml rượu.

    Ngày 23/10, do uống quá nhiều rượu, ông Quang bất tỉnh, nôn và trào ngược thức ăn vào phổi. Mặc dù các y bác sĩ tại Bệnh viện Phố Nối (Hưng Yên) cấp cứu tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục diễn biến xấu, hôn mê sâu và viêm phổi nặng.

    Do tình hình chuyển biến xấu, sáng 24/10, ông được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

    Tại đây, ông Quang được điều trị thải độc, thở máy và dùng kháng sinh mạnh chống viêm phổi. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn cần thêm vài tuần để hồi phục hoàn toàn.

    Bác sĩ Ngô Đình Trung, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay trường hợp của ông Quang là một lời cảnh báo về ngộ độc rượu - một tình trạng bệnh nghiêm trọng đòi hỏi các biện pháp cấp cứu khẩn cấp do có nguy cơ thiệt mạng cao.

    “Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là trong rượu có chứa hợp chất Ethyl alcohol. Hợp chất này thường có trong các loại đồ uống có cồn, nước súc miệng, sản phẩm chiết xuất dùng trong nấu ăn và một số loại thuốc khác. Khi uống quá nhiều rượu và trong một khoảng thời gian ngắn, chất này có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, nhịp tim, trường hợp nặng sẽ dẫn đến hôn mê và tử vong”, bác sĩ Trung nói.

    Ngoài ra, chuyên gia khuyến cáo không nên uống các loại rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém như rượu pha chế từ cồn công nghiệp vì dễ bị ngộ độc nguy hiểm từ các tạp chất khác trong rượu như methanol. Đây là chất cực độc đối với cơ thể, gây ức chế thần kinh, tổn thương mắt, rối loạn chuyển hóa nặng và thiệt mạng nhanh chóng dù chỉ uống một lượng nhỏ.

    Thu Hằng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-27102018-le-quyen-phai-thao-sun-mui-vi-nguy-co-nhiem-trung-hoai-tu-a249047.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan