+Aa-
    Zalo

    Triệu trái tim hướng về biển đảo...

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đó là nét chữ run run của cụ ông năm nay đã 77 tuổi. Đó là những dòng chữ nguệch ngoạc của cậu bé ở tuổi 12. Hay những câu tâm ngôn viết tay của hàng ngàn sinh viên...

    (ĐSPL) - Đó là nét chữ run run của cụ ông năm nay đã 77 tuổi. Đó là những dòng chữ nguệch ngoạc của cậu bé ở tuổi 12. Hay những câu tâm ngôn viết tay của hàng ngàn sinh viên đại học-cao đẳng trên địa bàn cả nước... Hàng ngàn bài dự thi được viết lên bằng tình yêu, lòng tự hào dân tộc với tình yêu biển đảo vô bờ bến.

    Một thành viên trong hội đồng Chung khảo Cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ nhất - 2014 do báo Đời sống và Pháp luật phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức đã xúc động nói rằng, qua các bài dự thi, Ban tổ chức thấy rằng, dù ở bất cứ lứa tuổi, ngành nghề và miền đất nào nhưng trái tim họ đều cùng nhịp đập và hướng về Biển Đảo quê hương.

    Ban tổ chức Cuộc thi chụp ảnh lưu niệm với tác giả đoạt giải Nhất cá nhân và đại diện nhóm đoạt giải Nhất tập thể. (Ảnh Thành Long)

    Khi triệu trái tim hòa chung một nhịp

    Trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, báo Đời sống và Pháp luật đã phát động Cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ nhất- 2014 và thu hút được sự quan tâm, tham gia của hàng ngàn bạn đọc trên toàn quốc.

    Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hải (SN 1952, Phú Giáo, Bình Dương), người đoạt giải Ba của cuộc thi kể về thời gian hoàn thành tác phẩm dày gần 500 trang giấy nặng gần 10kg, với những lập luận sắc sảo, căn cứ pháp lý vững chắc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. "Tháng 9/2014, tôi đọc được thông tin báo Đời sống và Pháp luật phát động Cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo nên quyết định tham gia ngay. Thú thực, từ khi nghe thông tin về Biển đảo quê hương bị Trung Quốc xâm phạm, tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ. Bài dự thi thay cho những lời tôi muốn nói. Tôi đầu tư thời gian và công sức vào tác phẩm để trải hết được nỗi lòng mình, bày tỏ hết những suy tư, trăn trở của mình với Tổ quốc", ông Trần Ngọc Hải tâm sự.

    Do là bản viết tay nên để viết chữ đẹp và giữ nét chữ ổn định, mỗi lần viết, ông Hải phải ngồi nửa ngày trời. Ông Hải nói vui rằng, để hoàn thành tác phẩm nặng gần 10kg, với hơn 500 trang giấy, ông đã bị sụt mất 4kg. Biết ông Hải phải ngồi nhiều để viết, người con dâu út đi đặt riêng cho cha một chiếc ghế đệm. Hầu như ngày nào ông Hải cũng thức khuya để dồn những dòng tâm huyết vào bài thi. Cả gia đình 8 thành viên cùng chung sức, chung lòng để động viên ông hoàn thành tốt tác phẩm của mình.

    Cũng như ông Trần Ngọc Hải, chị Trần Bích Thuỷ, ở Đồng Nai (đoạt giải Nhất cá nhân) đã bày tỏ những cảm xúc rất hạnh phúc khi tác phẩm của mình được Ban tổ chức trao giải Nhất nội dung cá nhân. Đặc biệt, lần ra nhận giải cũng là lần đầu tiên chị được đặt chân ra Thủ đô Hà Nội.

    "Tôi thấy đây là cuộc thi hay và đầy ý nghĩa. Nó thiết thực với bản thân tôi, với đông đảo nhân dân. Bởi là con dân Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, tự hào về Tổ quốc. Tôi mong muốn tác phẩm của mình sẽ thu hút được thế hệ trẻ. Từ đây, các bạn ấy sẽ được tiếp thêm ý chí và tư tưởng về chủ quyền, bảo vệ chủ quyền Biển đảo. Trong tác phẩm của mình, tôi tâm huyết nhất là nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bên cạnh đó, bộ sưu tập các bản đồ cổ phản ánh về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng được Ban tổ chức đánh giá cao. Đây là vinh dự không chỉ của riêng cá nhân tôi mà của tỉnh Đồng Nai. Tôi muốn khẳng định rằng, tuy Đồng Nai không phải là một tỉnh có biển nhưng biển luôn ở trong trái tim của người dân quê tôi", chị Thuỷ chia sẻ cảm xúc của mình.

    Một trong những ấn tượng lớn về cuộc thi lần này và được dư luận đánh giá cao đó chính là tinh thần nhiệt huyết của các bạn trẻ với số bài dự thi có công trình lên đến mười nghìn trang giấy, phản ánh một cách toàn diện trên mọi khía cạnh liên quan đến Biển Đông được các bạn sinh viên thực hiện ròng rã trong 5 tháng trời. Tiêu biểu là tác phẩm dự thi của nhóm Tự Hào C500 - Sao Mai - Tác phẩm đoạt giải Nhất tập thể. Đây là công trình tập thể của 50 bạn trẻ đến từ Học viện An ninh Nhân dân.

    Công trình dự thi công phu của một nhóm sinh viên thuộc Học viện An ninh Nhân dân. (Ảnh Thành Long)

    Chia sẻ với chúng tôi, Nhóm trưởng Vũ Văn Trọng không giấu được cảm xúc khi tác phẩm của nhóm mình nhận giải Nhất: "Trước tình hình Biển Đông, là một chiến sỹ công an tương lai, tôi và các thành viên trong nhóm tự xác định mình phải có trách nhiệm với đất nước, nói lên tiếng nói của tuổi trẻ. Công trình dự thi của chúng tôi như một ước nguyện thể hiện tinh thần xung kích của thanh niên khi Tổ quốc cần. Vừa học, vừa làm bài dự thi nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy mệt mỏi. Chúng tôi đều hiểu, không có tình yêu nào thiêng liêng bằng tình yêu Tổ quốc".

    Ông Hải, chị Thủy hay nhóm Tự hào C500 - Sao Mai chỉ là những đại diện cho hàng ngàn cá nhân, tập thể có bài dự thi gửi đến ban tổ chức thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào về Tổ quốc. Họ đã nói lên quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền Biển đảo ngay trong thời điểm Trung Quốc có những hành động xâm phạm trên Biển Đông. Tất cả đều bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính nghĩa, căn cứ pháp lý vững chắc trên cơ sở của những phân tích khoa học.

    Sự nối tiếp, gắn kết ngàn đời

    Nhiều học giả đã bình luận rằng, lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam có một quy luật. Chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa, vì công lý thì cuộc chiến dù có lâu dài, gian khổ đến đâu cuối cùng cũng đi đến thắng lợi. Mỗi khi lòng dân đã thuận thì không một thế lực thù địch nào có thể xâm chiếm được một tấc đất của Tổ quốc. Đây là kinh nghiệm được đúc rút từ lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.

    "Cuộc thi lần này, giúp mọi người hiểu rằng, tình yêu đất nước trong các thế hệ người Việt đã có một sự tiếp nối liên thông, mang tính gắn kết ngàn đời. Các bài thi của các bạn trẻ không chỉ thể hiện được tinh thần yêu nước mà còn cho thấy bản lĩnh và trí tuệ của họ. Và đây là một cơ sở xã hội quan trọng làm chỗ dựa cho công cuộc đấu tranh pháp lý trong vấn đề Biển Đông của nước ta", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thành viên Hội đồng chung khảo) chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật.

    Cũng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, TS.Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, thành viên Hội đồng chung khảo đã phải thốt lên rằng: “Vấn đề pháp lý, đặc biệt là pháp lý về Biển Đông là một đề tài rất khó. Tuy nhiên, cuộc thi lại nhận được sự tham gia của nhiều người, nhiều thế hệ nên đây là thắng lợi lớn. Điều này cho thấy, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam hết sức quan tâm về chủ quyền của đất nước. Nhiều tác phẩm được làm rất tâm huyết và rất công phu. Chỉ nhìn thấy công trình đó, cách thức tiếp cận là thấy rõ tấm lòng của các tác giả với Tổ quốc được gửi gắm qua ý chí, quyết tâm của những dòng chữ. Qua cuộc thi, cho chúng ta thấy rằng, nhân dân đặt niềm tin rất lớn vào con đường đấu tranh pháp lý và đây là chỗ dựa lớn về tinh thần, trí tuệ cho mặt trận pháp lý nếu như Trung Quốc vẫn cố tình leo thang căng thẳng trên Biển Đông".

    Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân: Hừng hực khí thế tự tôn dân tộc kiên quyết bảo vệ Tổ quốc thân yêu

    Chủ quyền Biển đảo đang là vấn đề nóng của toàn xã hội. Việc hàng ngàn người tham gia cuộc thi Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo cũng là một cách để thể hiện lòng yêu nước của sinh viên học viện nói riêng và cán bộ, giảng viên học viện nói chung. Tôi rất tự hào khi nhìn những tác phẩm dự thi của các sinh viên trong Học viện và tự hào hơn khi rất nhiều tác phẩm trong số đó đạt được kết quả cao. Đó là kết quả của các sinh viên sau nhiều ngày miệt mài sưu tầm tài liệu, lên ý tưởng, viết bài... Tôi được biết, có nhiều em đã vào tận Huế xin tư liệu, bản đồ, hiện vật để có thêm những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền Biển đảo của Việt Nam. Nhìn vào đó có thể thấy rằng, trong trái tim các em luôn hừng hực khí thế tự hào, tự tôn dân tộc, kiên quyết bảo vệ Tổ quốc thân yêu từ những hành động nhỏ nhất.

    Tôi cũng vô cùng bất ngờ về sức lan toả mạnh mẽ của cuộc thi. Các tác phẩm dự thi của hàng nghìn độc giả trên cả nước đã nói lên rằng, lòng yêu nước như một dòng chảy bất tận qua hàng ngàn năm, qua bao đời con cháu người Việt. Những trang viết ấy chan chứa tình cảm và sự tự hào về chủ quyền Biển đảo quê hương.

    Thượng tướng, Viện sỹ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Cuộc thi đã chạm được đến hàng triệu trái tim người Việt

    Tôi thấy vô cùng xúc động vì trong một thời gian ngắn mà tất cả các thí sinh từ người cao tuổi cho đến những em học sinh 12 tuổi cũng như tất cả các tầng lớp kể cả học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền đất nước đã gửi về hàng nghìn tác phẩm dự thi. Chứng tỏ, đây là sự quan tâm rất lớn của người dân Việt Nam đến chủ quyền thiêng liêng của Biển đảo quê hương. Qua cuộc thi này, các thế hệ người Việt Nam đã thể hiện tình yêu biển đảo, khát khao bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và nền độc lập của Tổ quốc, nhất là trong tình hình hiện nay. Chúng ta đã và đang hội nhập, tình hình diễn biến trong khu vực có rất nhiều nhạy cảm, phức tạp đan xen. Tuy nhiên, tình cảm của con người Việt Nam qua bao đời vẫn tràn đầy tinh thần kiên quyết bảo vệ nền độc lập mà ông cha ta hàng ngàn năm gây dựng. Đó cũng là sự tiếp nối tinh thần quật cường, không chịu khuất phục bất cứ một kẻ thù nào dù mạnh đến đâu.

    Chủ đề của cuộc thi có thể nói, đã chạm đến trái tim của các thế hệ người Việt Nam. Cuộc thi gợi lại một phần lịch sử dựng nước và giữ nước quật cường của dân tộc ta. Xuất phát từ niềm tự tôn dân tộc trong trái tim mình mà các tác giả đã viết lên những dòng cảm xúc, đã dày công làm ra các tác phẩm dự thi hàng trăm, ngàn trang.

    Các tập thể và cá nhân đoạt giải cao

    Giải tập thể: Giải nhất: Nhóm Tự Hào C500 Sao Mai. Giải nhì: Nhóm Mắt Bão. Giải ba: Nhóm Hồng Kỳ + Kết nối C500 + Bút Việt; nhóm Đồng đội C500. Giải khuyến khích: Nhóm Tuổi trẻ C500, nhóm Vững bước C500, nhóm Dấu ấn + Khát vọng C500, nhóm Vì bình yên cuộc sống + Kết nối C500, nhóm Tài năng. Giải phụ: Học viện An ninh Nhân dân.

    Giải cá nhân: Giải nhất: Trần Bích Thuỷ (33 Nguyễn Đình Chiểu, Phước Hải, Long Thành, Đồng Nai). Giải nhì: Phạm Khánh Quyên (Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Giải ba: Trần Ngọc Hải (ấp 3, Tân Long, Phú Giáo, Bình Dương); Nguyễn Ngọc Thu (đường 2/9, số 4, Trảng Bom, Đồng Nai). Giải khuyến khích: Nguyễn Trung Tuyên (Tiểu đoàn BB309, Trung đoàn BB1, Sư đoàn BB330, thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên, An Giang); Nghiêm Văn Tuấn (Trung đoàn B3D43, Học viện An ninh Nhân dân); Phạm Quang Nghĩa (Trung đoàn B3D43, Học viện An ninh Nhân dân); Nguyễn Sỹ Nhân (Ban Dân vận Thành uỷ Pleiku-Gia Lai); Nguyễn Hữu Hiệp (226 Tôn Đức Thắng, Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang); Nguyễn Kỳ Tây (Trường THCS Ân Hảo, Hoài Ân, Bình Định).

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trieu-trai-tim-huong-ve-bien-dao-a83975.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan