+Aa-
    Zalo

    "Vẽ" dự án trồng sâm Ngọc Linh, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Hạnh chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng

    (ĐS&PL) - Với chiêu trò huy động vốn bằng hình thức đa cấp cho dự án trồng sâm Ngọc Linh, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Hạnh đã chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

    Theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 12/11, Công an Hà Nội cho biết, bị can Phạm Mỹ Hạnh (43 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh) đã dùng thủ đoạn huy động vốn bằng hình thức đa cấp. Trước đó, Phạm Mỹ Hạnh đã bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    ve du an trong sam ngoc linh chu tich tap doan my hanh chiem doat hon 600 ty dong 1
    Chân dung bị can Phạm Mỹ Hạnh.

    Tài liệu điều tra của cơ quan chức năng xác định, Hạnh thu tiền của hàng nghìn cá nhân với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng; sử dụng một phần tiền này để trả lãi cho chính các nhà đầu tư, lấy tiền của người góp vốn sau trả tiền gốc và lãi cho người đã góp vốn trước.

    Bước đầu, công an đã làm rõ Hạnh chiếm đoạt số tiền hơn 600 tỷ đồng. Số còn lại, bị can Hạnh dùng để chi tiêu cá nhân, mua bất động sản.

    Ngoài ra, còn một lượng tiền khác Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được mục đích.

    Theo báo Dân trí, Công an quận Cầu Giấy cho biết, từ tháng 10/2020 đến tháng 11/2022, Phạm Mỹ Hạnh quảng cáo công ty đang thực hiện dự án trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; kêu gọi nhà đầu tư nộp tiền góp vốn, hứa hẹn trả lãi suất 24 - 48%/năm.

    Làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng: Hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh, Hợp đồng vay vốn và Hợp đồng bán cổ phần của Hạnh trong công ty.

    Tuy nhiên, sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định công ty này không có dự án đầu tư nào.

    Chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Cầu Giấy cho hay, nguồn tiền từ huy động vốn nêu trên không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, không hạch toán tài chính doanh nghiệp mà chuyển riêng vào tài khoản của Hạnh.

    Công ty Tập đoàn Mỹ Hạnh đã "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra các kịch bản, kỳ vọng với doanh nghiệp không đúng thực tế; tự ý thay đổi, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

    Hơn 1.200 tỷ đồng huy động được, Hạnh chỉ dùng khoảng 1% để sản xuất kinh doanh.

    Nhà chức trách đề nghị các bị hại, nhà đầu tư thời gian tới sẽ hợp tác với cơ quan công an trong việc tố giác hành vi của Hạnh để Công an quận Cầu Giấy làm rõ phạm vi, quy mô, tính chất phạm tội của bị can, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nạn nhân;

    Các tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp tác, dòng tiền ứng, nhận với Phạm Mỹ Hạnh trong các giao dịch dân sự, cần hợp tác với cơ quan điều tra để thu hồi tiền. Cơ quan chức năng xác định số tiền này cũng là tiền Hạnh đã chiếm đoạt bất hợp pháp trong vụ án.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ve-du-an-trong-sam-ngoc-linh-chu-tich-tap-doan-my-hanh-chiem-doat-hon-600-ty-dong-a599182.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Vì sao doanh nhân Phạm Mỹ Hạnh bị bắt?

    Vì sao doanh nhân Phạm Mỹ Hạnh bị bắt?

    Theo cơ quan công an, quá trình hoạt động đến tháng 11/2022, bà Phạm Mỹ Hạnh đưa thông tin sai sự thật về dự án đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh ở nhiều tỉnh với lợi nhuận cao, mục đích để huy động vốn.