+Aa-
    Zalo

    Vụ 5 công an đánh chết nghi can: Bản án nào đòi được mạng sống?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sự việc anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) bị dùng nhục hình đến mất mạng đang là tâm điểm dư luận.

    (ĐSPL) - Sự việc anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) bị dùng nhục hình đến mất mạng đang là tâm điểm dư luận không chỉ ở tỉnh Phú Yên mà còn trên khắp cả nước trong nhiều ngày qua.
    Những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghèn nghẹn của người vợ, người mẹ, họ hàng, bà con lối xóm; những câu nói ngây ngô của hai đứa con thơ dại… khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
    Nỗi đau chưa bao giờ nguôi
    Tìm về nơi xảy ra vụ việc, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi chứng kiến cảnh người vợ trẻ ngồi thẫn thờ, tựa cửa trông lên di ảnh người chồng xấu số cùng đứa con gái bé bỏng chưa đầy 2 tuổi vẫn hồn nhiên nô đùa trước bàn thờ bố, thi thoảng em lại nhìn mẹ, rồi chỉ tay về phía đĩa trái cây trên bàn thờ đòi ăn. Cạnh đó là người mẹ già nua chỉ biết ôm mặt khóc nấc khi nỗi đau mất con vẫn còn giày xéo tâm can, không biết đến bao giờ nguôi ngoai càng khiến ngôi nhà trở nên quạnh quẽ và trống vắng đến lạnh người.
    Vụ 5 công an dùng nhục hình: Bản án nào đòi lại được mạng sốn
    Con gái nạn nhân Ngô Thanh Kiều bên di ảnh cha (Ảnh NLĐ).
    Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Tâm là đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi. Gia cảnh khó khăn nên Tâm không được học hành như bao đứa trẻ khác, chị phải tự mình bươn chải để kiếm sống. Rồi hạnh phúc tìm đến Tâm khi chị tình cờ gặp anh Kiều trong dịp đi chơi với nhóm bạn cùng chỗ làm. Sau thời gian tìm hiểu, anh chị quyết định đi đến hôn nhân. Rồi bé Ngô Thị Thanh Thảo (SN 2006) ra đời trong tình thương yêu, đùm bọc của cả gia đình. Những tưởng cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn nữa khi chị Tâm mang thai bé gái thứ hai là cháu Ngô Thị Kim Oanh (SN 2012), nào ngờ tai họa giáng trời lại ập xuống đôi vai gầy yếu của người vợ trẻ.
    Khi nói về cái chết oan uổng của chồng mình, đến giờ, sau gần hai năm kể từ ngày anh Kiều mất, chị Tâm vẫn còn đờ đẫn, không dám tin rằng chồng mình đã bị năm cựu công an, những người nhân danh bảo vệ pháp luật dùng nhục hình, tra tấn một cách dã man. “Chiều hôm đó (12/5/2013) có mấy người công an đến gửi giấy mời anh Kiều đến đồn làm việc, tôi liền hỏi lý do thì một cán bộ nói là do va chạm giao thông. Trong giấy mời đề nghị anh Kiều phải có mặt lúc 7h30 ngày 13/5/2013, vậy mà, chỉ mới hơn 3h sáng ngày 13/5, công an đã đến kêu cửa, rồi còng tay đưa đi. Lúc đó “bụng mang dạ chửa” được tám tháng rồi nên rất mệt, đâu có nghĩ ngợi gì, cứ tưởng họ đưa ảnh (anh Kiều-PV) đi lấy lời khai rồi chiều đưa về, chứ ai ngờ rằng sự việc lại đau lòng như thế này”, chị Tâm đau đớn kể lại.
    Nhớ lại những ngày tháng khốn đốn đã qua, đôi mắt nặng trĩu nỗi sầu muộn, người vợ tội nghiệp tiếp tục bộc bạch trong nước mắt: “Ngày nhận được hung tin anh Kiều mất, nhìn lại trong túi tôi chỉ còn vẻn vẹn 400 ngàn đồng, không biết phải xoay xở như thế nào, sinh nở ra sao. Không có tiền đi bệnh viện, không có sữa cho con bú, cũng may còn có mấy chị em, mỗi người giúp một ít, bà con hàng xóm thương tình, người cho sữa, người cho gạo nên tôi mới gắng gượng được đến bây giờ”.
    Vụ năm cựu công an dùng nhục hình khiến nạn nhân chết tức tưởi:
    Luật sư Võ An Đôn và gia đình nạn nhân Kiều.
    Những đứa con “bị tước quyền” gọi: “Bố ơi”
    Với giọng khàn khàn, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ, khóc thương con, tiếp chúng tôi, bà Bùi Thị Phương (SN 1949, mẹ của Kiều) khóc kể: “Hôm đó, vì nhà hàng xóm có đám cưới ồn ào nên thằng Kiều nó sang nhà tôi ngủ. Đến chiều nó lại chơi thể thao cùng mấy đứa trong xóm. Mới thấy nó đó, nói chuyện vui vẻ đó, tự nhiên lại bị bắt nửa đêm gà gáy, rồi bị đánh chết như vậy, nhắc tới là ruột gan tui đau như cắt, thân già này chỉ biết khóc lóc chứ chẳng làm được gì cho con”. Thấy mẹ và bà nội khóc nức nở, bé Oanh ngơ ngác đứng nhìn một lúc rồi chạy tới trước bàn thờ Kiều, tay chỉ vào di ảnh người cha xấu số, ngây thơ reo: “Bố đó, bố đó”. Từ ngày anh Kiều mất, bé Oanh chào đời trong sự thiếu thốn trăm bề, cả mặt bố như thế nào em cũng chưa một lần được nhìn thấy. Trong tiềm thức em lúc này, bố chính là người xuất hiện trong mọi tấm ảnh đặt trên bàn thờ. Đi đến nhà ai, hễ có người hỏi bố đâu là em lại nhìn quanh quẩn tìm xem bàn thờ đặt chỗ nào, rồi chỉ tay về phía di ảnh mà reo lên: “Bố đó... bố đó” khiến những người chứng kiến không khỏi quặn thắt. Mỗi lần thấy mẹ em thắp hương cho bố là em lại bắt chước làm theo. Nhìn đứa cháu thơ dại nhúng nhón đôi chân nhỏ xíu, chồm người cắm hương cúng bố, bà nội bé lại nấc nghẹn thành tiếng. Trong tiếng gào thét, khóc lóc của những người lớn, ngược lại những đứa trẻ chỉ ngơ ngác nhìn thẳng lên bàn thờ và di ảnh bố mà chúng chưa nhận thức được rằng mãi về sau chúng không thể gặp được bố nữa. 
    Vụ năm cựu công an dùng nhục hình khiến nạn nhân chết tức tưởi:
    Bà Phương đau đớn khi nhắc đến con trai.    
    Khi bé Oanh được vài tháng tuổi, mẹ em phải ngược xuôi khắp nơi, làm đủ mọi việc, từ trông trẻ, bán vé số đến rửa chén bát cho các quán ăn, việc gì chị cũng làm, miễn là có tiền lo cái ăn và con chữ cho con. Chị phải gồng gánh thêm công việc của chồng chị nên không còn thời gian bên cạnh con cái, hai đứa nhỏ lúc bấy giờ chỉ trông cậy vào người bà ốm yếu vì bệnh tật chăm sóc. Việc học tập của bé Thảo vì thế cũng trở nên sa sút dần, từ giỏi tụt xuống khá. Thấy các cháu thiếu ăn, thiếu sữa, ông Ngô Văn Cộ (cha anh Kiều) dù đã ngoài 70 tuổi, lại thường xuyên đau bệnh, song vẫn cố sức đi phụ hồ, đào giếng thuê để kiếm thêm thu nhập nuôi các cháu.
    Bản án nào đòi lại được mạng sống?
    Chính chị là người đã ròng rã suốt nhiều tháng liền, gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan với hy vọng lấy lại công bằng cho em trai. Nhớ lại những ngày tháng nắng cháy da, chị Tuyết và Tâm đèo nhau đến gõ cửa nhiều cơ quan, nhờ hết luật sư này đến luật sư khác giúp đỡ nhưng ai nấy cũng đều lắc đầu. Nhìn vợ Kiều không quản “bụng mang dạ chửa” nhọc nhằn kêu cứu, người chị thì đã kiệt sức vì ngày đêm đi tìm công lý cho em trai, luật sư Nguyễn An Đôn cảm thấy vừa thán phục vừa thương xót, anh quyết định giúp đỡ họ mà không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào.
    “Sau khi anh Ngô Thanh Kiều chết, vợ anh Kiều đang mang thai sắp sinh bế theo cháu nhỏ đến trình bày với tôi. Tôi quá xót xa, đau lòng trước cảnh hai đứa trẻ mồ côi, trong đó cháu bé  chưa sinh ra mà không bao giờ được nhìn thấy mặt cha, trong khi gia đình lại quá nghèo... tôi nhận làm vụ này hoàn toàn miễn phí”, luật sư Đôn chia sẻ.
    Ôm đứa con gái nhỏ vào lòng, thi thoảng chị Tâm lại khóc nấc lên những tiếng nghẹn ngào. Giọng thì thào, run run người phụ nữ bất hạnh chậm rãi cho biết: “Dẫu biết nếu phiên tòa này xử không đúng thì gia đình vẫn sẽ tiếp tục kiện lên cao hơn, song tôi vẫn lo sợ, liệu rằng mình có đủ khả năng để tiếp tục chống chọi hay không? Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con cũng mất bố rồi, chúng tôi chỉ mong pháp luật nghiêm minh, xét xử công bằng để yên lòng dân, đồng thời cũng an ủi vong linh chồng tôi nơi chín suối”.    
    Những câu hỏi chưa có lời đáp
    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, luật sư Đôn cho biết thêm: “Mặc dù, tôi đã nhiều lần kiến nghị VKS khởi tố ông Lê Đức Hoàn về ba tội danh: Bắt người trái pháp luật, dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng VKS không đồng ý vì cho rằng ông Hoàn có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; mặt khác ông Hoàn có thời gian dài công tác trong ngành công an, và có nhiều thành tích. Tôi sẽ kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục làm sáng tỏ vụ việc”.
          
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-5-cong-an-danh-chet-nghi-can-ban-an-nao-doi-duoc-mang-song-a28008.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan