+Aa-
    Zalo

    10.220 đêm ngủ không tròn giấc của kẻ trốn khỏi nơi giam giữ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bị tuyên phạt 7 năm tù, Tường tìm cách trốn khỏi nơi giam giữ. Hắn đã trốn đi Đắk Lắk làm lại CMND, thay đổi tên họ, lấy vợ và sinh con.

    Bị tuyên phạt 7 năm tù, Tường tìm cách trốn khỏi nơi giam giữ. Hắn đã trốn đi Đắk Lắk làm lại CMND, thay đổi tên họ, lấy vợ và sinh con.

    Đối tượng Đào Hữu Tường tại cơ quan điều tra.

    Trốn nã 28 năm

    Mới đây, tổ công tác đội Truy nã, truy tìm, phòng Cảnh sát hình sự đã dẫn giải đối tượng truy nã Đào Hữu Tường (61 tuổi), trú tại xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc (cũ), nay thuộc TP.Vinh từ Đắk Lắk về Nghệ An.

    Theo cán bộ điều tra, để bắt được đối tượng Đào Hữu Tường lực lượng truy nã gặp rất nhiều khó khăn. Theo tài liệu từ CQĐT, vào năm 1987, Tường trộm đường dây điện lưới tại xã Nghi Liên. Đào Hữu Tường bị bắt vì tội Phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia.

    Sau đó, đối tượng này bị TAND xử phạt 7 năm tù về tội danh trên. Thời điểm này, Đào Hữu Tường đã có 1 vợ, 1 con. Thi hành án được thời gian thì năm 1992, Đào Hữu Tường đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ. Sau đó, Tường bị truy nã về tội Trốn khỏi nơi giam giữ. Đối tượng này cắt đứt hết liên lạc với gia đình ở nhà. Sau khi bỏ trốn, Tường bắt xe đi các tỉnh phía Nam để trốn. Hắn làm đủ nghề để mưu sinh. Để an toàn, Đào Hữu Tường chọn huyện Ma’ Đrăk, tỉnh Đắk Lắk để dừng chân bởi đây là huyện miền núi hẻo lánh, cách xa trung tâm, đường sá đi lại rất khó khăn. Tại đây, ai thuê gì Tường làm nấy. Để qua mắt lực lượng chức năng, Đào Hữu Tường đã làm CMND, thay tên đổi họ, sống với vỏ bọc hoàn toàn mới.

    Làm việc chăm chỉ, sống hòa nhã nên Tường lấy được thiện cảm của người dân bản địa. Có 1 người phụ nữ cũng thầm thương và đồng ý lấy Tường làm chồng. Họ xây dựng cuộc sống mới, vui vầy hạnh phúc. Duy một điều, vợ con của Tường không hề hay biết việc Tường phạm tội. Sau khi lấy vợ, sinh con, sợ sự phát hiện của cơ quan chức năng, Tường đã bỏ sang Campuchia một thời gian.

    Về phía lực lượng truy nã ở Nghệ An vẫn bỏ nhiều công sức, thu thập thông tin để truy bắt Tường. Các trinh sát phải vào Nam, ra Bắc để điều tra xác minh tuy nhiên không tìm thấy bất cứ một thông tin nào về Tường. Vì Tường cắt đứt hoàn toàn liên lạc với gia đình nên việc vận động gia đình của Tường cũng không có kết quả.

    Sa lưới

    Sống cuộc đời mới, dưới vỏ bọc hoàn toàn mới, Tường tưởng rằng lực lượng chức năng đã lãng quên mình. Tuy nhiên, vào đầu tháng 9/2020, đội Truy nã truy tìm, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh nhận được nguồn tin có giá trị liên quan đến đối tượng Đào Hữu Tường. Lục lại các tài liệu liên quan đến Tường 28 năm về trước, những tài liệu đã ố màu theo thời gian, tấm ảnh của đối tượng cũng đã nhạt màu, Trung tá Biện Viết Chiến, Đội trưởng đội Truy nã nhận thấy đây là thông tin quan trọng, có cơ sở.

    Không để đối tượng có cơ hội trốn thoát thêm lần nữa đơn vị đã liên hệ với phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk để phối hợp xác minh thông tin liên quan đến đối tượng. Tại Đắk Lắk, với sự phối hợp của Công an địa phương, tổ công tác đã tìm được nơi lẩn trốn của Tường.

    Tuy nhiên, để đến được nhà của Tường, tổ công tác phải vượt quãng đường đồi núi hiểm trở, gian nan. Ngày 2/10, xác định đối tượng đang có mặt ở nhà, phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An đã phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đối tượng trong sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm. Đào Hữu Tường cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Việc Tường bị bắt đã khiến cho vợ con vô cùng bất ngờ và sốc. Tường đã nói lời xin lỗi vợ con và theo công an về quy án. Ngày 5/10, đối tượng được dẫn giải về Nghệ An sau 28 năm lẩn trốn.

    Tường cho biết, thời gian mình trốn nã cũng rất dằn vặt. Mặc dù sống với vỏ bọc nhưng lúc nào cũng lo lắng, nhiều đêm không yên giấc. Không phạm tội mới nhưng trong lòng Tường không lúc nào yên lòng. Nhiều khi Tường muốn ra đầu thú thừa nhận mọi tội lỗi nhưng nghĩ về vợ con hắn lại không làm được.

    Lần quy án này là lần đầu tiên Tường về Nghệ An sau khi trốn nã. 28 năm Tường không hề liên lạc cho bố mẹ, vợ con. 7 năm không phải thời gian quá ngắn nhưng cũng không quá dài, nếu như Tường chịu cố gắng thi hành án thì chắc không phải sống những năm tháng chui lủi như vậy.

    Hà Hằng

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống và Pháp luật số 164

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/10220-dem-ngu-khong-tron-giac-cua-ke-tron-khoi-noi-giam-giu-a342889.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan