+Aa-
    Zalo

    5 điểm nổi bật trong ngày đầu thượng đỉnh liên Triều ở Bình Nhưỡng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Em gái ông Kim Jong-un, lá cờ thống nhất, hai nhà lãnh đạo đi chung xe...là những điểm nhấn đặc biệt trong ngày đầu hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3.

    Em gái ông Kim Jong-un, lá cờ thống nhất, hình ảnh hai nhà lãnh đạo đi chung xe... là những điểm nhấn đặc biệt trong ngày đầu thượng đỉnh liên Triều lần 3.

    Cuộc gặp hôm 18/9 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là lần thứ ba họ gặp nhau trong năm nay, nhưng là lần đầu tiên ông Moon đến Bình Nhưỡng .

    Lễ đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng cho thấy một số điểm đáng chú ý tại hội nghị lần này, theo AFP.

    Sự xuất hiện của em gái Kim Jong-un

    Cô Kim Yo-jong đi sau ông Moon và ông Kim trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 của năm tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

    Em gái của ông Kim Jong-un, cô Kim Yo-jong, người được nhà lãnh đạo Triều Tiên cử sang Hàn Quốc trong dịp Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang hồi đầu năm, đã nổi lên với vai trò cố vấn gần gũi nhất của ông Kim. Cô hay xuất hiện bên cạnh anh trai trong các sự kiện công khai nhưng có vẻ cô thường đi lạc vào các bức ảnh, theo AFP.

    Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 4, cô đi sau ông Moon và anh trai trên thảm đỏ, sau đó đột ngột tách ra.

    Và tại sân bay Bình Nhưỡng hôm 18/9, cô đứng cùng họ một lúc trên khán đài nơi nghi lễ đón tiếp sắp diễn ra, sau đó lọt vào ống kính máy ảnh vài lần khi hai nhà lãnh đạo và phu nhân của họ đi ngang qua những người đang vẫy cờ hoa chào đón.

    Cách tiếp cận của truyền thông hai nước

    Trung tâm báo chí ở Seoul phục vụ hội nghị thượng đỉnh liên Triều 18-20/9. Ảnh: Xinhua.

    Tất cả các kênh truyền hình chính thức của Hàn Quốc đều theo sát từng bước đi của Tổng thống Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng, phát sóng trực tiếp sự kiện chào đón ở sân bay, sau đó chuyển sang bình luận ở trường quay cho đến khi cảnh quay tiếp theo xuất hiện.

    Tuy nhiên, truyền thông Triều Tiên đưa tin khá dè dặt dù đây là sự kiện diễn ra ngay tại đất nước họ. Truyền thông Triều Tiên thường tránh phát trực tiếp và chỉ phát sóng sau khi sự kiện đã kết thúc.

    Khoảnh khắc ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in bắt tay và ôm nhau ở sân bay, truyền hình nhà nước Triều Tiên chỉ phát sóng duy nhất hình ảnh "test card", một tập hợp hình khối với nhiều màu sắc để kiểm tra tín hiệu truyền hình.

    Quần đảo tranh chấp

    Rất đông người cầm cờ hoa chào đón ông Moon ở sân bay Sunan. Ảnh: AP.

    Những lá cờ thống nhất mà người Triều Tiên cầm vẫy tại sân bay in hình bản đồ bán đảo, bao gồm cả Dokdo, quần đảo hiện do Seoul kiểm soát mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền.

    Khi những lá cờ tương tự được sử dụng trong thời gian trước Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc, Nhật Bản nhanh chóng phản đối, và Seoul cũng nhanh chóng đưa ra phiên bản thay thế không có những đốm màu xanh (biểu thị Dokdo).

    Song Bình Nhưỡng dân tộc chủ nghĩa một cách mạnh mẽ và liên tục lên án việc Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên trong thế kỷ 20 cũng như tội ác chiến tranh của nước này.

    Một bài xã luận của hãng thống tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) từng gọi Nhật Bản là "người lùn chính trị" (cách nói những nước không đóng vai trò chính trị đáng kể) và "Nhật Bản sẽ phải trả giá đắt" vì những điều đã gây ra trong quá khứ với người dân Triều Tiên.

    "Người một nhà"

    Hàn Quốc và Triều Tiên đều tuyên bố chủ quyền với toàn bộ bán đảo. Ảnh: AP.

    Trong hiến pháp, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ bán đảo. Hàn Quốc và Triều Tiên được thành lập cách đây 70 năm nhưng luôn xem bên kia là một thực thể bất hợp pháp. Quan hệ Hàn - Triều được xử lý thông qua Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên nhiều hơn là bộ ngoại giao.

    Như vậy, hành trình đi lại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ không được xem như một chuyến bay quốc tế. Khi ông Kim Jong-un bước ra đường băng để chào đón ông Moon Jae-in, ông xuất hiện từ cánh cửa có biển hiệu "khởi hành trong nước"

    “Ngoại giao xe hơi”

    Hai nhà lãnh đạo Hàn, Triều đứng chung một xe khi đi từ sân bay về trung tâm Bình Nhưỡng. Ảnh: AP.

    Hai nhà lãnh đạo đã ngồi vào xe riêng của mỗi người tại sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng để rời đi.

    Sau đó, họ cùng lên một chiếc xe hở trần để vẫy tay chào đám đông đứng dọc hai bên đường đến nhà khách quốc gia Paekhwawon, nơi ông Moon và các cố vấn thân cận nhất của ông sẽ lưu trú. Tên nhà khách có nghĩa là "trăm hoa đua nở".

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/5-diem-noi-bat-trong-ngay-dau-thuong-dinh-lien-trieu-o-binh-nhuong-a244567.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan