+Aa-
    Zalo

    Án oan ở Hải Phòng: "Không nên xin lỗi theo kiểu hình thức..."

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá thẳng thắng cho rằng: Không nên xin lỗi theo kiểu hình thức cho có…

    (ĐSPL) - Xung quanh câu chuyện toà án TAND TP. Hải Phòng tổ chức buổi xin lỗi công khai nhưng thực chất lại không đúng như trên tinh thần của việc công khai xin lỗi ấy. Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá thẳng thắng cho rằng: Không nên xin lỗi theo kiểu hình thức cho có…
    Bà đánh giá như thế nào về việc Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hải Phòng quyết định xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu về vụ án oan cách đây 17 năm?
    Tôi có biết thông tin về sự việc trên. Quả thật, đây là một động thái đáng hoan nghênh, là tín hiệu vui đối với những người từng bị kết án oan sai với cơ hội được phục hồi nhân phẩm, danh sự và uy tín. Còn chuyện về ông Nguyễn Hồng Cầu (Tiên Lãng, Hải Phòng) sau 17 năm ròng rã đi kiện để đòi lại sự trong sạch của mình khi từng bị kết án oan 70 ngày ngồi tù cũng đã có hồi kết đẹp. Tuy nhiên, tôi cũng được biết trong buổi lễ công khai xin lỗi cũng có nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm như việc: Cấm dân tham gia, không đăng thông tin trên báo chí địa phương…
    Không nên xin lỗi theo kiểu hình thức cho có!
    Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá: Không nên xin lỗi theo kiểu hình thức cho có.
    Còn chuyện TAND T.P Hải Phòng tiến hành công khai xin lỗi trong một căn phòng kín, được xem là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bà nghĩ như thế nào?
    Tôi nghĩ đã là xin lỗi công khai thì nên minh bạch, rõ ràng trước toàn thể nhân dân. Mặc dù theo lời của đại diện TAND thì buổi công khai xin lỗi có sự tham gia của chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân tập thể xã Đông Hưng nhưng lại “cấm cửa” người dân và báo chí đến chứng kiến. Phải chăng đây chỉ là việc xin lỗi cho có?
    Việc TAND TP.Hải Phòng thực hiện bồi thường danh dự cho ông Cầu tại trụ sở UBND xã trên địa bàn thôn Trung Hưng, không phải tại nơi cư trú của ông Cầu trên thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng có được xem là trái pháp luật hay không?
    Tôi nghĩ, đáng lẽ ra TAND TP. Hải Phòng phải tổ chức buổi công khai xin lỗi danh dự cho ông Cầu tại thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng hợp lý hơn. Vì chính nơi đó cách đây 17 năm đã xảy ra vụ tranh chấp cũng như sự chứng kiến của người dân và chính quyền địa phương. Nhưng vì trụ sở của UBND xã lại nằm ở thôn khác nên việc tổ chức buổi công khai, xin lỗi ở đây cũng có thể chấp nhận được.
    Còn việc TAND TP. Hải Phòng chỉ đăng thông tin xin lỗi đối với ông Cầu trên 3 số báo liên tiếp của một tờ báo trung ương mà chưa đăng tải trên báo chí địa phương có vi phạm pháp luật hay không?
    Đã có lỗi thì nhất thiết phải sửa sai, không nên trì hoãn hay xin lỗi theo kiểu hình thức. Việc đăng thông tin đính chính, xin lỗi ông Nguyễn Hồng Cầu ở trên báo chí địa phương là cần thiết, vì đây là nơi sinh sống của nạn nhân Cầu. Danh dự của một người gắn liền với thân nhân nơi cư trú. Thông thường, chúng ta hay mắc lỗi theo kiểu “đăng tin thì rất lớn, đính chính thì rất nhỏ”. Vụ việc lần này cũng vậy.
    Vậy số tiền bồi thường hơn 618 triệu đồng mà ông Nguyễn Hồng Cầu “đòi” TAND Hải Phòng trả cho mình sau 17 năm đi kiện theo bà có thỏa đáng không?
    Với con số 618 triệu ông Cầu đưa ra phải xem xét lại, vì mức chênh lệch mà phía TAND đưa ra là rất lớn. Trước hết, mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc thương lượng giữa ông Chấn và cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Còn nếu không hợp lý thì nhất thiết phải có bên thứ 3 đứng ra giải quyết.
    Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm chi trả số tiền trên cho ông Cầu?
    Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì số tiền bồi thường lấy từ ngân sách Nhà nước. Nhưng sau đó xem xét, nếu thuộc lỗi khách quan thì Nhà nước chịu. Vì việc xét xử, thi hành án thì các cơ quan này đều nhân danh Nhà nước. Còn lỗi chủ quan thì do cá nhân đó chịu.  Do chính cơ quan điều tra gây nên oan sai thực hiện. Việc làm sai của cá nhân nào thì cá nhân đó phải chịu.
    Theo bà, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp đối với những “nạn nhân” trong những vụ oan sai như thế này?
    Như chúng ta đã biết "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại". Trách nhiệm lớn nhất là của các cơ quan chức năng, đặc biệt là khối tư pháp. Chúng ta hình như trong quá trình điều tra xét xử không biết về năng lực hay là một lý do gì mà để loại tội phạm nghiêm trọng như thế bị thay thế bởi một người khác. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp và đã nghe nhiều trường hợp bị oan sai như thế, tôi muốn dư luận cũng như là pháp luật phải tập trung làm rõ, vì luật Bồi thường Nhà nước chắc chắn sẽ bồi thường nếu được xử, phục hồi. Nhưng không có số tiền nào có thể trả lại uy tín và danh dự của một con người.
    Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/an-oan-o-hai-phong-khong-nen-xin-loi-theo-kieu-hinh-thuc-a27570.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan