+Aa-
    Zalo

    Bác sĩ cảnh báo nguy cơ dị ứng thuốc nặng sau điều trị bằng thuốc nam

    (ĐS&PL) - Sau dùng thuốc được 10 ngày thì bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình, sau đó nhanh chóng lan toàn thân.

    Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc thể nặng sau dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y điều trị bệnh. Trong đó,có trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc nặng thể TEN hay còn gọi là Hoại tử thượng bì nhiễm độc sau dùng thuốc nam điều trị sỏi thận.

    Được biết, bệnh nhân nữ, 60 tuổi, có tiền sử uống thuốc nam điều trị sỏi thận. Sau dùng thuốc được 10 ngày thì bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác tay chân, thân mình, sau đó nhanh chóng lan toàn thân.

    Trước đấy, bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, chưa phát hiện tiền sử di ứng thuốc. Bệnh nhân đến khám bệnh viện Da liễu Trung ương được chẩn đoán Dị ứng thuốc thể TEN và chỉ định nhập viện điều trị. 

    bac si canh bao nguy co di ung thuoc nang sau dieu tri bang thuoc nam 1
     Sau dùng thuốc được 10 ngày thì bệnh nhân xuất hiện tổn thương da là các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da. Ảnh: BVCC.

    THS.BS Nguyễn Thị Thảo Nhi - Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em cho biết, dị ứng thuốc là phản ứng không mong muốn của thuốc do đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể đối với thuốc. Dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau.

    Hoại tử thượng bì nhiễm độc hay còn gọi tắt là TEN (Toxic Epidermal Necrolysis) là một phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tinh trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.

    Các thuốc thường gây ra dị ứng thể hoại tử thượng bì nhiễm độc bao gồm: allopurrinol (thuốc điều trị bệnh Gout), thuốc chống co giật nhân thơm, các loại thuốc kháng sinh, lamotrigine (thuốc chống động kinh), thuốc hạ sốt giảm đau không steroid nhóm dẫn xuất oxicam.

    Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này là kháng sinh nhóm sulfonamid, phenobarbital, carbamazepin và lamotrigine. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý, liên quan đến gen,...

    Ở Việt Nam, do thói quen tự ý sử dụng thuốc điều trị, không theo chỉ định của bác sĩ, nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao và nhiều bệnh nhân khi bị dị ứng không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để  phòng tránh.

    Các loại thuốc thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y (không theo chỉ định của bác sĩ) thường không có thành phần rõ ràng, nên khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng để phòng tránh.

    Các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.

    Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

    Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như: khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước ....nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

    Như Quỳnh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bac-si-canh-bao-nguy-co-di-ung-thuoc-nang-sau-dieu-tri-bang-thuoc-nam-a598678.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan