+Aa-
    Zalo

    Bắt đầu 17 ngày xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Sáng nay, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử Huỳnh Huyền Như và đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 4.000 tỷ.

    (ĐSPL) – Sáng nay, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử Huỳnh Huyền Như và đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 4.000 tỷ đồng.

    Theo tin tức trên báo Kinh doanh & Pháp luật, Vụ đại án tham nhũng do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu đã chiếm đoạt của 15 ngân hàng, công ty và cá nhân với tổng số tiền lên tới gần 4.000 tỉ đồng được dư luận vô cùng quan tâm. Sáng nay (15/12), tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM sẽ đưa ra xét xử phiên tòa.

    Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên sơ thẩm.

    Dự kiến, phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 15 đến hết 31/12/2014, do ông Quảng Đức Tuyên làm thẩm phán chủ tọa. Hai thẩm phán là Phan Thanh Tùng và Mai Thị Tú Anh.

    Ngoài 23 bị cáo bị truy tố, còn có 79 cá nhân, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; 47 luật sư tham gia bào chữa và 15 đơn vị, cá nhân là nguyên đơn dân sự và bị hại.

    Video tham khảo:

    “Siêu lừa” Huyền Như thuật lại mánh khóe rút tiền của ACB

    Tin tức trên báo BizLIVE.vn, trước đó, ngày 27/1, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huyền Như tù chung thân về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời, tòa buộc Huyền Như phải cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức.

    Theo cáo trạng của vụ án, từ năm 2007, khi là cán bộ tín dụng tại ngân hàng VietinBank, Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh, đầu tư vào bất động sản.

    Do làm ăn, kinh doanh thua lỗ, bất động sản lại không bán được, nên năm 2010, Huyền Như đã mất hoàn toàn khả năng thanh toán số tiền này.

    Để có tiền trả nợ, trong vòng từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã lấy danh nghĩa là huy động vốn cho Vietinbank, nhưng lại tự đứng ra thảo luận lãi suất cho vay tiền với các tổ chức, cá nhân.

    Huỳnh Thị Huyền Như còn làm giả 8 con dấu của Vietinbank – Chi nhánh Nhà Bè, 7 công ty khác để lập, ra 110 hợp đồng tiền gửi, cùng với nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền. Siêu lừa Huyền Như đã chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với tổng số tiền lên đến khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

    Mặc dù lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng trong khi các tài sản bị tịch thu và kê biên chỉ hơn 229 tỷ nhưng sau phiên tòa sơ thẩm bị cáo Như vẫn kháng cáo xin lại một trong số các căn nhà đã bị kê biên với lý do “để nuôi con nhỏ”.

    Ngoài ra, bị cáo Như cũng kháng cáo đề nghị tòa trả lại villa H2 dự án The Nam Hải resort trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Lang vì cho rằng villa trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Lang (do bà Lang đứng tên). Cùng với kháng cáo của Huyền Như, bà Lang cũng có đơn kiến nghị và được triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm này.

    Ngoài ra, có 21/23 bị cáo trong vụ án kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, xem xét lại trách nhiệm dân sự. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ...

    Bên cạnh đó, VKSND TP.HCM cũng có văn bản kháng nghị đề nghị tăng hình phạt đối với Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank Chi nhánh TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đào Thị Tuyết Dung (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay nặng lãi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-dau-17-ngay-xu-phuc-tham-huynh-thi-huyen-nhu-va-dong-pham-a74170.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan