+Aa-
    Zalo

    Bất ngờ nhiều tình tiết mới trong phiên xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ lần lượt bước lên trước bục khai báo xuất trình các tài liệu, chứng cứ mới để xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

    Bị đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, nhiều bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ lần lượt bước lên trước bục khai báo xuất trình các tài liệu, chứng cứ mới để xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

    Tiếp diễn phiên xét xử phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ do hai “trùm cờ bạc” Phan Sào Nam (SN 1979; cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (SN 1975; chủ tịch HĐQT công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu, sau phần kiểm tra căn cước, lần lượt các bị cáo bước lên trước bục khai báo trình bày đồng thời xuất trình thêm một số tài liệu, chứng cứ mới.

    Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ.

    Cụ thể, bị cáo Vũ Mạnh Hùng (SN 1972, Long Biên, Hà Nội) trình bày đã khắc phục hậu quả, nộp phạt bổ sung 30 triệu đồng, có hóa đơn chứng từ nộp cho thư ký. Ngoài ra, bị cáo Hùng còn vận động, thuyết phục được một người tham gia đánh bạc đến cơ quan an ninh điều tra đầu thú, có đơn nộp cho cơ quan điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ.

    Bị cáo Nguyễn Thành Đạt (SN 1997, Long Biên) nộp đơn trình bày hoàn cảnh gia đình, còn 2 tuần vợ bị cáo sinh;

    Bị cáo Lê Anh Dũng (SN 1993, ở Đà Nẵng) bổ sung thêm giấy tờ trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo đã vận động được đối tượng truy nã ra đầu thú. Ngoài ra, bị cáo đã nộp, khắc phục hết hậu quả;

    Bị cáo Vũ Văn Dũng (SN 1989, ở Bắc Ninh) bổ sung thêm một số giấy tờ gia đình bị cáo có công với cách mạng; mẹ bị cáo bị bệnh hiểm nghèo, bị cáo đã nộp hồ sơ bệnh án của mẹ bị cáo cho thư ký;

    Bị cáo Vũ Văn Dũng.

    Bị cáo Hoàng Thị Mai Phương (SN 1982, Hoàng Mai, Hà Nội) có nộp giấy tờ nhà có công với cách mạng, bệnh án của chồng;

    Tương tự, nhiều bị cáo khác cũng đã xuất trình thêm chứng cứ mới là bệnh án, các tài liệu là bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ cơ quan điều tra… mong được tòa phúc thẩm ghi nhận, xem xét đây là những tình tiết để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

    Cũng trong phần này, bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn (nguyên Phó Giám đốc trung tâm thanh toán trò chơi trực tuyến - Công ty CNC) trình bày đã có đơn xin rút lại toàn bộ kháng cáo của mình.

    Bị cáo Nguyễn Quốc Tuấn tại phiên tòa phúc thẩm.

    Chủ tọa phiên tòa, ông Nguyễn Vinh Quang công bố: Có 36 bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, xin cho hưởng án treo, cho phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu có căn cứ, HĐXX sẽ xem xét, còn nếu không có căn cứ, tòa sẽ không chấp nhận kháng cáo. Do vậy, vị chủ tọa nhắc nhở các bị cáo cần xem xét lại mức hình phạt đã phù hợp với mình chưa. “Có bị cáo nào nghĩ đến giờ phút này cần thiết phải rút kháng cáo không?”, một câu hỏi của chủ tọa phiên tòa.

    Nêu quan điểm về phần thủ tục, đại diện VKSND Cấp cao cho rằng: Bản án sơ thẩm bị 36 bị cáo kháng cáo, VKS kháng nghị liên quan tới 82 bị cáo, trong đó có 22 bị cáo vắng mặt. Đến thời điểm này, 22 người có đơn xin xét xử vắng mặt, đó là quyền của các bị cáo; trong quá trình thẩm vấn, nếu cần thiết sẽ tiếp tục tiến hành triệu tập.

    VKS nêu, bản án sơ thẩm đã viết hoàn toàn chính xác về lý lịch của các bị cáo, hoàn cảnh gia đình… Bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, do vậy các bị cáo có nội dung gì mới cần bổ sung sớm. Trong quá trình xét xử, nếu thấy có tình tiết có lợi cho các bị cáo, VKS vẫn có thể áp dụng; không làm xấu đi tình trạng của các bị cáo.

    Tư Viễn - Hữu Thắng

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-ngo-nhieu-tinh-tiet-moi-trong-phien-xu-phuc-tham-vu-danh-bac-nghin-ty-a265282.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan