+Aa-
    Zalo

    Bé trai 7 tuổi bị gãy đôi thận trái, bác sĩ nhắc nhở một điều đặc biệt quan trọng

    (ĐS&PL) - Cậu bé 7 tuổi bị xô ngã trong lúc chơi đùa với bạn dẫn đến gãy đôi thận trái, máu tụ xuất hiện ở nơi vỡ.

    Theo thông tin được đăng tải, Long Long (7 tuổi, ở Hoàng Cương, Hồ Bắc, Trung Quốc) không may bị xô ngã từ phía sau khi đang chơi đùa với bạn bè cùng lớp. Sau khi bị ngã, Long Long không cảm thấy đau quá nhiều. Tuy nhiên, tới sáng hôm sau, cậu bé bỗng bị đau dữ dội, không ngừng kêu khóc.

    Nhận thấy tình trạng của Long Long nghiêm trọng, gia đình vội vàng đưa cậu bé đến Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán cấp cứu. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện quả thận trái của bé trai 7 tuổi bị gãy làm đôi, xuất hiện máu tụ ở nơi vỡ.

    Ngay lập tức, bác sĩ phẫu thuật nhi của bệnh viện giúp bé trai điều trị. Thế nhưng, chỉ 1 tuần sau đó, tình trạng của Long Long diễn biến xấu, buộc phải cắt bỏ khoảng 5cm quả thận bị tổn thương.

    be trai 7 tuoi bi gay doi than trai bac si nhac nho mot dieu dac biet quan trong
    Bé trai 7 tuổi bị xô ngã khi đang chơi đùa với bạn khiến thận trái gãy đôi, buộc phải cắt bỏ khoảng 5cm quả thận tổn thương. Ảnh minh họa

    May mắn, sau ca phẫu thuật, sức khỏe của Long Long đã dần bình phục. Cậu bé được các bác sĩ cho xuất viện vào ngày 14/12 vừa qua. Theo thông tin từ bác sĩ, thận là cơ quan mỏng manh, dễ bi vỡ do ngoại lực tác động nhưng có tác dụng bù trừ mạnh. Do đó, dù phải cắt đi một nửa quả thận trái thì quả thận phải khỏe mạnh vẫn có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể một cách bình thường.

    Nhân trường hợp của Long Long, bác sĩ nhắc nhở các em nhỏ rằng nếu không may ngã bị thương thì phải nói ngay cho bố mẹ biết, đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị, tránh trường hợp chậm trễ điều trị dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

    Trẻ vốn hiếu động và nghịch ngợm, chỉ cần người lớn không chú ý quan sát một chút, các bé đã có thể bị ngã, nhẹ thì xây xát ngoài da hoặc bầm tím, nặng thì sai khớp, gãy xương, thậm chí chấn thương sọ não.

    Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Viện Sốt rét – Ký Sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn cho biết với các lứa tuổi khác nhau, người lớn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, đề phòng khác nhau.

    Trẻ từ 0 – 3 tuổi

    Bố mẹ và người chăm sóc phải luôn trông giữ trẻ đúng cách, nên dùng cũi để bảo vệ trẻ, không được thực hiện các động tác nguy hiểm, dễ khiến trẻ bị ngã như xốc ngược, tung hứng… Bên cạnh đó, không cho trẻ nhỏ ở giai đoạn biết lẫy, biết bò, biết đi... nằm trong võng hoặc nằm ở nơi không có bố mẹ, người lớn ở bên cạnh.

    Cần đảm bảo các bậc thềm, bậc cầu thang không quá cao, trơn trượt và có đủ ánh sáng để giúp cho trẻ đi đứng dễ dàng. Phải làm lan can ở cầu thang, ban công bằng tay vịn cầu thang, lắp các chấn song cửa sổ, làm cửa chắn cầu thang an toàn có độ cao tối thiểu 75cm, chắn song dọc, khoảng cách giữa các chắn song tối đa 15cm.

    Bố mẹ cũng chú ý sắp xếp đồ đạc trong nhà một cách hợp lý, không để vướng đường trẻ thường hay đi lại, đồng thời bọc các cạnh, mép nhọn của bàn, ghế, đồ vật bằng các miếng cao su nhựa. Sàn nhà, nhà tắm, sân vườn và những nơi trẻ thường sinh hoạt cần được giữ khô ráo, không trơn trượt, không mấp mô, lỗi lõm…

    Trẻ từ 4 – 8 tuổi

    Người lớn cần thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa như không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tay tới được, bảo đảm những nơi sinh hoạt của trẻ, đặc biệt ở cầu thang, bậc cấp đi lên xuống... phải có đủ ánh sáng, bên cạnh đó không khuyến khích trẻ leo trèo ở những nơi không an toàn như cột điện, mái nhà...

    Bố mẹ cũng nên hướng dẫn và dạy trẻ kỹ năng tránh bị ngã khi đi vào những khu vực dễ ngã như khi đi cầu thang phải bước vào giữa mặt bậc cấp, mắt nhìn xuống chân, tay vịn vào lan can; khi vào phòng tắm hay nhà vệ sinh phải đi dép để tránh bị trơn trượt; không đi chân ướt trên sàn nhà lát gạch men trơn láng...

    Trẻ từ 9 – 18 tuổi

    Người lớn cần giải thích cho trẻ hiểu những điều kiện, hoàn cảnh gây ngã và các hậu quả tiềm ẩn. Bố mẹ, người chăm sóc, nhân viên y tế và cả những trẻ lớn cần nâng cao kiến thức phổ thông, kỹ năng cơ bản để có thể thực hiện được việc sơ cứu ban đầu đối với các trường hợp trẻ bị ngã gây thương tích.

    Ngoài ra, bố mẹ cần quản lý chặt chẽ lịch sinh hoạt của trẻ em, đặc biệt là trong các dịp nghỉ. Bố mẹ không được cho trẻ leo trèo cột điện, mái nhà, không nên chạy thả diều trên sân thượng hay lòng lề đường, thay vào đó hãy hướng dẫn và tổ chức cho trẻ các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích như đi tham quan, cắm trại hay chơi đùa ở những nơi an toàn.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-trai-7-tuoi-bi-gay-doi-than-trai-bac-si-nhac-nho-mot-dieu-dac-biet-quan-trong-a524136.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan