+Aa-
    Zalo

    Bí mật chợ trời kiểu mới: Nguy hiểm rình rập và “bí mật nhà nghề”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chất lượng sản phẩm của hàng chợ trời luôn tỷ lệ thuận với giá cả. Không ít món đồ khi đem về sử dụng đã ra gây hậu quả nguy hiểm cho người tiêu dùng.

    Đặc điểm dễ nhận biết nhất khi mua hàng ở chợ trời là luôn có giá cực rẻ so với giá thị trường. Thế nhưng, chất lượng sản phẩm của loại hàng chợ này luôn tỷ lệ thuận với giá cả. Không ít món đồ khi đem về sử dụng đã ra gây hậu quả nguy hiểm cho người tiêu dùng.

    Dùng một lần, sợ đến già

    Để có cái nhìn khách quan về chất lượng hàng chợ trời, chúng tôi đã có cuộc khảo sát với nhiều người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn A. (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, cuối tháng Bảy vừa qua, hai vợ chồng anh tới chợ trời quận 10 (TP.HCM) mua một số đồ gia dụng, điện tử giá rẻ về dùng. Khi đó, anh mua chiếc tivi cũ với giá 300.000 đồng. Lúc mua, chủ quầy hàng cắm điện để thử máy, kiểm tra màn hình. Chiếc tivi vẫn hoạt động tốt.

    Các sản phẩm tiêu dùng ở chợ trời bán giá rẻ đều kém chất lượng.

    Tuy nhiên, khi mang về sử dụng được nửa tháng, anh A. phát hiện sản phẩm có hiện tượng giật màn hình, chập chờn. Mỗi lần như vậy, chiếc tivi còn phát ra tiếng động lạ, sập nguồn đen kịt. Đem đi sửa, anh được thợ sửa chữa khuyên bỏ đi vì tivi quá cũ, linh kiện điện tử trong máy đều hư hỏng. Nếu tiếp tục sử dụng, chiếc tivi có nguy cơ gây cháy nổ.

    Ngoài chiếc tivi, vợ chồng anh còn khốn khổ với chiếc máy giặt cũ hiệu S.Y. mua từ một tay “cò” chợ trời. Sau hơn một tháng sử dụng, anh buộc phải bán tháo cho người mua ve chai với giá 500.000 đồng.

    Anh kể: “Trước khi mua hàng, ông chủ viết cho tôi tờ giấy tay bảo hành và nói nếu có vấn đề gì cứ mang ra đổi chiếc khác. Tháng đầu, tôi thấy sản phẩm ổn định. Vợ chồng tôi rất mừng, nghĩ đã mua được món hời. Nhưng tới tháng thứ hai, mỗi lần sử dụng chế độ vắt khô, máy kêu ầm ầm muốn nổ. Thậm chí, nước trong đường ống cũng rò rỉ ra ngoài. Lo sợ máy phát nổ, tôi không dám dùng nữa...”.

    Qua việc ham của rẻ từ chợ trời, anh A. đúc kết kinh nghiệm bằng câu “tiền nào của ấy”, không có món đồ nào ít tiền mà đòi chất lượng tốt.

    Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Lê Thị X. (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cũng rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi mua phải chiếc máy xay sinh tố với giá 50.000 đồng. Chị X. cho biết, so với chiếc máy xay sinh tố cùng hiệu ở siêu thị có giá 250.000 đồng, chiếc máy chị mua ở chợ trời rẻ gấp 4 lần mà vẫn còn mới.

    “Lúc đầu, thấy máy còn mới, dù ông chủ không bảo hành tôi vẫn bằng lòng mua. Chỉ tới lúc sử dụng, tôi mới biết mình mua trúng hàng rởm. Khi xay, thức ăn vẫn nhuyễn. Nhưng nhấc bình cối lên, bình và chân cối lại tách rời nhau. Lần đầu, tôi xay sinh tố xong, nhấc lên, chiếc bình tách làm đôi khiến nước sinh tố đổ đầy ra nhà. Nghĩ mình lắp chắc chưa chuẩn nên tôi rửa sạch, dùng tay xoáy chặt lại chân cối rồi thực hành lại quá trình xay. Dù vậy, thực hành tới lần 2, lần 3 chiếc máy xay xong vẫn rơi vào tình trạng chân, bình của máy tách rời nhau”, chị X. cho biết.

    Đặc biệt, các sản phẩm mỹ phẩm hàng chợ trời như: Nước hoa, sữa tắm... đã gây những hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Việc sử dụng các sản phẩm hóa chất không rõ nguồn gốc đã làm xuất hiện nhiều căn bệnh lạ. Trường hợp bị nổi đỏ, dị ứng da toàn thân của chị Bùi Thúy H. (ngụ quận 8, TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Chị H. hiện đang điều trị da liễu tại bệnh viện Da liễu TP.HCM.

    Không giấu nổi bức xúc, chị H. phản ánh: “Tôi trước nay toàn dùng hàng hóa ở siêu thị. Nhưng trong lần vừa rồi đi dạo phố, thấy họ bán hàng giá rẻ ở các xe di động, tôi tin tưởng mua chai sữa tắm và lọ kem rửa mặt. Dùng khoảng 1 tuần, mặt tôi nổi mụn, người nổi mẩn ngứa”.

    Tiết lộ của người 10 năm kinh nghiệm

    Từ thực tế, chúng tôi phát hiện hàng hóa chợ trời được buôn bán theo một vòng tròn luẩn quẩn. Theo đó, các món hàng được mua về dùng và thấy không phù hợp, người mua lại mang ra các khu chợ trời bán giá rẻ cho chủ buôn. Bằng cách này, các món hàng kém chất lượng một lần nữa được tút tát, lên kệ, rao bán lần thứ hai, thứ ba. Cứ như vậy, người chán bán cho người cần ham rẻ, người cần dùng chán lại bán cho các khu chợ trời. Hàng hóa dùng qua tay nhiều người được tân trang bằng nhiều cách để tiếp tục tuồn ra thị trường.

    Nhiều người biết hàng kém chất lượng nhưng ham rẻ vẫn mua.

    Đối với các mặt hàng gia dụng, nếu hư hỏng, sẽ được người bán tháo rời các linh kiện để bán cho các ông chủ buôn hàng chợ trời. Các linh kiện này được người bán tận thu để lắp ráp, tân trang các sản phẩm khác theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

    Thông thường các mặt hàng như bàn ủi, tivi, điện thoại, máy giặt... bị hư hỏng nặng được người bán dùng các linh kiện cũ thay thế. Theo đó, với 2-3 sản phẩm hư hỏng, người bán thay thế, lắp ráp, tân trang thành một sản phẩm mới. Chính vì vậy, giá trị sử dụng, sự an toàn cho người tiêu dùng của sản phẩm không hề được đảm bảo.

    Nói về quá trình vận chuyển, buôn bán các mặt hàng chợ trời, ông Trần Danh D. (thợ sửa hàng điện tử gần khu chợ trời quận 10, TP.HCM) tiết lộ: “Tôi sửa linh kiện điện tử đã 10 năm qua, chỉ phục vụ khách là các chủ buôn chợ trời. Do đó, tôi hiểu rõ quy luật tuần hoàn hàng hóa bán tại đây. Nói chung, người mua hàng thuộc diện “nhắm mắt đưa chân” vì ham rẻ, chứ chất lượng hàng hoàn toàn không đảm bảo. Các mặt hàng tiêu dùng chủ yếu được dân lao động nghèo mua. Đồ cổ, quý hiếm, đồ trưng bày thì được nhóm nhà giàu, sưu tầm...”.

    Ông D. phân tích: “Hàng hóa chợ trời luôn được các chủ buôn lượm lặt, gom từ nhiều nguồn khác nhau. Họ nghĩ khi bán gặp khách một lần xong rồi thôi. Sau đó, khách mang về sử dụng được hay không thì không quan tâm. Bởi, chẳng ai bắt đền ai được. Người mua đã chấp nhận mua đồ cũ, đồ rẻ tiền, không giấy bảo hành thì lấy gì đòi hoàn trả, đổi hoặc kiện cáo. Thực tế, nhiều sản phẩm hàng hóa quá đát, bán mãi một khu chợ trời không được, các ông chủ lại chuyền tay nhau, đưa qua người quen ở khu chợ mới để giải vía”.

    Cũng theo ông D., hiện nay có tình trạng người mua vừa phát hiện món hàng X. tại khu chợ này, mai lại gặp nó ở chợ trời khác. Tất cả món đồ cũ, hết đát,... người bán tại các khu chợ trời cũng có thể “biến hóa” thành hàng bán được. Do vậy, để tránh tình trạng tiền mất tật mang, người tiêu dùng cần phải chọn những điểm mua hàng uy tín, có bảo hành và được kiểm tra chất lượng thực tế từ cơ quan chức năng.

    Phát hiện hàng kém chất lượng sẽ xử lý

    Đại diện chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Hoạt động buôn bán chợ trời đã xuất hiện từ lâu, tập trung người mua kẻ bán, hàng hóa cũ, mới lẫn lộn. Thế nhưng, việc mua bán diễn ra trên tinh thần tự thỏa thuận, tự nguyện giữa các bên, chất lượng hàng hóa thường đi kèm với giá tiền. Những người ham rẻ mua phải hàng hóa kém chất lượng thì họ chấp nhận thiệt thòi không được bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về phía cơ quan chức năng, khi phát hiện các sản phẩm tiêu dùng giả, nhái... sẽ tiến hành kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Huệ Trần

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-cho-troi-kieu-moi-nguy-hiem-rinh-rap-va-bi-mat-nha-nghe-a203974.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan