+Aa-
    Zalo

    Bí quyết truyền nhân bất cưỡng cầu từ Đại võ sư cổ truyền Bình Định

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù xã hội có nhiều thay đổi nhưng võ cổ truyền Bình Định vẫn luôn được gìn giữ và phát huy như niềm tự hào khi nhắc đến vùng đất anh hùng này.

    Dù xã hội có nhiều thay đổi nhưng võ cổ truyền Bình Định vẫn luôn được gìn giữ và phát huy như niềm tự hào khi nhắc đến vùng đất anh hùng này.

    Người sở hữu bài quyền Ngọc trản

    Khi nói đến mảnh đất võ Bình Định, không ai trong giới võ thuật cổ truyền lại không biết đến Đại võ sư Phi Long Vịnh và võ đường của ông. Đây cũng là nơi sở hữu bài quyền Ngọc trản thần công, bài thi đấu chính thức của giải võ cổ truyền Việt Nam, cũng là bài võ bí truyền của vua Quang Trung sáng tạo và truyền lại cho con cháu.

    Là đời thứ 9 của vua Quang Trung, Đại võ sư Phi Long Vịnh dù đã bước qua tuổi 85, nhưng ông vẫn hằng ngày truyền ngọn lửa đam mê võ thuật đến với các thế hệ sau. Trong căn nhà cấp bốn của mình, với khoảng sân nhỏ trước nhà, mỗi ngày ông đều tập luyện.

    Thầy Vịnh đang đứng trước bàn thờ tổ.

    Vì như ông chia sẻ: “Tập luyện vừa để giữ gìn sức khỏe, vừa để lan tỏa khí thế của võ thuật đến với các thế hệ”. Các tấm huy chương, bằng khen được ông treo khắp nơi trong phòng khách, như để nhắc nhớ về sự vẻ vang và niềm kiêu hãnh của mình.

    Trong gia đình của thầy Phi Long Vịnh có 5 người con, ai cũng đều biết võ, từ con trai đến con gái, rồi cháu nội cháu ngoại, có nhiều trong số ấy đã là võ sư, tham gia các cuộc thi quốc gia và quốc tế, mang lại vinh quang cho võ thuật cổ truyền Bình Định.

    Thầy muốn các con cháu mình đều phải biết võ cổ truyền, vì nó là sự tích lũy qua năm tháng của cha ông. Bởi vậy trong các buổi sinh hoạt gia đình, thầy Vịnh luôn luôn nói về môn võ của gia đình, để các cháu có thể hiểu rõ nguồn cội, bên cạnh đó còn để phát hiện ra niềm đam mê của bản thân.

    “Võ thuật không ép buộc và cưỡng cầu, nên đối với gia đình, khi tôi thấy đủ điều kiện, đủ khả năng và niềm đam mê thì mới dạy. Vì nếu không quan sát mà ai cũng dạy thì một số cháu sẽ vì bản tính của nó mà gây tổn hại đến người khác, gặp ai cũng hống hách và kiêu căng thì không được” – thầy Phi Long Vịnh chia sẻ thêm.

    Đối với người ngoài, thầy không hề giấu giếm hay che đậy điều gì về môn võ cổ truyền này. Nhưng võ học là sự chọn lựa và chắt lọc, chỉ có những ai đủ khả năng, đủ sức mới có thể lĩnh hội được. Vì võ thuật là dùng đúng lúc, đúng người, với những kiến thức cần độ chín muồi thì càng cần cẩn trọng để chọn người mà chỉ dạy. Cái này thầy Vịnh gọi là đạo đức của nghề.

    Tâm sự về võ đạo

    Võ cổ truyền cần kiên trì, nỗ lực tập luyện. Từ những bài học đơn giản nhất như các thế tấn, rồi các động tác tay, sự kết hợp với cơ thể, các đường quyền, cho đến nội công – nội kích. Mỗi võ sĩ cần luyện tập để có sức chịu đòn tốt, mới có thể vực dậy sau những lần bị tấn công.

    Sức chịu đòn không những về thể xác mà còn về ý chí, như thầy Phi Long Vịnh chia sẻ: “Người võ sĩ phải biết chấp nhận lỗi sai, nếu vấp ngã ở chỗ nào, thì đứng dậy và học hỏi, tập luyện chỗ đó, để bù đắp những thiếu sót của bản thân”.

    Đại võ sư Phi Long Vịnh đang thể hiện bài “Ngọc trản thần công”.

    Bên cạnh đó, võ cổ truyền Bình Định đòi hỏi môn sinh lúc nào cũng có cái tâm ổn định, vì nó sẽ quyết định rằng người đó có đủ sức để luyện khí công được hay không. Võ cổ truyền không phải là đánh vài đòn, múa vài đường quyền, mà là sự kết hợp giữa nội công, sức bền, nội lực và khí công của mỗi người.Một điều quan trọng hơn cả, đó là sự tính toán trong võ thuật hay còn gọi là võ học. Vì nếu tính sai một bước, người võ sĩ sẽ bị hạ gục ngay trong tích tắc. Khi đã nắm vững lý thuyết, thì mỗi võ sĩ sẽ luyện được sự quan sát, sự tính toán cho từng đường đi nước bước của mình. Vì thế cần con người sự trầm lặng nhất định khi tập võ, thậm chí là có thể đoán đường đi của đối phương, để tránh và thủ được những thế đắt. Những người chưa hiểu về võ thuật cổ truyền Bình Định, thường sẽ không có sự chắt lọc và suy tính được, vì họ háo thắng và thích nhanh chóng, nên thường là thất bại.

    “Nhưng điều hơn cả là, làm cái gì cũng cần có đam mê và sự hăng say, tâm trạng phải vừa hứng thú, vừa công kích, vừa tự tâm quyết định, thì mới có thể luyện tập tốt môn võ này được” – thầy Vịnh chia sẻ thêm.

    Đại võ sư Phi Long Vịnh hiện đang sinh sống tại thôn Kì Sơn (xã Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định). Nhờ công lao trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015. Hiện, ông là cố vấn võ thuật cấp cao của tỉnh Bình Định.

    Lê Liên - Hồng Trang

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (115)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-quyet-truyen-nhan-bat-cuong-cau-tu-dai-vo-su-co-truyen-binh-dinh-a332184.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan