+Aa-
    Zalo

    Bộ Công an thông tin về chi phí cấp, đổi thẻ căn cước lần đầu

    (ĐS&PL) - Từ 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực. Nhiều người dân thắc mắc về chi phí cấp, đổi thẻ căn cước được quy định như thế nào?

    Trước những thắc mắc về chi phí cấp, đổi thẻ căn cước theo quy định mới, chia sẻ trên báo Thanh niên, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết, tại khoản 2 điều 38 Luật Căn cước đã quy định "công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu". Như vậy, đối với các trường hợp công dân lần đầu cấp thẻ căn cước thì không phải nộp lệ phí.

    Cũng theo Đại tá Tấn, về cơ bản, tất cả công dân đủ 14 tuổi ở nước ta đã được cấp thẻ căn cước công dân (CCCD), do vậy, việc cấp thẻ căn cước lần này chủ yếu là các trường hợp công dân đến độ tuổi đủ 14 tuổi, các trường hợp đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước do hết hạn sử dụng, thay đổi thông tin; các trường hợp cấp lại thẻ căn cước do bị mất và các trường hợp công dân thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo nhu cầu của công dân.

    Đại tá Tấn khẳng định, Bộ Công an có đủ nguồn nhân lực, phương tiện, kinh nghiệm để có thể đáp ứng được nhu cầu tối đa của người dân khi có yêu cầu được cấp thẻ căn cước theo quy định của luật Căn cước năm 2023.

    bo cong an thong tin ve chi phi cap doi the can cuoc moi
    Trong lần cấp thẻ căn cước đầu tiên, công dân sẽ không mất phí. Ảnh: VNE

    "Để thực hiện có hiệu quả việc cấp thẻ căn cước, ngoài việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Bộ Công an sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, có kế hoạch triển khai cụ thể, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống, tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị và chính quyền địa phương. Với kinh nghiệm đã triển khai thành công nhiều chiến dịch cấp thẻ CCCD thì Bộ Công an hoàn toàn chủ động và tin tưởng cũng sẽ triển khai thành công việc cấp thẻ căn cước", đại tá Tấn cho hay.

    Liên quan đến quy định theo Luật Căn cước mới, người dân có thể phải cung cấp những nội dung liên quan đến sinh trắc học như: mống mắt, ADN, giọng nói, người dân còn nhiều băn khoăn chưa rõ, Cục phó C06 cho hay, luật Căn cước quy định, khi công dân làm thủ tục đề nghị cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước tiến hành thu nhận thông tin về mống mắt của công dân. Dữ liệu này giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.

    Nhận dạng mống mắt được cơ quan ban hành luật đánh giá như một trong những phương pháp thu thập dữ liệu sinh trắc học cần thiết để cấp số định danh cá nhân là duy nhất, có thể xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Việc sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh.

    Lý giải thêm về tầm quan trọng của việc thu thập thông tin về mống mắt, Đại tá Tấn cho rằng, việc này giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.

    Theo Đại tá Tấn, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trên thẻ căn cước cũng như trong cơ sở dữ liệu đều được triển khai, thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề không bị lộ, lọt dữ liệu.

    "Việc thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước do cơ quan có thẩm quyền chuyển cho cơ quan quản lý căn cước hoặc do công dân tự nguyện cung cấp. Khi có thêm những thông tin về dữ liệu sinh trắc này sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, truy nguyên, nhận dạng, góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số", Đại tá Tấn cho hay.

    Theo Luật Căn cước mới số 26/2023/QH15 được Quốc hội thông qua, kể từ ngày 01/7/2024, đối tượng được cấp thẻ Căn cước gồm:

    • Người bắt buộc phải làm thẻ Căn cước: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Sau đó, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi, công dân Việt Nam phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước.
    • Người được cấp thẻ Căn cước theo nhu cầu: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.

    Trong khi đó, theo Điều 19 Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13, chỉ cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên.

    Như vậy, theo Luật mới, công dân Việt Nam dưới 14 tuổi sẽ được làm thủ tục làm Căn cước cho trẻ em từ ngày 01/7/2024 nếu có nhu cầu và từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước.

    Căn cứ Điều 1 Luật Trẻ em 102/2016/QH13, đối tượng được xác định là trẻ em nếu có độ tuổi dưới 16.

    Do đó, không phải mọi trẻ em đều phải cấp thẻ Căn cước mà chỉ có trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước, riêng trẻ em dưới 14 tuổi thì cấp thẻ Căn cước nếu có nhu cầu.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-cong-an-thong-tin-ve-chi-phi-cap-doi-the-can-cuoc-moi-a612820.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Lệ phí cấp, đổi thẻ Căn cước là bao nhiêu?

    Lệ phí cấp, đổi thẻ Căn cước là bao nhiêu?

    Từ 1/7/2024, luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành, thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ đổi tên gọi thành thẻ căn cước. Nhiều người thắc mắc rằng, đổi thẻ căn cước thì có mất phí?