+Aa-
    Zalo

    Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần

    (ĐS&PL) - Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo sửa đổi quyết định 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

    Trên cơ sở ban hành quyết định 24 kể từ năm 2017 đến nay, giá điện đã được điều chỉnh 3 lần vào năm 2017 với 6,08%; năm 2019 là 8,36% và năm 2023 là 3%. 

    Với quan điểm giá điện cần được điều chỉnh theo lộ trình, tránh giật cục, ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc sửa đổi quyết định 24 theo hướng có thể điều chỉnh giá điện nhiều lần trong năm, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết hoàn thiện cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

    Theo đó, dự thảo sửa đổi làm rõ chủ thể mua bán điện trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các thông số của giá bán lẻ điện bình quân và xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình. 

    Theo Tuổi Trẻ, việc điều chỉnh giá bán điện tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

    bo cong thuong de xuat dieu chinh gia dien 3 thang lan evn tu quyet dinh khi dieu chinh giam hoac tang o duoi muc 5 1
    Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, EVN tự quyết định khi điều chỉnh giảm hoặc tăng ở dưới mức 5%. Ảnh minh họa.

    Cụ thể, công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân cơ bản giữ nguyên như quy định cũ, nhưng làm rõ thêm chi phí khác. Bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá đánh giá lại chưa được phân bổ; chi phí mua điện từ các nhà máy cung cấp dịch vụ phụ trợ...

    Nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm được sửa đổi theo biến động khách quan của thông số đầu vào ở tất cả các khâu. 

    Thẩm quyền điều chỉnh tăng giá sẽ cơ bản giữ nguyên. Cụ thể, EVN tự quyết định (khi điều chỉnh giảm hoặc tăng ở dưới mức 5%); Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN thực hiện (tăng từ 5% đến dưới 10%); Thủ tướng Chính phủ có ý kiến (tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô).

    Theo Bộ Công Thương, nhằm giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện, cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện. Việc này để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN, cũng như dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào.

    Do vậy, dự thảo rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng. Việc áp dụng chu kỳ điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng phù hợp với chu kỳ họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá là mỗi quý/lần, giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.

    Tuy nhiên, dự thảo bổ sung vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng. 

    Hằng năm Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và một số đơn vị như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng tham gia kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện.

    Trường hợp Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện cũng được quy định. Cụ thể, EVN xây dựng phương án hỗ trợ giảm tiền điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình các bộ ngành. 

    Các bộ ngành liên quan, trong đó Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra phương án hỗ trợ giảm tiền điện để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

    Liên quan việc điều chỉnh tăng giá điện, đầu tháng 8 vừa qua, EVN có văn bản gửi Bộ Công Thương cho rằng sẵn sàng điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo hướng tăng, giảm theo thị trường nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên. Tập đoàn cũng sẽ giảm giá điện nếu chi phí đầu vào giảm 1%. EVN cũng cho biết, ủng hộ việc Bộ Công Thương mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên để minh bạch thông tin trước dư luận.

    Trước đó, Bộ Công Thương cho biết, cũng đã hoàn tất xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất hai trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn thuộc nhóm sản xuất.

    Phương án 1, doanh nghiệp có thể mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng do tư nhân đầu tư (không phải mua bán điện thông qua EVN).

    Phương án 2, doanh nghiệp và bên phát điện có thể mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.

    Về việc mua bán điện trực tiếp, không thông qua EVN, một lãnh đạo EVN cho biết, tập đoàn ủng hộ chủ trương doanh nghiệp lớn được mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện.

    Theo vị này, với cơ chế giá điện như hiện nay, việc mua bán điện không thông qua EVN sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngành điện trong việc đầu tư nguồn phát, đường dây truyền tải đồng thời thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành điện. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ được mua điện rẻ hơn, nhưng cũng có thể phải mua giá cao hơn theo diễn biến giá thực tế của chi phí đầu của đơn vị phát điện.

    Tháng 8 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các doanh nghiệp do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu. Theo báo cáo, số lỗ 6 tháng đầu năm 2023 của EVN là hơn 35.400 tỷ đồng. Còn tính đến hết 8 tháng, số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỷ đồng.

    Như vậy, nếu tính chung số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, công ty mẹ EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỷ đồng, thông tin trên báo TTXVN.

    Thùy Dung(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-cong-thuong-de-xuat-dieu-chinh-gia-dien-3-thanglan-a598098.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan