+Aa-
    Zalo

    Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc Indonesia bắt giữ và tiêu hủy các tàu cá của Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá của Việt Nam", bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

    “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

    Ngày 09/5/2019, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Indonesia bắt giữ và phá hủy các tàu cá của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

    “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

    Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này và đề nghị Bộ Biển và Nghề cá và các lực lượng trên biển của Indonesia cần có hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 và quan hệ song phương giữa hai nước; đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam phù hợp với quan hệ 2 nước và tinh thần đoàn kết ASEAN.

    Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Indonesia trên tinh thần Đối tác chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

    Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ cho 02 tàu hải quân đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

    “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.

    Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

    Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.”

    Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ vừa qua ra báo cáo về tình hình tôn giáo tại Việt Nam, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

    “Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ đã ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam nhưng đáng tiếc trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.

    “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được bảo đảm với hàng nghìn lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm.

    95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự. Việt Nam có đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm.

    Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế. Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tôn giáo quốc tế lớn như Kỷ niệm 500 năm Cải chánh Tin Lành (2017) và lần thứ 3 tổ chức Đại Lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (2019)”.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-viec-indonesia-bat-giu-va-tieu-huy-cac-tau-ca-cua-viet-nam-a274695.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan