+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Định vị hình ảnh một nền nông nghiệp xanh - sạch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2021 gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, nền nông nghiệp một lần nữa khẳng định vị trí trụ cột khi liên tục có những con số ấn tượng, góp phần ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và an ninh lương thực quốc gia. Góp phần rút ra bài học kinh nghiệm, định hình những thách thức và cơ hội trong năm mới, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

    Trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế

    ĐS&PL: 2021 là một năm thành công của nông nghiệp Việt Nam khi hầu hết các chỉ tiêu của ngành đều hoàn thành. Điều gì khiến Bộ trưởng cảm thấy tâm đắc nhất trong năm vừa qua của ngành nông nghiệp?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thành công lớn nhất mà ngành nông nghiệp đạt được đó là đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho các tỉnh thành khu vực phía Nam, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

    Bên cạnh đó, việc hoạt động rất hiệu quả của Tổ công tác 970 thông qua các diễn đàn trực tuyến đã giúp kết nối tiêu thụ nông sản cho những địa phương đang bị giãn cách xã hội, phần nào tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và doanh nghiệp. Chỉ là câu chuyện xử lý tình huống nhưng Diễn đàn kết nối nông sản đã giúp Bộ NN-PTNT nhìn nhận lại chuỗi cung ứng, tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ nông sản. Từ đó đưa ra giải pháp kết nối thị trường cho từng loại nông sản, từng địa phương.

    screen shot 2022 01 27 at 172455
    Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. 

    ĐS&PL: Bộ trưởng có thể chia sẻ về những kinh nghiệm được rút ra từ những Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thông qua đó, chúng ta mới thấy rằng, thông tin kết nối thị trường thời gian vừa qua gần như bị bỏ ngỏ, cung – cầu gần như không gặp được nhau.

    Qua năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ thúc đẩy công tác kết nối thông tin, hướng đến một nền nông nghiệp minh bạch cả về thông tin sản xuất, thông tin thị trường và cả các thông tin quản lý điều hành của các Hội chuyên ngành để phục vụ cho khâu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

    Chuyển đổi số sẽ giúp cho công tác minh bạch thông tin trở lên dễ dàng hơn. Sản xuất và tiêu thụ, vùng nguyên liệu với hệ thống phân phối hoàn toàn có thể nắm bắt được quy mô sản lượng, thời vụ thu hoạch, nguồn gốc, chất lượng nông sản... để từ đó doanh nghiệp hay người nông dân có thể đưa ra những kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Chủ động hơn trong việc kết nối thị trường tiêu thụ, chuẩn bị vốn liếng, kho bãi, hậu cần.

    ĐS&PL: Cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong năm qua có lẽ là “nông nghiệp tích hợp đa giá trị”, Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Như tôi đã nói qua nhiều cuộc hội thảo, hội nghị. Ở tầm vĩ mô, trong tương lai, người tiêu dùng không chỉ yêu cầu ăn ngon mà còn “ăn xanh”. Nông sản ngoài các yêu cầu cơ bản như chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn cần phải thêm các yếu tố làm lên giá trị gia tăng như văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái...Hội tụ đủ các yếu tố đó sẽ hình thành một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

    Ở tầm vi mô, tại Việt Nam, Bộ NN- PTNT khuyến khích sản xuất lúa để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng đồng thời khuyến khích việc luân canh, sử dụng đất linh hoạt nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất.

    Quy hoạch chiến lược cho một nền nông nghiệp “xanh”

    ĐS&PL: Nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2022, sắp tới, thưa Bộ trưởng?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta sẽ phải đối mặt với 3 “Biến”. Biến đổi khí hậu; Biến động thị trường và Biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đây sẽ là 3 nguyên nhân tác động đến cách vận hành kinh tế nói chung và nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

    Xu thế tiêu dùng thế giới không còn chỉ dừng ở mức ăn ngon, ăn sạch mà sản phẩm còn phải gắn liền theo quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không gây biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

    Chiến lược của Chính phủ trong thúc đẩy kinh tế gần đây cũng yêu cầu phát triển phải gắn liền với tăng trưởng “xanh”. Trong tương lai, nông sản Việt Nam không những chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải được gắn nhãn sinh thái sản phẩm. Đây là một danh hiệu của Nhà nước cấp cho các sản phẩm không gây ra ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất hoặc quá trình sử dụng sản phẩm đó.

    ĐS&PL: Bộ trưởng có thể chia sẻ về những mục tiêu, những dự định sắp tới của ngành nông nghiệp?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng tôi xác định, xu thế tiêu dùng xanh quyết định phương thức sản xuất, quyết định giá trị gia tăng chứ không phải là sản lượng. Hình ảnh một nền nông nghiệp xanh- sạch, có trách nhiệm với môi trường và người tiêu dùng cần phải được định vị.

    Vì vậy, công tác quy hoạch lại vùng nguyên liệu, chuẩn hóa thương hiệu và truy xuất nguồn gốc kết hợp với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi... phải được gấp rút hoàn thành. Quy trình canh tác, chăm bón của người nông dân cần phải được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn quy định, theo vùng nguyên liệu và theo từng địa phương để giúp cho việc truy xuất nguồn gốc được dễ dàng hơn, phù hợp với chiến lược xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

    Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đang hợp tác với các Đại sứ, cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để hoàn thiện đề án chiến lược xuất khẩu nông sản bền vững. Đề án này, ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng sẽ có các đơn vị chuyên về logictics, mục đích là để nâng cao công tác phối hợp, tiết kiệm chi phí vận chuyển.

    Bộ sẽ dành riêng một khoản kinh phí đề đầu tư phát triển hệ thống logictics, các trung tâm phân loại, bảo quản, kho lạnh ở trong nội địa theo những vùng nguyên liệu quy mô đủ lớn cho đến sát các vùng biên, nơi có các cửa khẩu xuất khẩu chủ lực.

    Khi đã có đề án xuất khẩu như vậy thì mục tiêu xuất khẩu 47 tỷ USD hay cao hơn nữa, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được.

    ĐS&PL: Xin cảm ơn Bộ trưởng, chúc cho ngành nông nghiệp sớm vượt qua được những khó khăn, gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai!

    Trong tương lai, nông sản Việt Nam không những chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải được gắn nhãn sinh thái sản phẩm.

    Lê Tuấn - Hữu Thắng

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Tết Nhâm dần 2022

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-bo-nnptnt-le-minh-hoan-dinh-vi-hinh-anh-mot-nen-nong-nghiep-xanh-sach-a527028.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan