+Aa-
    Zalo

    Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung: Khuyến khích bảo lưu quá trình tham gia BHXH

    (ĐS&PL) - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hệ trọng, chấm dứt ngay lập tức có thể gây dư luận xã hội, nhất là với người dân đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93.

    Báo Dân Trí đưa tin, Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) là nội dung được thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9. Trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có phần giải trình, tiếp thu các ý kiến sau khi nghe báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội liên quan dự thảo này. 

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, một trong những nội dung quan trọng trong dự Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi) là về quy định rút bảo hiểm xã hội một lần. Về nội dung này, Chính phủ đề xuất hai phương án.

    bo truong dao ngoc dung khuyen kich bao luu bhxh giam muc huong khi rut bhxh mot lan2
    Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Dân Trí

    Với phương án 1, quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.

    Cụ thể, nhóm thứ nhất là người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

    Nhóm thứ hai là người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

    Các trường hợp ngoại trừ vẫn được rút bảo hiểm gồm: người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

    Với phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

    Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

    Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hệ trọng, chấm dứt ngay lập tức có thể gây dư luận xã hội, đặc biệt với người dân đang được hưởng quyền lợi theo Nghị quyết 93. 

    Cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần

    Theo thông tin trên VOV, báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đề nghị kết hợp 2 phương án Chính phủ trình thành 1 phương án thống nhất và nghiên cứu nên có lộ trình giảm phần trăm mức hưởng khi nhận bảo hiểm xã hội một lần. 

    Việc này để vừa tuyên truyền, vừa áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi để giữ chân người tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu thực hiện ngay và giảm mức hưởng xuống 50% sẽ có thể gây ra phản ứng chính sách.

    Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động.

    Vì vậy, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

    bo truong dao ngoc dung khuyen kich bao luu bhxh giam muc huong khi rut bhxh mot lan 1
    Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: VietNamNet

    VietNamNet đưa tin, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho biết, trong 7 năm (từ 2016 - 2022) có gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này có khoảng gần 1,3 triệu người quay lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm tỷ lệ 26% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

    Như vậy, trong giai đoạn trên có khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội. Trong số gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có khoảng 66% có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 5 năm, nhóm dưới 40 tuổi chiếm 77,5%.

    Bên cạnh đó, theo khảo sát nhanh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động dự kiến chi tiêu số tiền rút được tập trung vào các khoản chi như tiêu dùng cho cuộc sống bản thân, gia đình (42,4%), dùng để trả nợ 44,7%, điều này cho thấy sự không hiệu quả và sẽ dùng hết trong khoảng thời gian ngắn.

    Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ báo cáo lại với Chính phủ về đề xuất gộp hai phương án làm một nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc khuyến khích người lao động bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, giảm mức hưởng với những người rút bảo hiểm xã hội một lần. 

    XEM THÊM: Chung cư mini sẽ không được hợp thức hóa trong Luật Nhà ở

    Liên quan đến vấn đề nói trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý thêm rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi luật lần này.

    Để hạn chế rút một lần thì có nhiều cách, trong đó giảm thời gian đóng và hưởng bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm. Đây có thể là yếu tố khiến người lao động cân nhắc, còn rút hay không là quyền của người lao động.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, việc tuân thủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn nhiều bước phải thực hiện và vẫn còn thời gian dài để lắng nghe ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu tác động và phát huy trí tuệ tập thể của gần 500 đại biểu Quốc hội để đạt vấn đề đồng thuận.

    “Sau này còn tọa đàm, thảo luận, nghiên cứu, lấy ý kiến, quy trình còn cả năm trời. Cho nên đừng gò cái gì vào cả, tiếp tục lắng nghe, tiếp tục trình bày các quan điểm với nhau”, VOV dẫn lời Chủ tịch Quốc hội.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-dao-ngoc-dung-khuyen-khich-bao-luu-qua-trinh-tham-gia-bhxh-a591940.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan