+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng KH&ĐT cảm thấy “tiếc nuối” trước thông tin Intel “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam

    (ĐS&PL) - Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu suy nghĩ, chia sẻ trước thông tin Intel "gác" kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

    Liên quan đến thông tin Intel (Hoa Kỳ) hủy kế hoạch mở rộng nhà máy tại Việt Nam xuất hiện trên truyền thông quốc tế những ngày gần đây, theo báo VOV, chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết ông cũng mới tiếp nhận được thông tin như báo chí nêu.

    "Lý do họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

    bo truong kh dt thay tiec nuoi truoc thong tin intel gac ke hoach mo rong san xuat chip o viet nam 1
    Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VnExpress

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ, ông cảm thấy tiếc nuối và cho rằng đó là quyền lựa chọn của doanh nghiệp.

    Đề cập đến lý do mà Reuters đưa ra cho rằng Intel "gác" kế hoạch mở rộng đầu tư thêm 1 tỷ USD tại Việt Nam là do thiếu điện và thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: "Đây chỉ là một lý do, vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào"

    Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, còn có "nguyên nhân như địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu".

    Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tiết lộ, Intel có thể cân nhắc một số ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024.

    Trước đó, hãng tin Reuters ngày 7/11 dẫn nguồn tin riêng cho biết, Công ty Intel đã hủy bỏ đầu tư theo kế hoạch vào Việt Nam, khoản đầu tư vốn được kỳ vọng có thể giúp tăng gần gấp đôi hoạt động của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ.

    bo truong kh dt thay tiec nuoi truoc thong tin intel gac ke hoach mo rong san xuat chip o viet nam 2
    Thị trường xôn xao trước thông tin Intel "gác" kế hoạch mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam.

    Tối 7/11 và sáng 8/11, báo chí trong nước đưa tin về phản ứng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM nơi đặt nhà máy Intel trị giá 1,5 tỷ USD ở Việt Nam và của Intel Việt Nam. Theo đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chưa nhận được thông tin chính thức Intel "gác" lại kế hoạch đầu tư mở rộng 1 tỷ USD.

    Phía Intel cũng cho biết, chưa công bố chính thức về một khoản đầu tư mới nào sau khi đầu tư thêm gần 500 triệu USD vào Việt Nam và Intel vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

    Đến chiều 8/11, đại diện truyền thông phía Intel Việt Nam khẳng định trên báo Người lao động rằng Việt Nam tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của Intel.

    "Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái ngành công nghệ rộng lớn và lực lượng lao động của Việt Nam trong gần 2 thập kỷ hoạt động tại đây, và mong muốn tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới", thông tin từ Intel Việt Nam khẳng định.

    Cần cải thiện môi trường đầu tư

    Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc Intel chưa mở rộng sản xuất ở TP.HCM cho thấy môi trường đầu tư chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn Hoa Kỳ, nhà đầu tư Hoa Kỳ, nên cần tiếp tục được cải thiện.

    "Mỗi năm, nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư ra nước ngoài 200 - 300 tỷ USD. Trong khi vốn FDI Hoa Kỳ vào Việt Nam những năm gần đây chỉ khoảng 1 tỷ USD, và sau khi hai nước nâng cấp quan hệ thì cũng chưa có biến động gì nhiều", ông Toàn cho biết thêm.

    Ông Toàn khẳng định "quả bóng" vẫn trong chân Việt Nam, vấn đề là chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch hơn, chống tham nhũng tốt hơn, thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

    Vị chuyên gia này cũng cho rằng nhìn chung môi trường đầu tư hiện nay chưa thực sự phù hợp với các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn, đòi hỏi tính minh bạch cao và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến từ các nước phát triển.

    Còn TS Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định thủ tục đầu tư phức tạp, quy trình thực hiện thủ tục không rõ ràng trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI lớn, công nghệ cao đã làm Việt Nam mất cơ hội có thể có được.

    Intel đã rót tổng cộng 1,5 tỷ USD vào nhà máy Intel Việt Nam từ năm 2006 đến tháng 1/2021. Đến nay, đây là nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất thế giới của Intel. Intel Products Vietnam đang đảm nhiệm sản xuất các sản phẩm vi xử lý phổ thông mới nhất, bao gồm Raptor Lake và Meteor Lake thế hệ tiếp theo, chiếm hơn 50% sản lượng các nhà máy lắp ráp và kiểm định trên toàn cầu.

    Intel hoạt động ở Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Dự án này tạo ra hơn 6.500 việc làm. Giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến quý III/2023 đạt 82 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TP.HCM.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-kh-dt-thay-tiec-nuoi-truoc-thong-tin-intel-gac-ke-hoach-mo-rong-san-xuat-chip-o-viet-nam-a598755.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan