+Aa-
    Zalo

    Các đối tượng phạm tội làm và sử dụng giấy tờ giả

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Công an quận Thủ Đức (TP HCM) vừa bắt giữ nhóm nữ quái chuyên dùng sổ đỏ, sổ hồng cạo sửa và làm giả chứng minh nhân dân để nhiều lần vay tiền của một phụ nữ.

    (ĐSPL) - Công an quận Thủ Đức (TP HCM) vừa bắt giữ nhóm nữ quái chuyên dùng sổ đỏ, sổ hồng cạo sửa và làm giả chứng minh nhân dân để nhiều lần vay tiền của một phụ nữ.

    Các nghi can gồm: Phạm Thị Na (SN 1965, ngụ quận Thủ Đức), Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1968) và Phạm Thị Kính (SN 1955, cùng ngụ huyện Củ Chi).

    Theo điều tra ban đầu, vào tháng 3/2014, bà P.T.K.D. (ngụ quận Thủ Đức) đến cơ quan công an trình báo việc Phạm Thị Na giới thiệu 7 người đến gặp bà D. thế chấp giấy tờ nhà đất, chứng minh nhân dân, hộ khẩu để vay tổng cộng 340 triệu đồng. Sau đó, bà D. phát hiện toàn bộ giấy tờ đều có vấn đề nên tố giác. Qua điều tra, Công an quận Thủ Đức xác định trong số bảy người đó có Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phạm Thị Kính. Tại cơ quan công an, hai người này đã thừa nhận hành vi thế chấp giấy tờ giả để vay tiền.

    Theo lời khai ban đầu, Tâm được ông N.T.L. (ngụ Thuận An, Bình Dương) nhờ vay 15 triệu đồng và thế chấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy tờ đất của mẹ ông là bà T.T.C.. Tâm liên hệ với Na và Na gọi điện thoại cho bà D. đề nghị mượn tiền. Tuy nhiên, do giấy tờ không chính chủ nên Tâm bàn với Kính đóng giả bà C. và làm giả chứng minh nhân dân dán ảnh Kính. Khi gặp bà D., Tâm dàn kịch để mượn 40 triệu đồng. Bà D. đồng ý cho vay 40 triệu đồng với lãi suất 7\%/tháng. Sau đó Tâm cho ông L. vay lại 15 triệu đồng, đưa Na lấy 6 triệu đồng tiền hoa hồng, cho Kính 500.000 đồng. Số tiền còn lại Tâm giữ hết.

    Đến tháng 1/2014, Tâm tiếp tục nhờ Na hỏi bà D. vay tiền với việc thế chấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Trần Thị Kim. Dù biết các giấy tờ này không phải của Tâm nhưng Na vẫn nói với bà D. tên thật là Trần Thị Kim, còn hình ảnh trên giấy chứng minh nhân dân không giống do ảnh chụp đã lâu. Cả hai đã thuyết phục được bà D. cho vay 50 triệu đồng, với lãi suất 8\%/tháng. Trong "phi vụ" này Tâm cho Na 9 triệu đồng.

    Sau khi bị bắt, Tâm thú nhận số giấy tờ mang tên Trần Thị Kim đều giả mạo do một người khác thế chấp cho Tâm để vay 20 triệu đồng. Sau đó, Tâm đem "hàng giả" cầm lại cho bà D. với ý định lấy tiền rồi lánh mặt luôn. Trong các "phi vụ" nêu trên, đối tượng Na là người môi giới, hưởng lợi khá cao. Còn Tâm, Kính... đóng vai là chủ sở hữu của các bất động sản có sổ đỏ mang đi cầm cố. Sau khi vay được tiền, các đối tượng chia nhau tiêu xài.

    Cơ quan điều tra làm rõ, các đối tượng nói trên dùng sổ đỏ từ nhiều nguồn khác nhau như: Từ trộm cắp, gia chủ bị thất lạc... hay từ chính gia chủ mang cầm cố cho chúng. Sau đó chúng cạo sửa, cập nhật thêm thông tin sang nhượng, rồi dùng kỹ thuật in ấn để làm giả con dấu, chữ ký. Cuối cùng chúng dán ảnh vào chứng minh nhân dân, làm hộ khẩu giả rồi mang đến cầm cố cho bà D. lấy tiền. Hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc trên.

    Vấn đề cần trao đổi là các đối tượng trong vụ việc đã phạm những tội danh nào? Ngoài 3 nghi phạm đã nêu ở trên, ai sẽ bị liên đới trách nhiệm trong "phi vụ" nói trên?

    Báo Đời sống và Pháp luật giới thiệu bài viết của tác giả Phan Trọng Thảo (ĐH Luật Hà Nội) bình luận về thủ đoạn lừa đảo tinh vi của nhóm nữ quái nói trên.

    Các đối tượng phạm tội làm và sử dụng giấy tờ giả

    Xem xét nội dung vụ án, chúng ta nhận thấy ở đây có hai hành vi có dấu hiệu vi phạm các điều luật của Bộ luật Hình sự. Hành vi đầu tiên là hành vi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân D.. Hành vi thứ hai là làm và sử dụng các giấy tờ giả. Theo quy định của pháp luật, các hành vi đó cấu thành độc lập, do vậy, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc phạm nhiều tội.

     Cơ quan công an từng thu giữ không ít giấy tờ giả (ảnh minh họa).

    Theo quy định của pháp luật, làm giả giấy tờ là hành vi của người không chức vụ, quyền hạn cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó giống như thật bằng những thủ đoạn, phương pháp khác nhau. Các giấy này có thể là giả từng phần hoặc giả toàn bộ. Sử dụng giấy tờ giả là hành vi dùng các giấy tờ đó vào một mục đích nhất định. Các hành vi làm giả giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ giả chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người phạm tội tiến hành các hành vi này nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật.

    Điều 267 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: "Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 7 năm". Như vậy, tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức không chỉ nhằm trừng phạt, răn đe những người trực tiếp làm giả, cung cấp con dấu, tài liệu giấy tờ mà xử lý hình sự cả những người sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ làm giả để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

    Trở lại vụ việc nêu trên, các nghi can Phạm Thị Na, Nguyễn Thị Thanh Tâm và Phạm Thị Kính đã cùng cấu kết với nhau, lên kịch bản chi tiết để thực hiện hành vi phạm tội. Nhóm đối tượng trên dùng sổ đỏ từ nhiều nguồn khác nhau như: Từ trộm cắp, gia chủ bị thất lạc... hay từ chính gia chủ mang cầm cố cho chúng. Sau đó chúng cạo sửa, cập nhật thêm thông tin sang nhượng, rồi dùng kỹ thuật in ấn để làm giả con dấu, chữ ký. Cuối cùng chúng dán ảnh vào CMND, làm hộ khẩu giả rồi mang đến cầm cố cho bà D. lấy tiền. Như vậy, đây là hành vi làm giả từng phần giấy tờ do các cơ quan Nhà nước cấp. Số giấy tờ giả này sau đó "giúp sức" cho nhóm đối tượng thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân D..

    Chưa kể các nghi can này sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản giá trị lớn, chỉ riêng việc làm giấy tờ giả đã là một tội. Không những thế, người thuê người khác làm giả các chứng minh thư và sổ đỏ sẽ bị truy tố đã đành, những người cung cấp ảnh để làm giấy tờ giả để lừa đảo cũng là đồng phạm với tội danh nêu trên. Tất nhiên, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra để xác định chủ mưu và đồng phạm. Trên cơ sở đó sẽ truy tố theo đúng tội danh mà từng đối tượng phạm phải.

    Cũng trong vụ việc kể trên, mặc dù là nạn nhân của vụ lừa đảo nói trên nhưng bà D. cũng không hoàn toàn vô can trước pháp luật. Bà D. bị lừa cũng do tham tiền và các nghi can cũng lừa đảo thành công nhờ đánh vào lòng tham của bà này. Không những thế, bản thân bà D. còn vi phạm quy định của pháp luật khi cho vay nặng lãi. Theo dữ kiện nêu ra, bà D. cho các đối tượng vay tiền với lãi suất 7\%/tháng, nghĩa là 8,4\%/năm.

    Trong khi đó, Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Từ quy định của pháp luật, cần xem xét lãi suất ngân hàng thời điểm bà D. cho các nghi can vay tiền, nếu lãi suất trên cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng, bà D. cũng có khả năng bị truy tố theo tội danh cho vay nặng lãi. Thế nên, không nên quá hám tiền mà vi phạm quy định của pháp luật.                              

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-doi-tuong-pham-toi-lam-va-su-dung-giay-to-gia-a81003.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan