+Aa-
    Zalo

    Cái Tết không trọn vẹn của cậu bé 4 tuổi tại làng HIV

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cậu bé Trần Văn Dương, 4 tuổi bị mắc HIV phải đón một cái Tết không trọn vẹn trong căn nhà mới dựng tuềnh toàng, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ.

    Cậu bé Trần Văn Dương, 4 tuổi bị mắc HIV phải đón một cái Tết không trọn vẹn trong căn nhà mới dựng tuềnh toàng, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ và cái đói ám ảnh em cả trong những ngày lẽ ra phải được no đủ, sum vầy.

    Hai bà cháu mắc bệnh và sự day dứt của người bà

    Mắc bệnh HIV khi hơn 1 tuổi với triệu chứng ban đầu xuất hiện vết ngứa, vết loét. Cha mẹ cậu bé Trần Văn Dương chỉ nghĩ con nghịch lúa nên bị dặm. Nỗi lo lắng lớn lên từng ngày khi bệnh tình không thuyên giảm dù đã sát khuẩn vết thương và bôi thuốc. Thời điểm ấy, đôi vợ chồng trẻ thấp thỏm, lo lắng không yên.

    Nghe tin trong thôn có người mắc HIV, anh Trần Văn Dũng (cha cháu Dương) mới đưa con đi xét nghiệm. Anh chị đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ và ngã qụy trước kết quả: Cháu Trần Văn Dương nhiễm HIV, phải duy trì thuốc đến suốt đời. Gia đình nhỏ gồm 3 người nhưng mỗi con trai dương tính. Đến giờ, họ vẫn không hiểu nguyên nhân con mắc bệnh.

    Cậu bé Trần Văn Dương bị nhiễm HIV bên cạnh người cha.

    Anh Dũng với đôi mắt đỏ hoe chia sẻ đến PV Đời sống & Pháp luật: “Vợ chồng tôi sinh sống tại tỉnh Bắc Giang. Lúc cháu tròn 1 tuổi, gia đình mới về Phú Thọ. Bà nội thấy cháu bị ho, nghi viêm phổi nên bế sang nhà y sĩ tiêm 3 mũi. Bà của cháu trước đó đi mổ ruột thừa, ra viện cũng tới nhà y đó sĩ tiêm truyền. Một thời gian sau, hai bà cháu cùng nhiễm bệnh”.

    Bà nội cháu Dương nghẹn ngào tâm sự: “Thân bà già rồi, bị bệnh cũng không sao. Nhưng cháu nội còn nhỏ đã mắc, xót thương quá! Bà luôn cảm thấy có lỗi với vợ chồng con trai thứ. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân nhưng nếu bà không đứa cháu đi tiêm thì có lẽ không xảy ra sự tình như này”.

    Bà nội Dương vẫn thất thần, buồn bã khi kể lại câu chuyện 3 năm trước.

    Khi biết tin bản thân cũng nhiễm bệnh, bà đã hoảng hốt, suy sụp tinh thần. Thời gian đầu, bà mặc cảm, sợ lây bệnh nên chủ động không ăn cơm chung, không ôm bế các cháu. Được các cán bộ xã và mọi người động viên, bà nội Dương mới gạt bỏ tự ti để hòa đồng với xã hội.

    “Tâm lý của bà ổn định hơn trước nhiều nhưng bà luôn cẩn trọng. Bà giặt quần áo cho con cháu xong mới giặt quần áo của mình. Đồ dùng cá nhân cũng để riêng một chỗ, không chung đụng. Bệnh này phải uống thuốc đều mỗi ngày, vào 8 giờ tối. Nhà không có xe máy nên đi lấy thuốc trên huyện vất vả lắm. Cứ gần đến ngày là phải nhờ hết người này tới người khác chở đi giúp. May mắn là mọi người thương mình, giúp đỡ tận tình”, bà nội cháu Dương chia sẻ.

    Trường hợp của 2 bà cháu cùng 40 người dân tại thôn Chiềng Ba, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là câu chuyện gây xôn xao dư luận năm 2018. Cuộc sống bình yên nơi vùng cao bị đảo lộn khi 42 người dương tính với căn bệnh thế kỷ. Họ từng bị xa lánh, hắt hủi, nhận những cái nhìn nghi ngờ, ghẻ lạnh từ mọi người. Sau 3 năm, cuộc sống của họ đã bình yên, ổn định hơn trước nhưng ánh mắt vẫn chất chứa nỗi cay đắng, tủi hờn khi nhắc lại chuyện cũ.

    Cha khóc thầm trước sự vô tư của con trẻ

    Đến thăm nhà cậu bé Trần Văn Dương vào ngày 29 Tết, tôi thấy rõ sự bất hạnh hiện hữu. Vợ chồng anh Dũng mới tách ra ở riêng, dựng căn nhà tuềnh toàng để có chỗ “chui ra chui vào” dịp Tết. Căn nhà chỉ kê mỗi chiếc giường, không có bàn thờ, cũng không có bàn ghế tiếp khách. Hằng ngày, anh Dũng đi làm thợ xây để kiếm tiền lo cho vợ con.

    Anh Dũng giãi bày về sự khó khăn: “Tôi làm ngày nào thì ăn ngày đó thôi. Thuốc được phát miễn phí nhưng phải xuống tận bệnh viện Nhi ở Hà Nội để lấy. Mỗi tháng, gia đình mất khoảng 500.000 đồng chi tiêu đi lại, ăn uống dưới Hà Nội. Khổ nhất là hôm nào hai mẹ con không lấy được thuốc ngay, phải ngủ lại để đợi được cấp hôm sau. Tốn kém lắm, cháu Dương đi đường cũng mệt mỏi”.

    Hàng tháng, cha mẹ đưa Dương xuống Hà Nội để thăm khám và lấy thuốc điều trị.

    Bố mẹ không có thời gian chăm sóc nên Dương rất ngoan ngoãn, tự giác. Cậu bé tự dắt xe đạp đi chơi khắp xóm, đói thì về nhà lục cơm nguội ăn. Dương ý thức được việc mình phải uống thuốc hằng ngày, cháu còn nhắc cha mẹ cho uống thuốc đúng giờ.

    Tết năm nay, ngoài nỗi đau bệnh tật dày vò, cậu bé thiếu đi bàn tay vỗ về của mẹ. Trước Tết, mẹ Dương về quê ngoại ở Bắc Giang. Sau đó, chị không được về nhà do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp. Cái Tết không trọn vẹn khi thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.

    Cậu bé còn quá nhỏ nên chưa hiểu nỗi đau của bản thân và gia đình.

    Còn quá nhỏ nên Dương chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Anh Dũng chia sẻ rằng con trai thấy mọi người bàn tán về bệnh của mình cũng bắt chước nói theo. Dương đi học thường rêu rao: “Nói với các bạn nhé, tôi bị AIDS đấy”. Nghe cô giáo kể lại, anh đã rơi nước mắt trước sự hồn nhiên, vô tư của con trẻ. Nhiều đêm nằm ngủ, anh Dũng khóc thầm bởi thương con và thương cho hoàn cảnh nghèo khó của gia đình.

    Giờ đây, ước mong lớn nhất của vợ chồng anh Dũng là cậu con trai luôn mạnh khỏe, ăn uống tốt để tăng sức đề kháng, chống chọi với căn bệnh. Anh Dũng cũng hy vọng cộng đồng xã hội sẽ cảm thông, đùm bọc yêu thương, không xa lánh với những người mắc HIV.

    Ứng Hà Chi
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-tet-khong-tron-ven-cua-cau-be-4-tuoi-tai-lang-hiv-a356077.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan