+Aa-
    Zalo

    Căn bệnh nhược thị MC Vân Hugo mắc phải nguy hiểm như thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Căn bệnh nhược thị mà nữ MC Vân Hugo đang mắc phải khiến đôi mắt cô gặp nhiều vấn đề khó khăn. Thậm chí một bên mắt của cô đã “hỏng hoàn toàn”.

    (ĐSPL) – Căn bệnh nhược thị mà nữ MC Vân Hugo đang mắc phải khiến đôi mắt cô gặp nhiều vấn đề khó khăn. Thậm chí một bên mắt của cô đã “hỏng hoàn toàn”. Vậy căn bệnh nhược thị này nguy hiểm như thế nào?

    Mới đây trong chương trình "Ghế không tựa" được phát trên kệnh VTV6, MC Vân Hugo đã có một đoạn chia sẻ rất thành thật về đời tư của bản thân khiến cả khán phòng rơi nước mắt. Nữ MC cho biết mình đã mắc phải 2 chứng bệnh, một là phần cổ họng hiện đang gặp vấn đề, dù đã được phẫu thuật cách đó hơn 10 năm nhưng đến nay căn bệnh tái phát khiến giọng nói dần mất đi. Cô cho biết thêm có thể sắp tới cô sẽ rời khỏi vai trò MC. Bệnh còn lại khiến một bên mắt của cô "hỏng hoàn toàn rồi". Căn bệnh ấy chính là nhược thị.

    Nhắc đến bệnh nhược thị ai cũng biết căn bệnh này liên quan đến mắt, thị lực. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được căn bệnh và mức độ nguy hiểm.

    Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, bác sĩ Phạm Ngọc Đan Thanh cho biết, nhược thị là tình trạng giảm thị lực do võng mạc không nhận được kích thích từ ngoài vào mắt. Sự giảm thị lực này không kèm theo tổn thương hoặc nếu có thì mức độ giảm thị lực đó nặng, không tương xứng với mức độ bệnh lý đi kèm.

    MC Vân Hugo mắc phải căn bệnh nhược thị.

    Sơ lược về căn bệnh nhược thị và mối nguy hiểm

    Theo Trí thức trẻ, chúng ta nhìn được là do mắt tiếp nhận thông tin dựa vào nhãn cầu, phối hợp cùng não để xử lý các thông tin đó và cho ra hình ảnh. Tuy nhiên vì một lý do nào đó, mắt và não của bạn phối hợp không tốt, khiến cho hình ảnh một mắt trở nên mờ hẳn đi. Đó chính là nhược thị (amblyopia).

    Ngay cả việc đeo kính cũng không giúp người bệnh nhìn rõ hơn, vì não bộ lúc này đang ưu tiên cho bên mắt còn lại. Tức là, bạn có đeo kính vào thì thị lực của bạn vẫn không thể đạt 10/10 như người bình thường. Vì vậy, căn bệnh này còn được gọi là chứng "mắt lười" - lazy eye.

    Cũng theo đó, Gia đình & xã hội cho hay, nhược thị là căn bệnh nguy hiểm vì nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, từ người lớn đến trẻ em. Theo thống kê từ WHO, nhược thị là tật về mắt phổ biến nhất ở trẻ em, với tỉ lệ 2 - 3 trẻ mắc trên 100.

    Nếu không được chữa ngay từ bé (trong độ tuổi từ 7 - 10), nhược thị sẽ tồn tại vĩnh viễn do thói quen của não bộ, khiến cho một bên mắt không còn cơ hội phục hồi. Hiện y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị nhược thị cho người trưởng thành.

    Nguyên nhân gây bệnh nhược thị

    Theo Dân trí, lác mắt hay lé mắt là nguyên nhân thường gặp nhất gây nhược thị. Ở Việt Nam có 2-4% trẻ bị lé, trong đó có 50% trẻ bị nhược thị. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh không nhận ra điều này, dẫn đến việc nhiều trẻ không được khám và điều trị kịp thời.

    Bên cạnh đó, bất đồng khúc xạ, khi mắt bị tật khúc xạ nặng, độ khúc xạ hai bên chênh lệch nhiều, võng mạc không nhận được hình ảnh rõ nét làm cho thị lực phát triển bất thường gây nhược thị.

    Ngoài ra, theo Tri thức trực tuyến, nhược thị có thể xảy ra do các bệnh lý ở mắt như sụp mi bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc. Trong trường hợp này, võng mạc không nhận được kích thích vì có sự cản trở đường đi của ánh sáng tới võng mạc, gây ra nhược thị.

    Ảnh minh họa.

    Biểu hiện của bệnh nhược thị

    Thông tin trên VnExpress cho hay, người nhược thị có thể có biểu hiện lác mắt, hay nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn, đôi khi hay kêu nhức mắt, mỏi mắt. Tuy nhiên, phát hiện được nhược thị không phải là việc dễ dàng vì nhiều trường hợp người bệnh không có biểu hiện gì đặc biệt, thích nghi với điều kiện thị lực kém và chỉ được phát hiện khi khám sàng lọc.

    Phương pháp điều trị cho bệnh nhân nhược thị

    Theo Gia đình & Xã hội, về nguyên tắc, điều trị nhược thị cũng như điều trị tật khúc xạ cho trẻ càng sớm càng tốt, khi trẻ còn nhỏ hiệu quả điều trị càng cao, nhất là đối với điều trị nhược thị, vì khi trẻ đã lớn, hệ thần kinh của trẻ đã phát triển hoàn thiện thì việc kích thích hay tác động đến nó sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

    Chính vì vậy, không nên đợi đến khi trẻ kêu là nhìn mờ hay không nhìn rõ bảng mới đưa trẻ đi khám. Các bậc phụ huynh nên dần làm quen với việc đưa con mình đi khám định kỳ để sớm phát hiện tật khúc xạ cũng như nhược thị để được điều trị kịp thời. Hoặc ít nhất vào những giai đoạn quan trọng, như khi mới sinh, 3 tuổi (khi bắt đầu có thể kiểm tra thị lực của trẻ), 6 tuổi (trước khi vào lớp 1) và sau 10 tuổi (khi trẻ chuẩn bị bước sang giai đoạn dậy thì), cũng nên cho trẻ đi khám để phát hiện những bệnh lý đặc trưng về mắt cho lứa tuổi đó.

    Còn theo VnExpress, phương pháp cơ bản nhất điều trị nhược thị là tập nhược thị như bịt mắt lành tập mắt bệnh, hoặc tra thuốc làm mờ một phần mắt lành giúp kích thích chức năng thị giác mắt bệnh. Phương pháp tập có thể là những hoạt động thị giác tích cực hoặc những máy kích thích chức năng võng mạc, luyện tập thị giác 2 mắt…

    Hiện y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị nhược thị cho người trưởng thành.

    MỸ AN (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]CisLMYVD0A[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-benh-nhuoc-thi-mc-van-hugo-mac-phai-nguy-hiem-nhu-the-nao-a171183.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan