+Aa-
    Zalo

    Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và trạm BOT cầu Bạch Đằng tăng phí từ 4/5

    (ĐS&PL) - UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý với đề xuất của Sở GTVT Quảng Ninh về việc tăng giá 18% so với mức hiện nay đối với các loại phương tiện khi qua các trạm BOT nói trên.

    UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Công ty cổ phần BOT Biên Cương, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng, các trạm thu phí thuộc dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT. 

    Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý với đề xuất của Sở GTVT Quảng Ninh về việc tăng giá 18% so với mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ hiện tại áp dụng cho từng nhóm phương tiện đảm bảo nguyên tắc không vượt quá mức giá tối đa đối với từng nhóm phương tiện quy định tại Thông tư số 35/2016/TT – BGTVT ngày 15/11/2016 và Thông tư số 28/2021/TT – BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ GTVT. 

    Trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng

    Trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng

    Thời gian điều chỉnh giá là sau 30 ngày kể từ khi các đơn vị quản lý các trạm BOT tiến hành thông báo, niêm yết công khai để người dân nắm được thông tin. 

    UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát danh sách các đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé đúng quy định.  

    Lý giải về việc tăng giá vé, Sở GTVT Quảng Ninh cho rằng, các dự án BOT nói trên được đưa vào sử dụng từ năm 2018 và 2019. Theo hợp đồng đã ký kết giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và các nhà đầu tư, trong đó nêu rõ, mức giá dịch vụ quy định được điều chỉnh tăng 3 năm/lần, mỗi lần tăng không quá 18% so với mức giá lần trước. Như vậy, theo hợp đồng thì lộ trình tăng giá phí dịch vụ được thực hiện vào các năm 2021 và 2022.

    Tuy nhiên, nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/T-Ttg, ngày 4/3/2020, nên các trạm thu phí trên toàn quốc nói chung, trên địa bàn Quảng Ninh nói riêng đã chưa thực hiện tăng giá phí dịch vụ theo đúng lộ trình của hợp đồng đã ký kết. 

    Mặt khác, theo báo cáo của Sở GTVT Quảng Ninh ngày 5/1/2024, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu thực tế của các trạm BOT trên địa bàn thấp hơn nhiều so với doanh thu dự kiến trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. 

    Cụ thể, trong giai đoạn 2018 - 2023, dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến có doanh thu thực tế đạt từ 22,63% đến 38,96% so với phương án tài chính; Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương chỉ có doanh thu thực tế đạt từ 31,03% đến 61,3% so với phương án tài chính… 

    UBND tỉnh Quảng Ninh cũng giao Sở GTVT Quảng Ninh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương liên quan kiểm tra giám sát việc thực hiện thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định tại hợp đồng và các quy định của pháp luật hiện hành.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/cao-toc-ha-long-van-on-va-tram-bot-cau-bach-ang-tang-phi-tu-4-5-a411346.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan