+Aa-
    Zalo

    Cặp song sinh thủ khoa mồ côi lớn lên nhờ giọt mồ hôi ông bà nội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cha mắc bệnh qua đời khi các em mới mười lăm tuổi, mẹ phải một mình vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người, hai anh em lớn lên bằng tình yêu thương và sự chăm sóc đặc biệt của ông bà nội.

    (ĐSPL) - Cha mắc bệnh qua đời khi các em mới mười lăm tuổi, mẹ  phải một mình vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người, hai anh em lớn lên bằng tình yêu thương và sự chăm sóc đặc biệt của ông bà nội. Thế nhưng, cặp song sinh đã vượt qua những khó khăn về vật chất, những thiếu hụt về tinh thần để luôn đạt thành tích cao trong học tập và giành vị trí thủ khoa của hai trường đại học danh tiếng.

    Quê nghèo nuôi chí lớn

    Căn nhà nhỏ chưa đầy 25m2 nằm cuối con ngõ nhỏ ở thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội những ngày này luôn đông khách. Người làng đến chia vui, các cơ quan đoàn thể địa phương đến trao tặng phần thưởng...

    Ông Nguyễn Ngọc Giao, ông nội cặp song sinh vừa chạm cái tuổi "xưa nay hiếm" vì quá vui mà quên hết mệt mỏi, dù bữa cơm trưa của gia đình phải bắt đầu vào lúc 14h - 15h vì tiếp khách. Câu chuyện về cặp song sinh cùng đậu thủ khoa đại học đã khiến làng trên, xóm dưới cùng phấn khởi vô cùng.

    Cậu em trai Nguyễn Phương Nam thi khoa Toán đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội "về nhất" với 27,5 điểm. Còn anh trai song sinh Nguyễn Ngọc Hòa trở thành thủ khoa khối A, đại học Kiến trúc Hà Nội với 26 điểm (đã làm tròn).

    Hai gương mặt khôi ngô rạng ngời đón tôi trước cổng khiến tôi thoáng ngỡ ngàng. Căn nhà bé tí tẹo vậy thôi mà nuôi lớn một cặp trai tài ngoan ngoãn. Tin rằng, bất cứ ai khi đứng trong khung cảnh ấy đều có sự xúc động đặc biệt. Tôi cũng thêm hiểu vì sao, Hòa luôn mơ ước sau này sẽ tự mình thiết kế một ngôi nhà thật đẹp cho ông bà và mẹ ở.

    Được biết, trước Hòa và Nam còn chị gái là Nguyễn Thị Hương Dung, năm nay học năm thứ tư đại học Kiến trúc. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ các em vào Nam lập nghiệp nhưng công việc làm ăn không thuận lợi. Cả ba chị em đều được ông bà nội đón về chăm sóc từ lúc ba tuổi. Chị Trần Thị Cốm (là mẹ đẻ) dù nhớ và thương các con đến gầy rạc người nhưng cũng đành nén lại những tâm tư. Thi thoảng, hai vợ chồng mới có điều kiện về Bắc thăm con.

    Đồng lương hưu ít ỏi của hai ông bà (ông bà từng là giáo viên dạy cấp 2- PV) đã co kéo, san sẻ để ba đứa cháu được lớn lên trọn vẹn nhất có thể. Hiểu được nỗi vất vả của ông bà và tình thương yêu vô hạn từ nơi xa lắc của bố mẹ, cả ba chị em đều học rất giỏi, được thầy yêu bạn mến, người làng nhắc tên làm gương học tập cho con cháu mình.

    Cảm phục nghị lực vượt khó của cặp song sinh mồ côi đỗ thủ khoa
    Chiếc xe đạp đặc biệt thiết kế riêng cho hai cháu sinh đôi được ông bà Giao giữ lại làm kỷ niệm.

    Nỗi niềm song sinh

    Bà nội Tạ Thị Tân (SN 1947) nhớ lại: "Nhìn hai đứa sinh đôi bây giờ ai cũng thèm. Thế nhưng, nghĩ lại thì nhiều gian truân lắm". Theo ký ức của bà thì cứ khi một đứa cháu ốm thì chắc chắn lúc khỏi, đứa còn lại sẽ tiếp tục. Ngày học trường làng, bà thường dắt hai cháu ra lớp học. Nhưng từ lớp 2 đến lớp 5, hai anh em đi học cách nhà hơn hai cây số. Ông nội đã phải nhờ thợ hàn thiết kế một chiếc xe đạp đặc biệt có hàn chiếc gác-ba-ga (phần chỗ ngồi phía sau yên xe - PV) dài hơn bình thường để bà có thể đưa đón cả hai cháu đi học. Một ngày bốn lượt đi về, hai anh em được ngồi sau lưng bà nội cho đến hết lớp 5 mới tự chở nhau đi học.

    Cứ thế, năm ông bà cháu dựa vào nhau vượt qua bao khó khăn. Căn nhà nhỏ được ông bà khéo léo sắp xếp đồ đạc và ngăn làm hai buồng. Năm các cháu học cấp 3, trường cách nhà hơn bảy cây số phải ở lại buổi trưa. Có những ngày trời mưa phùn gió bấc, phải học về muộn, ông cứ đi ra đi vào ngoài ngõ nhỏ, thấy hai cháu về mới yên tâm. Những tình cảm ấy đã là động lực lớn để ba chị em càng cố gắng học tập tốt.

    Biến cố lớn của gia đình đến vào tháng 3/2011, anh Nguyễn Tân Phương (SN 1972), bố của ba đứa con thơ dại không may mắc bệnh rồi qua đời. Cuộc sống đã khó nay càng cực khổ hơn. Trong chín ngày ở giai đoạn cuối của bệnh, anh Hòa được gia đình chuyển từ miền Nam về bệnh viện Bạch Mai chữa trị.

    Mỗi ngày, riêng tiền thuốc cho anh cũng mất 27 triệu đồng. Thương con, xót cháu, ông bà đã bàn nhau cắm sổ lương để vay tiền, bằng mọi cách cứu lại sự sống cho con trai. Nhưng cuối cùng, các cháu ông phải chịu cảnh mồ côi cha. Một tuần sau khi bố mất cũng là thời điểm Hòa tham dự cuộc thi Toán cấp thành phố. Động viên cháu cứ đi thi, không quan trọng giải thưởng, không ngờ, Hòa xuất sắc giành giải Nhì cấp thành phố, không có giải Nhất. Năm đó là năm em học lớp 9.

    Cảm phục nghị lực vượt khó của cặp song sinh mồ côi đỗ thủ khoa
    Cặp song sinh mồ côi đỗ thủ khoa

    Ngập ngừng nỗi lo của thủ khoa con nhà nghèo

    Sau khi chịu tang chồng, chị Cốm phải nuốt nước mắt vào trong, nén đau thương và nỗi thương nhớ các con để trở lại miền Nam tiếp tục kiếm sống. Ông bà vì thương con mà dành hết tâm sức cho các cháu. Ông Giao vẫn thường dùng cánh cửa, tường nhà làm bảng, viết lên đó những công thức toán học khó nhớ và những câu nói quyết tâm để động viên các cháu học tập tốt. Cả Hòa và Nam đều thông minh, nhanh trí và tiếp thu bài học rất tốt. Vị trí thủ khoa ngày hôm nay đến với các em thật đáng tự hào và là niềm mơ ước của bao người.

    Niềm vui đỗ thủ khoa hai trường đại học danh tiếng song hành cùng nỗi lo với cặp song sinh ngoan ngoãn học giỏi. Hòa và Nam đều băn khoăn và chia sẻ với tôi: "Chúng em rất hạnh phúc vì mình đã mang lại niềm tự hào cho mẹ và ông bà. Nhưng hai anh em đều thấy rất lo. Ra trung tâm học, mọi chi phí đều đắt đỏ, ông bà có tuổi rồi, mẹ thì nhiều gánh nặng nợ nần. Chúng em chưa biết sẽ vượt qua bốn năm học như thế nào trong những ngày sắp tới".

    Ngày hai em thi đại học xong, chắc chắn là sẽ đỗ, người chị gái cả đã rục rịch tìm ngay một phòng trọ là trung tâm của hai ngôi trường để chị em sống với nhau tiết kiệm chi phí cho ông bà và mẹ. Hòa và Nam cũng hy vọng sau này khi đi học sẽ cố gắng học tập thật tốt, giành học bổng và tìm những lớp dạy thêm phù hợp, mong đỡ gánh nặng cho ông bà và mẹ.

    Tôi muốn nấn ná chuyện trò thêm nhưng gặp đoàn cán bộ địa phương đến trao quà cho các em nên phải từ biệt. Thoáng u buồn trên gương mặt cặp song sinh, con ngõ sâu hun hút, căn nhà nhỏ bước vài bước chân đã chạm giường chi chít những bất đẳng thức toán học trên tường, trên cánh cửa cứ ám ảnh tôi suốt đường về có cơn mưa bất chợt của tháng Bảy. Trong những hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn nhất, nghị lực con người thật đáng khâm phục biết bao! Thầm mong cho các em sẽ có được nhiều sự giúp đỡ để đường vào đời bớt gian truân! 

    Ước ao có một bác sỹ trong nhà

    Được biết, ngoài là thủ khoa của hai trường đại học danh tiếng, Hòa và Nam (ảnh trên) đều được ông định hướng thi thêm một trường nữa là học viện quân y. Với 24,5 điểm (điểm của Hòa) và 25 điểm (điểm của Nam), đăng ký thi vào hệ dân sự của trường, ông Giao đang rất hồi hộp chờ điểm chuẩn cùng các cháu. Nếu đạt điểm trúng tuyển, ông Giao hy vọng, Hòa sẽ là người thực hiện mong muốn của mình.

    Hai anh em cùng ra đời trong một phút

    Theo lời chị Cốm, đến tận lúc lên bàn đẻ, chị cũng không hề biết mình sinh đôi. Nam ra đời chỉ kém Hòa chưa đầy một phút, thậm chí bác sỹ đỡ đẻ khi ấy cũng quá bất ngờ vì chưa kịp lau cho cậu bé thứ nhất thì cậu bé thứ hai đã "chui ra". Cả hai anh em đều nặng tròn 3kg. Từ khi lớn lên cho đến bây giờ, hễ người anh cao hơn em 1cm thì người em sẽ nặng hơn anh 1kg. Kể cả đối với những bài kiểm tra, bài thi từ khi bắt đầu đi học cho đến thời điểm này, hai anh em thường hơn kém nhau 0,5 điểm, rất ít khi có ngoại lệ.


     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cap-song-sinh-thu-khoa-mo-coi-lon-len-nho-giot-mo-hoi-ong-ba-noi-a44456.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan