+Aa-
    Zalo

    Câu chuyện cảm động về người lính mất khả năng sinh con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vì yêu và thương vợ, ông đã nhiều lần khuyên bảo vợ đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng người vợ vẫn tình nguyện cùng ông đi suốt cuộc đời.

    (ĐSPL) - Hơn 20 năm biền biệt ở chiến trường khốc liệt, người lính đó hạnh phúc vì được trở về bên người vợ trẻ để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Nhưng đau đớn thay, chiến tranh đã khiến người lính đó không còn khả năng làm cha được nữa. Vì yêu và thương vợ, ông đã nhiều lần khuyên bảo vợ đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng người vợ vẫn tình nguyện cùng ông đi suốt cuộc đời. Nay, họ đã bước sang tuổi 70 nhưng khi nói về những ngày đợi chờ, ký ức cứ hiện về như mới hôm qua.

    Đó là câu chuyện tình của Thượng tá Nguyễn Văn Vịnh và bà Nguyễn Thị Lợi, trú tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

    Hơn 20 năm đợi chồng

    Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và tình cờ nghe được câu chuyện đầy cảm động của vợ chồng ông Vĩnh và bà Lợi. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, vợ chồng ông Vịnh vui vẻ chia sẻ về câu chuyện tình yêu đầy cảm động của mình. Họ đến được với nhau dưới sự sắp đặt của hai bên gia đình. Ngày ăn hỏi, gia đình nhà trai cũng có cơi trầu sang thưa chuyện với nhà gái nhưng đến ngày cưới họ mới được gặp mặt nhau. Năm 1962, lấy nhau về, vợ chồng ông được bố mẹ ngăn cho một gian buồng. Mãi tới cái đêm Rằm tháng Giêng năm ấy, ông Vinh tâm sự với vợ và thông báo đã có giấy gọi nhập ngũ, sang tháng sẽ lên đường.

    Những ngày tháng hạnh phúc bên nhau chưa đầy 20 ngày, tháng 2/1962, chàng thanh niên Nguyễn Văn Vịnh khoác ba lô vào đời lính. Lúc chia tay, anh tân binh chỉ kịp trao gửi những lời dặn dò và hẹn ước đợi ngày trở về. Chị Lợi lúc đó chỉ biết nước mắt ngắn dài nhìn bước chân chồng đi xa. Biết bao lo toan, gánh nặng quê nhà đè lên vai người vợ héo mòn theo năm tháng. Ngày về của người lính năm xưa cứ kéo dài đến hơn chục năm trời. Chị Lợi vẫn lặng lẽ nén nỗi nhớ trong lòng để chăm sóc bố mẹ chồng cho đến khi họ khuất núi, vẫn chờ đến ngày anh Vịnh về đoàn tụ.

    Nhớ lại những ngày tháng khốc liệt đó, bà Lợi chia sẻ: “Hơn 20 năm trời xa chồng nhưng tôi chỉ nhận được 5 lá thư từ ông ấy. Trong thư ông ấy cũng hứa hẹn nhiều lắm. Lúc thì bảo cuối năm về phép, lúc thì báo tin đánh thắng trận này sẽ về nhưng vẫn không về được. Cả chục năm trời như thế, có người đồn rằng ông Vịnh đã hy sinh ở sông Bến Hải. Tôi không tin. Lúc đó, ai cũng khuyên tôi đi bước nữa, kể cả bố mẹ chồng của mình. Thời đó, tôi tin rằng chồng mình nhất định sẽ trở về sau ngày chiến thắng”.

    Vào bộ đội, Nguyễn Văn Vịnh được biên chế vào Đại đội thông tin 36, Quân khu 4. Chiến tranh ngày một ác liệt, giặc Mỹ ngày càng điên cuồng đánh phá đất nước ta trên cả 2 miền Nam, Bắc. Những người lính chiến như ông Vịnh ngày ấy đâu dám nghĩ đến ngày phép để về thăm gia đình, người thân. Tháng 2/1968, ông Vịnh được lệnh đi B, tham gia chiến đấu ở chiến trường B5. Lúc này, ông là Đại đội phó, Đại đội 18 thông tin thuộc Trung đoàn 27.

    Ông tâm sự: “Tôi ngày đó là lính thông tin nay ở chiến trường này, mai ở chiến trường kia cũng không hẹn ngày về được. Bom đạn chẳng lúc nào nguôi. Tôi cũng thương vợ ở nhà lắm chứ. Nhưng là đời lính phải biết nén nỗi nhớ thương, vượt lên tất cả để chiến đấu. Chiến trường Trị - Thiên ngày đó ác liệt vô cùng, đâu có giây phút yên bình. Trong chiến trường, nỗi nhớ tới quê nhà của những người lính đến da diết, cồn cào tim gan. Ở đó, có người vợ trẻ và bố mẹ già. Tôi chỉ ước ao chiến tranh nhanh kết thúc để được về sống cuộc sống bình dị với vợ mình và sinh được một đàn con cho đủ đầy. Mình đâu có tham vọng gì, vậy mà ước mong đó đối với vợ chồng tui thật khó khăn”.

    Câu chuyện cảm động về người lính mất khả năng sinh con

    Ông Nguyễn Văn Vịnh (thứ 4 hàng sau từ trái qua) cùng đồng đội thăm lại đơn vị E27

    Sự hy sinh cao cả và hạnh phúc muộn màng

    Tháng 10/1973, Nguyễn Văn Vịnh được điều về Trung đoàn 54, Sư đoàn 390 rồi làm Trưởng ban tuyên huấn của Trung đoàn. Năm đó, hiệp định Pari được ký kết, theo thoả thuận các bên, bộ đội ta tập kết ra miền Bắc. Lần này, ông tranh thủ một tuần về phép, thăm gia đình. Thế là, đã 11 năm kể từ ngày lên đường nhập ngũ mới có dịp được đoàn tụ. “Về quê, người thân thích thì không còn nữa, thấy vợ mình vẫn ở vậy chờ chồng mà thương quá. Chẳng thể ngờ chiến tranh đã vùi lấp đi thời gian chúng tôi xa nhau lâu đến vậy. Ngày đoàn tụ sao mà quý giá vô cùng. Hồi đó, được một tuần phép có lẽ chẳng đủ để bù lấp tình cảm với người vợ đã chờ đợi người lính như tôi đây cả chục năm trời. Nhưng, cứ qua một ngày, tim tôi như rực cháy lên vì nhớ, vì thương, vì vấn vương với người vợ trẻ cháu ạ. Giá như, ngày đó tôi để lại cho vợ mình một đứa con thì còn gì bằng”.

    Còn đối với người vợ, ký ức về ngày đó vẫn còn in đậm mãi: “Ngày về, ông ấy khác xưa nhiều, da sạm đen, gầy đi rất nhiều. Hạnh phúc chưa được trọn vẹn, nào ngờ ông ấy nói chỉ về được vài ngày phải trở lại đơn vị. Tui lại một lần nữa phải tiễn chồng lên đường. Mãi tới 9 năm sau, tui mới giữ được chân chồng ở lại với mình cho tới hôm nay”. Được một thời gian, ông lại theo đơn vị hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh - giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

    Và rồi sau 20 năm quân ngũ cho đến khi Nguyễn Văn Vịnh được giải ngũ, ở tuổi 43 ông cũng chẳng thể sinh nổi với vợ một mụn con cho vui cửa ấm nhà. Người lính năm xưa đã mang trong mình một căn bệnh quái ác: chất độc màu da cam. Thứ chất màu giết người ấy đã khiến ông Vịnh vĩnh viễn không còn khả năng làm cha được nữa.

    Tôi chỉ trách bọn giặc Mỹ ngày ấy thật nhẫn tâm đã cướp đi hạnh phúc của gia đình bé nhỏ. Mấy chục năm trước, tôi cũng khổ tâm lắm. Lúc trái gió trở trời, chất độc màu da cam lại hành hạ ông ấy. Có lúc, ông ôm ngực nằm quằn quại trên giường, vết thương tái phát, sợ không qua khỏi nên cứ giục tôi đi lấy chồng, tìm hạnh phúc mới kiếm đứa con nương tựa tuổi già. Tôi nghe ông nói mà giận lắm, lúc đó tui có nói với ông “một ngày sống với nhau cũng nên nghĩa vợ chồng. Suốt 20 năm tôi mòn mỏi đợi ông ấy rồi, tôi tình nguyện chịu đựng tất cả. Ông nhà tôi vì đất nước mà hy sinh cả tuổi thanh xuân rồi. Bị bệnh tật hành hạ, lúc này ông rất cần một người ở bên chăm sóc. Tôi không nỡ lòng nào bỏ ông đi như vậy”, bà Lợi nói. 

    Câu chuyện cảm động về người lính mất khả năng sinh con

    Vợ chồng ông bà hạnh phúc bên con cháu

    Từ lần được vợ thông tư tưởng, ông Vịnh không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Hai ông bà chấp nhận sự thật, ngày ngày chăm sóc nhau, nhằm vượt qua nỗi đau quá lớn đó. Thế nhưng, trong thâm tâm cả hai người vẫn luôn nuôi hy vọng, một phép lạ sẽ đến trong mái ấm này. Và rồi, hạnh phúc đó đã đến.

    Vào một ngày trời se lạnh cách đây chừng 25 năm, ông bà đã thấy một bé trai mới mấy ngày tuổi bị bỏ lại trong căn nhà hoang nên nhận về làm con nuôi. Đến bây giờ, đứa bé ấy đã trưởng thành và xây dựng gia đình. Ông Vịnh, bà Lợi tuy không sinh được con nhưng họ vẫn sống trong tình yêu thương của con cái dành cho mình. Ngày ngày, ông bà vẫn dìu nhau đi thăm làng xóm. Hai con mắt ông Vịnh bây giờ không còn thấy rõ nữa nhưng trí tuệ vẫn tinh thông, chất lính thông tin vẫn còn minh mẫn. Có lẽ, chiến tranh đã cướp đi xương máu của bao người, nhưng không làm xoá nhoà tình cảm con người, không xé nát được tình yêu người lính thời hoa lửa.

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cau-chuyen-cam-dong-ve-nguoi-linh-mat-kha-nang-sinh-con-a37047.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan