+Aa-
    Zalo

    Cha mẹ lo lắng vì phim bạo lực tràn lan trên không gian mạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều bộ phim chiếu mạng chứa đựng những cảnh đánh đấm, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đang bóp méo những giá trị truyền thống tốt đẹp, cổ súy lối sống bạo lực.

    Nhiều bộ phim chiếu mạng chứa đựng những cảnh đánh đấm, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" đang bóp méo những giá trị truyền thống tốt đẹp, cổ súy lối sống bạo lực trong giới trẻ.

    Trào lưu làm phim chiếu trên Youtube có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với giới trẻ. Không chỉ những gương mặt mới muốn thử sức với diễn xuất lựa chọn cách thức này để thỏa lòng đam mê và "cá kiếm" về đông đảo người hâm mộ mà các ngôi sao quen mặt của showbiz Việt cũng không bỏ qua miếng mồi béo bở này, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các bộ phim ra rạp bị "đóng băng".

    Tuy nhiên, ngoài việc phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, nền tảng youtube lại có điểm hạn chế rất lớn là không thể kiểm chứng nội dung được phát hành. Chính vì nguyên nhân này mà nhiều bộ phim chiếu mạng tiềm tàng nhiều yếu tố nguy hại, đặc biệt là bạo lực học đường.

    Người xem rất dễ dàng tìm kiếm được một clip có lượt xem lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu với những tiêu đề dễ dàng chạm đến trí tò mò như: "Thiếu gia đi học", "Bạn gái tôi là trùm trường", "Đại ca đi học"...

    Phim về bạo lực học đường tràn lan khắp không gian mạng.

    Trước sự tràn lan của những bộ phim này, nhiều bậc phụ huynh lo lắng, những cảnh đuổi bắt, bạo lực, ngôn từ không phù hợp sẽ bóp méo những giá trị xã hội tốt đẹp, tác động tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của giới trẻ, khiến các em học sinh dễ bắt chước làm theo.

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trào lưu phim chiếu trên youtube sẽ làm con em họ xuất hiện suy nghĩ sai lệch về môi trường học đường.

    Chị Nguyễn Thu Hòa – Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm – Hà Nội) có 2 con học đang học tiểu học cho biết: "Tôi có con trai học lớp 4 thôi, mà mỗi lần đi chơi đi học thêm với các bạn về là lại có thêm những câu đối thoại và hành động như trên phim giang hồ. Báo động nhất là lượng khán giả trẻ tuổi như tầm tiểu học đến trung học không ngừng tăng, coi nhân vật phản diện như "thần tượng". Việc có nhiều nghệ sĩ, giang hồ làm phim bạo lực thế này không sớm thì muộn sẽ ảnh hưởng đến khán giả, nhất là người trẻ. Bởi xu hướng bắt chước của giới trẻ rất cao, nhất là trào lưu này đang nổi. Tôi không thể cấm con xem phim khi thế giới internet đang phổ cập rộng rãi, nên cũng ngồi xem cùng để phân tích cái đúng - sai trong mỗi tình tiết cho con hiểu, xem như đó là một bài học để không sai lầm trong cuộc sống; nhưng thú thật là không có nhiều phụ huynh có thời gian làm được chuyện đó. Vì thế, tôi mong các nghệ sĩ chọn lựa đề tài làm phim này có ý thức hơn về trách nhiệm cộng đồng, nhất là với những tác động sẽ có đối với trẻ em vị thành niên".

    Chị Vũ Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết thêm: "Tôi kịch liệt phản đối phim giang hồ học đường. Bé nhà tôi sau khi xem phim bị ảnh hưởng tiêu cực, nói chuyện với bố mẹ bằng "giọng anh chị", hay quát mắng, nói trống không, có phần nổi loạn. Ban đầu tôi tưởng bé học bạn bè trên lớp, hoặc do tuổi nổi loạn tâm lý. Nhưng càng ngày biểu hiện ngang bướng, chống đối càng cao. Tôi sốc khi thấy sự thay đổi đấy, mà nguyên nhân hoàn toàn là do xem clip chị đại học đường. Tôi đã cấm con tuyệt đối dùng điện thoại, từ ngày đó biểu hiện của con khác hẳn. Nhẹ nhàng, lễ phép hơn, biết yêu thương em trai và tình cảm với bố mẹ".

    Cảnh báo về tác hại phim bạo lực học đường, thầy Nguyễn Hoàng Tùng (THPT Đào Duy Từ - Hà Nội) cho biết: "Hiện nay đúng là có một bộ phận lớn phim về giang hồ, đang có xu hướng làm sai lệch suy nghĩ của trẻ em. Phim có nội dung nghèo nàn, lặp đi lặp lại, chủ yếu nói về đạo nghĩa giang hồ, tình nghĩa anh em giang hồ, hay là ngoại tình..., những nội dung này hoàn toàn không phù hợp với xã hội văn minh hiện nay, hướng con người tới sự côn đồ, lừa lọc. Diễn viên hoàn toàn không qua bất kì trường lớp về điện ảnh, không có chuyên môn, diễn xuất quá tệ, nhiều người còn chửi thô tục khiến các em đang ở lứa tuổi đi học có thể bắt chước theo". 

    Còn cô giáo Nguyễn Kim Hồng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ lo ngại: "Việc chiếu các phim bạo lực tràn lan trên mạng hiện nay rất phổ biến, chúng có tác động rất xấu đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này. Tôi quan sát thấy rất nhiều em nhỏ có hành vi ứng xử không phù hợp, thậm chí vô lễ với giáo viên. Theo tìm hiểu, tôi được biết đấy là do các em bắt chước theo các "anh chị" trên youtube. Tôi đã ngay lập tức nhắn nhủ phụ huynh cần có phương pháp hạn chế con em tiếp xúc với sản phẩm phim ảnh độc hại. Tôi kịch liệt phê phán những người sản xuất những bộ phim giang hồ mạng rồi đăng tải lên mạng xã hội, vì lợi nhuận thu được từ quảng cáo mà bất chấp tất cả, đem những tư tưởng không đúng đắn dựng thành phim ảnh rồi phát tán, bỏ qua những giá trị nhân văn của xã hội từ trước đến nay. Không một ngôi trường nào trên thế giới dạy học sinh dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn. Một ngôi trường nếu không biết tôn sư trọng đạo, ẩu đả xảy ra liên tục thì liệu còn có thể giáo dục được ai?".

    Hiếu Nguyễn - Linh Chi

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-lo-lang-vi-phim-bao-luc-tran-lan-tren-khong-gian-mang-a359027.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan