+Aa-
    Zalo

    "Chấm dứt tình trạng đầu tư sản xuất tự phát, theo phong trào"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để phát triển ngành chăn nuôi phải rà soát lại các quy hoạch liên quan đến chăn nuôi. Gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, vớ

    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để phát triển ngành chăn nuôi phải rà soát lại các quy hoạch liên quan đến chăn nuôi. Gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với năng lực sản xuất, với khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chấm dứt tình trạng đầu tư sản xuất tự phát, theo phong trào.

    Theo thông tin trên báo Dân trí, báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Bắc Ninh về các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn trong ngày 29/6, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển khá cả về năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất. Phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi gia trại và trang trại tập trung công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hoá.

    Năm 2016, tổng đàn trâu bò trên địa bàn là 37.000 con, đàn lợn 420.000 con, đàn gia cầm 4,7 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 93.000 tấn. Giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 3.409 tỷ đồng. So sánh trong toàn ngành sản xuất nông nghiệp thì lĩnh vực chăn nuôi chiếm 42%.

    Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 trang trại và 13 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi. Tỷ trọng giá trị do chăn nuôi trang trại sản xuất chiếm 38,8% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh, tăng 14% so với giai đoạn 2006-2010.

    Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trong đó có 6 DN đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao.

    Tỉnh Bắc Ninh cũng có chủ trương xây dựng nhà máy giết mổ lợn quy mô lớn với công nghệ hiện đại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

    Theo báo Kinh tế & Đô thị, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bắc Ninh được chọn là tỉnh thí điểm tập trung đột phá vào khâu chế biến thực phẩm – khâu mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang yếu nhất. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thúc đẩy chế biến thực phẩm là vấn đề được Quốc hội quan tâm thảo luận và mong muốn có những hành động thiết thực ngay.

    Chính vì thế, Bộ trưởng đánh giá cao tỉnh Bắc Ninh cũng như Tập đoàn Dabaco đã có chủ trương xây dựng nhà máy giết mổ lợn tập trung, quy mô lớn đồng bộ và hiện đại. Để đạt hiệu quả cao hơn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gợi ý, cùng với việc đầu tư dây chuyền giết mổ, cấp đông hiện đại, đồng bộ, chủ đầu tư cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến như làm xúc xích, thịt hộp cấp đông, thịt lợn sữa, lợn quay…

    "Không còn cách nào khác là phải giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi"

    Theo TTXVN, Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo, sự vào cuộc của người dân tỉnh Bắc Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng, trong đó có việc đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.

    Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những khó khăn của ngành chăn nuôi thời gian vừa qua có nguyên nhân chính là do nguồn cung vượt cầu, nhưng cụ thể hơn là do chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tiếp cận được với các thị trường khó tính. Cùng với đó, chi phí cho chăn nuôi còn rất cao, đặc biệt là chi phí cho thức ăn. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế trong công tác bảo quản, chế biến… cũng ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

    Trước những hạn chế này, không còn cách nào khác là phải giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi. "Phải rà soát lại các quy hoạch liên quan đến chăn nuôi, trong đó bao gồm mạng lưới các cơ sở chế biến thức ăn, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến sâu sản phẩm. Gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với năng lực sản xuất, với khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chấm dứt tình trạng đầu tư sản xuất tự phát, theo phong trào", Phó Thủ tướng nói.

    Theo Phó Thủ tướng, muốn phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô hàng hoá, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, chăn nuôi, chế biến. Người nông dân sẽ tham gia góp vốn, công sức và hưởng lợi ích từ phần đóng góp của mình. Cùng với đó, phải nhanh chóng đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, hiện đại; mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi, đặc biệt là công đoạn giết mổ, chế biến sâu sản phẩm.

    Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT sớm rà soát để hoàn thiện quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc tập trung với quy mô công nghiệp. Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương quản lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu.

    Về mô hình nhà máy giết mổ gia súc của DABACO, Phó Thủ tướng ghi nhận và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu kỹ thị trường, để tạo ra sự đa dạng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu mở rộng đầu tư để tạo gia chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cham-dut-tinh-trang-dau-tu-san-xuat-tu-phat-theo-phong-trao-a194796.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan