+Aa-
    Zalo

    Chặt 6700 cây ở Hà Nội: Đại gia "khóc ròng" vì bỏ tiền mua... oan ức?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đại gia "khóc ròng" vì bỏ tiền mua... oan ức bởi họ bỏ hàng trăm triệu đồng ủng hộ theo lời kêu gọi của thành phố, không hề được hưởng lợi gì từ việc chặt cây xanh.

    (ĐSPL) - “Thành phố kêu gọi thì doanh nghiệp tham gia ủng hộ, nhưng mình không thể can thiệp được họ thay thế cây nào và trồng bao giờ. Tôi xin nhấn mạnh là chúng tôi tài trợ trồng cây chứ không tài trợ chặt cây. Nếu bảo doanh nghiệp tài trợ chặt cây chắc chắn là chúng tôi không tham gia”, một "đại gia" bị oan ức chia sẻ.
    Trước đó, trong cuộc họp báo về việc chặt cây xanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho rằng: Một trong những lý do thành phố tiến hành chặt hạ cây hàng loạt là do sự hối thúc, nôn nóng của một số nhà tài trợ.
    Trong một thông báo ngày 18/3, phía Hà Nội cho hay Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác là những nhà tài trợ cho dự án thay thế cây xanh trên 17 tuyến phố.
    Trao đổi với VnExpress, hầu hết các nhà tài trợ được nêu tên ở trên cho hay việc tham gia vào dự án xã hội hóa cây xanh đều xuất phát từ sự kêu gọi của thành phố vì lợi ích cộng đồng.

     Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho rằng: Một trong những lý do thành phố tiến hành chặt hạ cây hàng loạt là do sự hối thúc, nôn nóng của một số nhà tài trợ. (Ảnh minh họa).

    Liên quan đến phát biểu của lãnh đạo thành phố về việc chặt cây là do áp lực nhà tài trợ, đại diện Tập đoàn Vingroup, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup trả lời trên VnEconomy: "Việc “nôn nóng” có do các nhà tài trợ hay không thì chúng tôi không biết, nhưng chắc chắn không phải do chúng tôi. Vì ngoài mục đích làm tốt hơn cho cộng đồng, chúng tôi không có lợi ích gì khác trong việc này”.
    Trước ý kiến cho rằng doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án, ông Hiệp bày tỏ: "Trước hết phải khẳng định ngay là việc thay thế cây xanh ở đường Nguyễn Chí Thanh không nằm trong tuyến đường do chúng tôi tài trợ. Chúng tôi được Hà Nội đề nghị tài trợ cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cây xanh ở hai tuyến phố Huế và Hàng Bài. Và thực tế, Vingroup cũng hoàn toàn không có dự án nào tại hai tuyến phố này.
    "Cũng như nhiều hoạt động xã hội khác mà Vingroup đã và đang thực hiện, chúng tôi tham gia hoàn toàn vì lợi ích xã hội, vì cộng đồng. Vì theo chúng tôi được biết, đề án sẽ tiến hành thay thế những cây trồng tự phát, không phù hợp, đặc biệt là những cây to bị sâu bệnh hoặc mục ruỗng, có nguy cơ gẫy, đổ, bật rễ… gây nguy hiểm cho người dân.

    Hàng chục cây xanh trên đường 3/2 bị đốn bỏ.
    Chính vì muốn góp phần đem lại sự an toàn cho cộng đồng và hưởng ứng sự kêu gọi của thành phố nên các doanh nghiệp, trong đó có Vingroup, đã hưởng ứng chủ trương của thành phố. Chúng tôi cũng cho rằng các doanh nghiệp khác khi tham gia việc cải tạo, nâng cấp cây xanh của Hà Nội đều hướng đến lợi ích cộng đồng." ông Hiệp nói thêm.
    Vị đại diện tập đoàn Vingroup cũng khẳng định, theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí, chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án, "Chúng tôi cũng không có thông tin gì về việc thực thi lúc nào và như thế nào. Tổng kinh phí chúng tôi tài trợ là 841 triệu đồng, để thay thế lại cây trên tuyến phố Huế và phố Hàng Bài."
    Còn ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng VPBank cũng trần tình, hiện VPBank đang đặt trụ sở ở Hà Nội và hàng năm cũng tham gia trồng cây ở một số địa phương theo các chương trình vì cộng đồng, do đó khi thành phố kêu gọi thì ngân hàng ủng hộ. “Ngân hàng được kêu gọi tham gia trồng cây cho tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cùng Công đoàn Sở Công an, song ngân hàng cũng không biết là ngày nào trồng và trồng cây gì", ông Việt nói.

    Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup: "Ngoài mục đích làm tốt hơn cho cộng đồng, chúng tôi không có lợi ích gì khác trong việc này”.


    Từng sinh sống ở tuyến đường này, ông Việt cho rằng Nguyễn Chí Thanh có một số cây lâu năm bị mục, nguy cơ gẫy đổ thì cần phải thay thế, nhưng khi thấy cả những hàng cây to lâu năm bị chặt thì cũng “không biết làm thế nào”. “Thành phố kêu gọi thì doanh nghiệp tham gia ủng hộ, nhưng mình không thể can thiệp được họ thay thế cây nào và trồng bao giờ. Tôi xin nhấn mạnh là VPBank tài trợ trồng cây chứ không tài trợ chặt cây. Nếu bảo doanh nghiệp tài trợ chặt cây chắc chắn là chúng tôi không tham gia”, ông nói.
    Trước ý kiến cho rằng doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án, đại diện VPBank nhấn mạnh “hoàn toàn không có chuyện này”. “Đây là quỹ do Công đoàn đóng góp. Nếu không trồng ở Hà Nội thì chúng tôi cũng có các chương trình khác, không có mưu cầu gì cả”, vị này nhấn mạnh.
    Liên quan đến phát biểu của lãnh đạo thành phố về việc chặt cây là do áp lực nhà tài trợ, ông Việt cho hay: "Tôi hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm do lãnh đạo nói không rõ ý. Việc các cán bộ, nhân viên VPBank cùng nhau đóng góp để trồng cây rồi bị dư luận đối xử như lâm tặc thực sự quá sức tưởng tượng của chúng tôi". Về số tiền chi cho dự án, ông cho biết hiện nay doanh nghiệp với thành phố mới chỉ cam kết "về tinh thần", khi thành phố báo cáo con số cụ thể thì mới chi ra.
    Không tham gia đóng góp bằng tiền, bà Vương Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh thông tin công ty đã tham gia chiến dịch xã hội hóa trồng cây xanh theo lời kêu gọi của chính quyền Thủ đô từ tháng 9/2014. Đến nay, doanh nghiệp đã ủng hộ cho Hà Nội khoảng 150 cây xanh mà chủ yếu là sấu. Tuyến phố mà đơn vị này tham gia trồng cây nhiều nhất là dọc đường Xã Đàn mới.
    Clip: Kiến trúc sư Hà Nội đeo biển, đứng chôn chân phản đối chặt cây.
    Bà Hương cho hay việc tham gia này là hoàn toàn tự nguyện và với tinh thần ủng hộ thành phố chứ không đi kèm quyền lợi gì như việc tận thu với những cây cũ. "Chúng tôi không hề tham gia chặt cây mà chỉ đem cây tới trồng tại những vị trí đã được thành phố chấp thuận", bà Hương nói.
    Theo đại diện doanh nghiệp, do một trong những ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là bán, chăm sóc cây, nên việc tham gia theo chủ trương xã hội hóa của thành phố có nhiều thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác. "Doanh nghiệp có sẵn cây trong 6 vườn ươm của mình chứ không phải đi mua. Do vậy, nếu thành phố tạm ngưng dự án này thì Bình Minh cũng không có tổn thất gì như những công ty phải ký hợp đồng mua cây để ủng hộ cho thành phố. Khi nào Hà Nội triển khai tiếp mà doanh nghiệp thấy phù hợp với điều kiện của công ty thì chúng tôi sẵn sàng tham gia với mục đích để thành phố xanh, sạch, đẹp", bà Hương nói.
    Trong khi đó, Vingroup tin rằng sau khi rà soát lại, thành phố sẽ có những quyết định hợp tình, hợp lý. Trong trường hợp Hà Nội dừng đề án này thì khoản kinh phí đã tài trợ sẽ chuyển sang cho các dự án vì cộng đồng khác của thành phố.
    Còn với VPBank, sau những lùm xùm vừa qua, ngân hàng dự kiến trong tuần tới sẽ có buổi làm việc lại với phía thành phố để dự án trồng, thay thế cây được thực hiện tốt hơn, đúng mong muốn của doanh nghiệp khi được kêu gọi tham gia. “Rõ ràng là làm thiện nguyện lại mang tiếng thì rất mệt mỏi”, ông Việt than thở.
    Trước đó, như đã đưa tin, để triển khai quy hoạch cây xanh trên địa bàn, từ năm 2014, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công viên cây xanh tổng kiểm tra rà soát hiện trạng hệ thống cây xanh trên các tuyến đường phố, lập đề án huy động các nguồn lực để bảo tồn, cải tạo, từng bước thay thế cây xanh phù hợp với quy hoạch.
    Qua rà soát, thành phố có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ gần 6\%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Những cây này cần được từng bước thay thế bằng các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được duyệt.
    Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015 - 2017) với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Năm 2015, thành phố chưa bố trí kinh phí cho việc cải tạo nên có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ.
    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đề án liên tục vấp phải sự phản đối từ phía người dân cũng như các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Trước thực tế đó, ngày 20/3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay và phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.
    AN NHIÊN(Tổng hợp)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chat-6700-cay-o-ha-noi-dai-gia-khoc-rong-vi-bo-tien-mua-oan-uc-a88186.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan