+Aa-
    Zalo

    Chết vì hít thở không khí ô nhiễm cao hơn nhiều so với hút thuốc lá

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghiên cứu khoa học mới đây đã tiết lộ rằng ô nhiễm không khí giết chết gần 9 triệu người mỗi năm, cao hơn 1,6 triệu so với số người tử vong vì hút thuốc.

    Nghiên cứu khoa học mới đây đã tiết lộ rằng ô nhiễm không khí giết chết gần 9 triệu người mỗi năm, cao hơn 1,6 triệu so với số người tử vong vì hút thuốc.

    Theo số liệu chính xác, mỗi năm có 8,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có liên quan đến không khí ô nhiễm - chủ yếu là do các hạt bụi siêu mịn từ khí thải xe cộ, nhà máy và nhà máy điện. Để so sánh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc hút thuốc đã cướp đi 7,2 triệu sinh mạng trong năm 2015.

    Ô nhiễm không khí là một kẻ giết người toàn cầu lớn hơn nạn hút thuốc - Ảnh: PA.

    Đồng tác giả của nghiên cứu khoa học này là ông Thomas Munzel, Giáo sư từ Trung tâm Y tế Đại học Mainz ở Đức, nói: "Nếu tình hình đúng như ước tính của WHO thì có nghĩa ô nhiễm không khí mỗi năm gây ra nhiều ca tử vong hơn hút thuốc lá. Nhưng người ta còn có thể tránh được khói thuốc chứ không khí ô nhiễm thì không."

    Chỉ tính riêng ở châu Âu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số người tử vong vượt mức 790.000 người, gấp đôi so với ước tính trước đó.

    Ô nhiễm không khí được cho là nguyên nhân gây ra 64.000 ca tử vong ở Anh vào năm 2015, bao gồm 17.000 trường hợp tử vong do bệnh tim và động mạch. Hơn 29.000 ca khác ở Anh chết do liên quan đến ô nhiễm không khí góp phần gây ra các căn bệnh như ung thư, tiểu đường và bệnh phổi mãn tính. Cũng tại quốc gia này, ở những khu vực bị ô nhiễm không khí, tuổi thọ trung bình cũng đã giảm đi 1,5 năm.

    Ô nhiễm không khí giết chết khoảng 8,8 triệu người mỗi năm, cao hơn cả hút thuốc - Ảnh: Getty Images.

    Mặc dù vậy, so với các nước láng giềng châu Âu khác, người Anh vậy vẫn còn là tốt. Tại Đức, ô nhiễm không khí được cho là nguyên nhân gây ra thêm 124.000 ca tử vong trong năm 2015 và 2,4 năm tuổi thọ trung bình bị sụt giảm. Trong cùng năm đó, ước tính 81.000 người đã thiệt mạng vì ô nhiễm không khí ở Ý, 67.000 ở Pháp và 58.000 ở Ba Lan.

    Giáo sư Munzel cho biết thêm: "Số ca tử vong do bệnh tim mạch có liên quan đến ô nhiễm không khí cao hơn nhiều so với dự kiến. Chỉ riêng ở châu Âu, mỗi năm có thêm 800.000 người tử vong vượt mức quy định. Mỗi trường hợp tử vong này đều cho thấy có sự suy giảm tuổi thọ trung bình là 2 năm."

    Nghiên cứu phức tạp này được thực hiện qua các mô phỏng trên máy tính về mật độ các nguyên tố hóa chất tự nhiên và nhân tạo tương tác kết hợp với thông tin mới về mật độ dân số, các yếu tố nguy cơ bệnh tật và nguyên nhân tử vong tại mỗi khu vực.

    Ô nhiễm không khí được cho là nguyên nhân gây ra 64.000 ca tử vong ở Anh vào năm 2015, trong đó 17.000 trường hợp tử vong do bệnh tim mạch - Ảnh: Getty Images.

    Trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra tử vong cho 120/100.000 người mỗi năm. Ở châu Âu, bức tranh toàn cảnh thậm chí còn tồi tệ hơn với 133/100.000 ca tử vong do hít phải không khí ô nhiễm hóa chất.

    Các nhà nghiên cứu cho biết các trường hợp mắc bệnh phổi và tim mạch chủ yếu là do các hạt bụi "PM2.5" siêu nhỏ bị kẹt trong phổi và xâm nhập vào máu. Các phương tiện chạy bằng diesel là một trong những nhân tố sản xuất ô nhiễm hạt mịn lớn nhất ở các nước phát triển như Anh chẳng hạn.

    Nguồn cung cấp khác của loại hạt mịn "sát thủ" này đến từ quá trình công nghiệp đốt nhiên liệu hóa thạch như các nhà máy điện và hệ thống sưởi ấm nội địa.

    Đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Jos Lelieveld, đến từ Viện Hóa học Max-Planck ở Mainz, cho biết: "Số ca tử vong cao do ô nhiễm không khí ở châu Âu được phân tích là do sự kết hợp giữa chất lượng không khí kém và dân số dày đặc, dẫn đến hiện tượng phơi nhiễm ở mức cao nhất thế giới."

    Theo kết quả nghiên cứu, tuổi thọ trung bình đã giảm 1,5 năm trong số những người tử vong do ô nhiễm không khí ở Anh - Ảnh: Getty Images.

    Trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu, các nhà khoa học đã kêu gọi kiềm chế nghiêm ngặt hơn về ô nhiễm hạt mịn. Hiện tại, giới hạn an toàn trung bình đối với các hạt PM2,5 ở Liên minh châu Âu là 25 microgam/m3 không khí. Con số này cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là 10 microgam.

    Giáo sư Munzel nói thêm: "Trong khi nhiều quốc gia như Canada, Hoa Kỳ và Australia, sử dụng hướng dẫn của WHO thì EU lại đang tụt lại phía sau một mảng lớn về vấn đề này."

    Giáo sư Metin Avkiran, đến từ Quỹ Tim mạch Anh, cho biết: "Những phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong sớm do các bệnh tim mạch và tuần hoàn. Tác động của nó đến sức khỏe con người có thể còn lớn hơn chúng ta dự đoán trước đây.

    Ô nhiễm không khí rõ ràng là một vấn đề lớn trên toàn châu Âu, nơi có các giới hạn pháp lý ít nghiêm ngặt hơn so với khuyến nghị của WHO. Chúng ta cần xem xét việc đưa các khuyến cáo quốc tế này vào trong pháp luật của Anh, nhằm thúc đẩy hành động quyết liệt để giải quyết ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe của người dân."

    Minh Minh (Theo Metro)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chet-vi-hit-tho-khong-khi-o-nhiem-cao-hon-nhieu-so-voi-hut-thuoc-la-a266501.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan