+Aa-
    Zalo

    Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan tới Liên Hợp Quốc: Tổng thống Trump tiếp tục cứng rắn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các chính sách đánh thuế quan cứng rắn và mạnh mẽ của Mỹ đã làm những cuộc đàm phán lâm vào bế tắc, khiến cho chiến tranh thương mại Trung - Mỹ kéo dài.

    Các chính sách đánh thuế quan cứng rắn và mạnh mẽ của Mỹ đã làm những cuộc đàm phán lâm vào bế tắc, khiến cho chiến tranh thương mại Trung - Mỹ kéo dài vô thời hạn và gây thiệt hại cho cả hai bên.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có bài phát biểu lên án Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Toronto Star.

    Trung thu căng thẳng

    Tuần qua là thời gian chào đón Tết Trung thu của nhiều quốc gia tại châu Á, lẽ ra là một tuần thực sự vui vẻ cho mọi người nhưng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ lại leo thang nhanh chóng khiến nhiều người căng thẳng. Ngọn lửa của cuộc chiến căng thằng này đã bắt đầu lan tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

    Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng khóa 73 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào ngày 25/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về quan hệ thương mại Trung - Mỹ.

    Ông Donald Trump cho rằng, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp và công nhân Mỹ đều đã bị thiệt hại rất lớn. Mỹ sẽ không tiếp tục nhẫn nhịn với các hành vi của Trung Quốc.

    Ngày 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phản ứng cho rằng, thâm hụt thương mại to lớn giữa Mỹ với các nước khác cùng với việc mất đi vị thế ngành chế tạo trong nước của Mỹ là hậu quả của sự thiếu dự trữ trong nước, phân công lao động quốc tế và sự thay đổi của cục diện sản xuất của các công ty xuyên quốc gia. Đồng thời, tình trạng trên của Mỹ còn là hệ quả từ việc đồng USD trở thành đồng tiền quốc tế chủ yếu, đồng thời còn phản ánh khách quan việc bổ sung ưu thế cho nhau giữa các ngành nghề của Mỹ và các quốc gia khác.

    Theo phía Trung Quốc, việc Mỹ quy trách nhiệm cho Trung Quốc hoặc Trung Quốc gia nhập WTO là hoàn toàn không có căn cứ.

    Tuy nhiên, tại hội nghị của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc do ông Donald Trump chủ trì ngày 26/9, Tổng thống Mỹ đã tiếp tục lên án mạnh mẽ Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh tìm cách hỗ trợ cho các đối thủ chính trị khác trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ.

    Tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Donald Trump còn nói rằng, "chúng tôi có bằng chứng", việc lên án "không phải vô cớ, chúng tôi sẽ nói cho các bạn biết". Ông Donald Trump còn cho hay, đến giờ có lẽ đã không còn “tình bạn” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

    Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn coi hành động áp thuế quan của Mỹ như là "dao kề cổ". Ảnh: Newsbeezer.

    Trước khi ông Donald Trump lên án Trung Quốc 3 ngày, tờ Nhật báo Trung Quốc đã đăng bài viết có độ dài 4 trang trên tờ Des Moines Register, tờ báo lớn nhất của bang Iowa, Mỹ, cho rằng ảnh hưởng mà các chủ nông trường đậu tương ở Mỹ là "hậu quả từ việc làm điên rồ của Tổng thống" (the fruit of a president's folly).

    Bang Iowa là nơi trồng ngô và nuôi lợn lớn nhất của nước Mỹ, đồng thời cũng đi đầu về trồng đậu tương, nuôi gia cầm và sản xuất trứng gà. Theo tính toán mới nhất của Đại học bang Iowa, nông dân bang này sẽ bị tổn thất khoảng 16,8 - 22 tỷ USD do chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

    Chiến tranh vô thời hạn

    Đối với phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khi tham dự hội nghị Hội đồng bảo an, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản bác, nhấn mạnh "chúng tôi trước đây, hiện nay và trong tương lai đều sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào... Chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận bất cứ chỉ trích vô cớ nào đối với Trung Quốc".

    Trong ngày Tết Trung thu (24/9), sau khi các biện pháp tăng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD của chính quyền Donald Trump có hiệu lực khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, Bắc Kinh đã công bố sách trắng “Về sự thực xung đột kinh tế thương mại Trung - Mỹ và lập trường của Trung Quốc”, toàn văn khoảng 36.000 chữ. Cuốn sách này cho rằng chỉ cần ông Donald Trump tiếp tục đe dọa thực hiện nhiều biện pháp thuế quan hơn, thì các cuộc đàm phán để giải quyết cục diện bế tắc thương mại sẽ không diễn ra.

    Trong cuộc họp báo ngày 25/9, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cũng khẳng định: "Muốn làm cho các cuộc đàm phán, tham vấn có hiệu quả thì trước tiên phải đối xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Hiện nay, Mỹ đã áp dụng biện pháp hạn chế thương mại lớn như vậy thì giống như kề dao lên cổ người khác, đàm phán như vậy thì làm sao có thể tiến hành?".

    Ngày 27/9, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vốn đến Washington để tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ nhưng hiện nay cuộc đàm phán này đã bị hủy bỏ. Ngoài ra, kế hoạch đến Washington của một đoàn đại biểu cấp thấp hơn của Trung Quốc lẽ ra được thực hiện trước khi ông Lưu Hạc đến Mỹ cũng đã bị hủy bỏ.

    Vào thứ Bảy tuần trước (21/9), Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức đàm phán thương mại với quan chức Mỹ.

    Theo Bloomberg, có nguồn tin tin cậy tiết lộ, vào ngày thứ Năm (20/9), Mỹ tuyên bố, do Trung Quốc mua máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa của Nga, Mỹ tiến hành trừng phạt đối với Bộ phát triển trang bị - Quân ủy Trung ương Trung Quốc cùng người đứng đầu của cơ quan này, đây là một nhân tố thúc đẩy Trung Quốc đưa ra quyết định trên.

    Đồng thời, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng đã hành động, đưa ra biện pháp ứng phó trước hậu quả có thể gây ra bởi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Ngày 26/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thị sát hai tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm. Khi đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc là nước lớn có gần 1,4 tỷ dân, 9,6 triệu km2, lương thực cần dựa vào chính mình, kinh tế thực cần dựa vào chính mình, ngành chế tạo cần dựa vào chính mình.

    Ngày 26/9, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì Hội nghị thường vụ Quốc vụ viện, chủ trương từ ngày 1/11/2018 trở đi, giảm mức thuế quan nhập khẩu đối với các hàng hóa trong đó có 1.585 mặt hàng công nghiệp.

    Nhìn chung, các xu thế hiện nay cho thấy, Trung Quốc và Mỹ đã không thể quay trở lại đàm phán, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài vô thời hạn.

    Ngày càng nhiều nhà phân tích tin rằng, Bắc Kinh đang chờ đợi kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11/2018, bất cứ cuộc đàm phán thương mại mang tính thực chất nào cũng cần đợi sau cuộc bầu cử này mới có thể tiến hành.

    Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Đảng Dân chủ Mỹ có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Bắc Kinh có thể cho rằng, sau cuộc bầu cử vào ngày 6/11 sắp tới, nếu Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế thì thái độ thù địch với Trung Quốc có thể sẽ giảm đi, có lợi cho tổ chức đàm phán.

    Nhưng, kết quả bầu cử nếu đúng là như vậy thì có lẽ sẽ không như mong muốn của Bắc Kinh. Có phân tích cảnh báo cho rằng, nếu kết quả bầu cử bất lợi cho Đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có thêm lý do để "đổ thêm dầu vào lửa" trong chính sách, nhằm tranh thủ được nhiều người ủng hộ hơn, giống như đã làm trước đây. Như vậy, thời gian kết thúc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ thậm chí sẽ bị kéo dài hơn.

    Trung Quốc và Mỹ “cùng thua”

    Đương nhiên, những tranh chấp không thể giải quyết giữa hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Mỹ sẽ gây thiệt hại cho cả hai. Căn cứ vào số liệu sơ bộ do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào thứ Năm vừa qua, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 8/2018 bất ngờ mở rộng lên mức cao nhất trong 6 tháng, đồng thời tình trạng tồn kho của hàng hóa bán sỉ, bán lẻ đều tăng lên.

    Chiến tranh thương mại có thể làm cho Trung Quốc và Mỹ "cùng thua". Ảnh: The Telegraph.

    Về phía Trung Quốc, chỉ số sớm về tăng trưởng kinh tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế tháng 9/2018 tiếp tục đối mặt với khó khăn. Theo dự báo của các nhà phân tích của Bloomberg, các số liệu chính thức sẽ công bố vào ngày 30/9 cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) ngành chế tạo và ngành dịch vụ đều giảm đi.

    Dự đoán mới nhất vừa qua của WTO cho thấy, mức tăng thương mại toàn cầu năm 2018 sẽ giảm xuống còn 3,9%, năm 2019 sẽ giảm xuống 3,7%, trong khi đó năm 2017 là 4,7%. Hồi tháng 4/2018, WTO từng cho rằng, thương mại năm 2018 sẽ tăng trưởng 4,4%, năm 2019 sẽ tăng 4%. Như vậy, tăng trưởng toàn cầu đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng.

    ĐÔNG PHONG (Theo Zaobao)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-tranh-thuong-mai-my---trung-lan-toi-lien-hop-quoc-tong-thong-trump-tiep-tuc-cung-ran-a245842.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan