+Aa-
    Zalo

    Chiêu trò dùng "chân dài" để "kích thích" tiếp thị thuốc lá

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - "Chân dài" tiếp thị thuốc lá được tuyển lựa rất kỹ, ai cũng cao ráo, xinh tươi, nhất là nói chuyện phải duyên dáng, thu hút khách hàng.

    (ĐSPL) - Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm các hình thức quảng cáo, tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Thế nhưng, để thu lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn đầu tư, tính toán cách thức quảng bá sản phẩm thuốc lá đến khách hàng. Họ dùng các khẩu hiệu đầy thu hút, cũng như thuê các cô gái chân dài để tiếp thị sản phẩm thuốc lá ở khắp mọi nơi...

    Tiếp thị thuốc lá ngập tràn đường phố

    Hiện nay cứ vào các quán nhậu, cà phê, tiệm bán thuốc lá... là bắt gặp ngay cảnh các "chân dài" vào tận chỗ khách ngồi mời mua những sản phẩm thuốc lá mới nhất. Có thể nói, "chân dài" tiếp thị thuốc lá khi lẫn vào đội ngũ giới thiệu bia thì rất khó để phân biệt, nên hiển nhiên các nhà kinh doanh luôn tận dụng triệt để cách tiếp thị như vậy. Đáng ngại hơn, rất nhiều người không hề biết quảng cáo, tiếp thị thuốc lá là vi phạm pháp luật. N.L.A. (22 tuổi, quê Bến Tre), một nữ tiếp thị thuốc lá chia sẻ: "Người ta kêu đi làm thì em làm thôi, việc này cũng bình thường như tiếp thị bia rượu, em không biết đó là vi phạm pháp luật. Chịu khó đứng một chút, cười với khách mà có tiền kha khá thì cứ làm".

    Theo A., khi các hãng thuốc lá bước vào chiến dịch quảng bá sản phẩm, các cô lại được thuê đến các hàng quán có nhiều khách hàng, chủ yếu là khách nam hoặc đến các quầy thuốc trên địa bàn TP.HCM để mời mọc. "Chân dài" tiếp thị thuốc lá được tuyển lựa rất kỹ, ai cũng cao ráo, xinh tươi, nhất là nói chuyện phải duyên dáng, thu hút khách hàng.  A. cho biết: "Hiện em làm tiếp thị cho nhãn hàng C.A. Nhãn này đang có chương trình khuyến mãi, hễ khách hàng nào mua được gói thuốc có tem trúng thưởng, thì được tặng thêm một gói thuốc 12 điếu và một cái bật lửa. Chỉ khách nào mua hàng khi có tụi em mới biết đến hình thức khuyến mãi này, chứ không rầm rộ đâu".

    Những ngày gần đây, đội ngũ tiếp thị thuốc lá xuất hiện đông đảo ở các quầy thuốc lá di động trên đường Trường Chinh (đoạn gần cầu Tham Lương, Q. Tân Bình), nơi có rất nhiều khách hàng thường xuyên dừng xe lại để mua thuốc lá vào buổi sáng. Có ba "chân dài" mặc váy ngắn màu xanh, đội nón lưỡi trai, trang điểm đậm, luôn nở nụ cười chào mời khách hàng, trên tay không quên cầm những bao thuốc lá trưng ra giữa đường phố tấp nập. Nhiều nam giới dừng xe lại ở đây để mua hàng cũng một phần bởi sự duyên dáng của các cô gái này. Tương tự, ở các quán nhậu, khi bia rượu đã lưng chừng, khách sẵn sàng móc túi mua một gói thuốc. Điều này cho thấy nhà sản xuất nắm rõ tâm lý khách hàng, và bỏ ngoài tai những khuyến cáo về sự độc hại của thuốc lá, chỉ nhắm đến lợi ích của doanh nghiệp.

    Những
    Một nhân viên tiếp thị thuốc lá trên đường Lê Quang Định (Q. Gò Vấp, TP.HCM). ảnh: Hà Nguyễn.

    Muôn kiểu lách luật kiếm lời

    Ngoài việc đan cài nhiều thương hiệu thuốc lá, tại các tụ điểm bán thuốc người bán còn bán thuốc lá chung với các mặt hàng khác như sách báo, tạp chí, nước giải khát, đồ ăn nhanh... Các nhà tâm lý cho rằng hình thức trên vô tình thúc đẩy hành vi mua và hút thuốc ở thanh thiếu niên. Việc buôn bán thuốc lá lẫn với những vật phẩm khác cũng tạo ấn tượng rằng việc hút thuốc là được chấp nhận về mặt xã hội và khiến giới trẻ, phụ nữ bị lôi cuốn. Ngoài ra, việc trưng bày này cũng làm những người đã cai thuốc có nguy cơ tái nghiện vì nó gợi nhớ, xuất hiện cảm xúc ham muốn hút thuốc trở lại ở những người đang cố gắng bỏ. Đáng nói hơn, các tụ điểm bán lẻ thuốc lá, các tủ thuốc đều có dán, treo pano, áp phích lớn với những slogan với mục đích quảng cáo, cổ động.

    Dọc theo các tuyến đường phố, đô thị, ở đâu khách hàng cũng dễ dàng bắt gặp các tủ thuốc với biển quảng cáo như: "Gu của thế giới", hay "Thêm trải nghiệm cùng vươn xa"... Quy mô hơn, nhiều thương hiệu thuốc lá có tiếng, mới còn tìm cách khuếch trương hình ảnh, tạo ấn tượng, thu hút khách hàng bằng các hình thức trực tiếp tiếp thị. Tại các quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu bình dân, thậm chí trên các tuyến đường,... các hãng thuốc lá mới đều rải đội ngũ tiếp viên xinh đẹp, mời mọc giới thiệu thuốc lá hệt như các nhu yếu phẩm hàng ngày. Nguy hiểm hơn, các loại hình tiếp thị đều bị pháp luật nghiêm cấm trên lại không được khách hàng nắm bắt. Theo đó, bằng những cách thức trên, thuốc lá vẫn âm thầm bám rễ sâu vào đời sống người dân, bỏ qua những hệ lụy khủng khiếp.

    Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), việc sử dụng thuốc lá làm gần 6 triệu người chết mỗi năm, và con số này còn có khả năng tăng lên 8 triệu người trong năm 2030. Trong khi việc hút thuốc lá giảm đi ở các nước giàu có, thì ngành công nghiệp thuốc lá lại nhắm vào những nước nghèo hơn ở châu Phi và châu á. Theo đó, 1/3 số thanh niên hút thử thuốc lá vì tiếp xúc với quảng cáo, cổ động, tiếp thị, bảo trợ thuốc lá. WHO nhấn mạnh, cấm quảng cáo, tiếp thị, cổ động, bảo trợ thuốc lá là một trong những cách nhanh, hay và hiệu quả nhất về mặt chi phí để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi thói quen hút thuốc.

    Theo quy định các hình thức quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi thuốc lá đã bị nghiêm cấm trên báo đài, truyền hình, pano, áp phích quảng cáo. Tuy nhiên, các nhà cung cấp, bằng những hình thức tinh vi vẫn tìm thấy những kẽ hở để lách luật, trưng ra hình ảnh thu hút nhất đến người tiêu dùng. Theo đó, thông tư số 78/2008/TT-BVHTTDL quy định: "Tại mỗi điểm bán không được phép trưng bày quá một bao/gói hoặc trưng bày quá một tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá". Tuy nhiên, trên thực tế, các tủ thuốc dựng dài, san sát nhau trên vỉa hè các tuyến đường nội ô TP đều bày bán nhiều hơn một bao, một tút thuốc lá của nhiều thương hiệu khác nhau. Theo các chủ hàng, việc trưng bày nhiều sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá tạo thành các điểm quảng cáo hấp dẫn, khách hàng dễ nhận biết.

    Bên cạnh "kẽ hở" về quảng cáo, quy định về khu vực cấm hút thuốc nhưng được phép bố trí nơi dành riêng cho người hút thuốc, quy định về các hoạt động tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá... vẫn chưa được thống nhất khiến tình trạng vi phạm trong việc quảng cáo, tiếp thị thuốc lá chưa thật sự được kiểm soát.      

    Cơ quan chức năng phải siết chặt quản lý

    Luật sư Nông Minh Đức, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "Theo luật tất cả các hình thức tiếp thị, quảng cáo thuốc lá dù dưới hình thức nào đều vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý hiện trạng trên cũng có những điểm khó khăn nhất định. Trong trường hợp các nhân viên tiếp thị thuốc lá mặc đồng phục, có in hình, logo công ty,... lực lượng chức năng mới có đủ căn cứ lập biên bản xử phạt công ty mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, phần nhiều các hình thức quảng cáo, tiếp thị đều nằm ở các điểm bán lẻ. Các điểm này thường lách luật bằng cách trộn nhiều thương hiệu thuốc lá trên sạp, bán lẻ trên đường phố,... khiến công tác quản lý xử phạt khó khăn. Mức xử phạt đối với những tụ điểm này chỉ là cảnh cáo, tịch thu và phạt hành chính nên chưa đủ mức răn đe. Do đó, lực lượng chức năng cần siết chặt hơn khâu quản lý để hạn chế thấp nhất tình trạng trên".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-tro-dung-chan-dai-de-kich-thich-tiep-thi-thuoc-la-a42929.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan