+Aa-
    Zalo

    Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT sớm đề xuất phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa

    (ĐS&PL) - Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trong năm 2025.

    Ngày 25/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

    Tại Chỉ thị này, Thủ tướng nhận định, một số văn bản triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, thống nhất; việc biên soạn, thực nghiệm và thẩm định sách giáo khoa còn hạn chế; tình trạng thừa, thiếu giáo viên chậm được khắc phục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

    Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương; khẩn trương rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản theo yêu cầu tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thành trong năm 2024.

    Kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất sách giáo khoa

    Theo Chỉ thị, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chính phủ trong tháng 12/2023.

    Hoàn thiện Đề án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024.

    chinh phu de nghi bo gd dt som de xuat phuong an bien soan mot bo sach giao khoa dspl 1
    Chính phủ đề nghị Bộ GD&ĐT sớm đề xuất phương án biên soạn một bộ sách giáo khoa. Ảnh minh họa 

    Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

    Bộ GD&ĐT tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.

    Cùng với đó, ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, phát hành để giảm giá thành sách giáo khoa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

    Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

    Bộ Nội vụ được giao chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục.

    UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông; quy hoạch quỹ đất sử dụng cho giáo dục và đào tạo.

    Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện đồng bộ các giải pháp; thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

    Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-phu-de-nghi-bo-gd-dt-som-de-xuat-phuong-an-bien-soan-mot-bo-sach-giao-khoa-a604946.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan