+Aa-
    Zalo

    Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội chính sách tiền lương mới từ 1/7/2024

    (ĐS&PL) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Chế độ tiền lương mới trong năm 2024 cũng được nêu trong báo cáo của Chính phủ.

    Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo cáo của Chính phủ cho thấy, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý cán bộ, công chức; trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ: "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. 

    Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững", trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ luôn xác định công tác quản lý cán bộ, công chức là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng cần được chỉ đạo xuyên suốt và thống nhất thực hiện trong cả hệ thống chính trị.

    chinh phu trinh trung uong quoc hoi che do tien luong moi tu 1 7 2024
    Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

    Vấn đề cải cách chính sách tiền lương là một trong những nội dung báo cáo đề cập đến và được người dân rất quan tâm. Đây cũng là nội dung được Trung ương bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 8 khóa XIII.

    Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên, đúng thẩm quyền theo phân cấp hiện hành, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước. Chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức được thực hiện đúng theo quy định.

    Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. 

    Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương. 

    Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên tại Hội nghị Trung ương 13 khóa XII (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

    Thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

    Theo đó, từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp.

    Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý cán bộ, công chức, trong đó có nguyên nhân chủ quan là tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp, chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức tâm huyết, toàn tâm, toàn ý, cống hiến trong quá trình thực thi công vụ.

    "Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW kể từ 01/7/2024", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết.

    Cũng theo người đứng đầu ngành Nội vụ, thời gian tới, cần tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tiền lương và phúc lợi cho cán bộ, công chức theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

    Báo Tuổi trẻ đưa tin, trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 trong ngày 2/10, một trong những nội dung quan trọng được trung ương thảo luận tại hội nghị này là kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới. 

    Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để hội nghị nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định.

    Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu thật kỹ tờ trình và các báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, tập trung thảo luận những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được.

    Đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua và nguyên nhân - bài học kinh nghiệm. Dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 với tinh thần khách quan, toàn diện.

    Bên cạnh đó, chú ý đến những khó khăn, hạn chế đã và sẽ phải đối mặt như kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ thị trường nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.

    Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch COVID-19; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hoặc chưa được thực hiện nghiêm minh.

    Từ đó, xác định những mục tiêu tổng quát, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

    Từ những phân tích trên, Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận kỹ các nội dung, trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024.

    Liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương, theo thông tin tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023: "Những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

    Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua".

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-phu-se-trinh-trung-uong-quoc-hoi-chinh-sach-tien-luong-moi-tu-172024-a593682.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chính phủ yêu cầu báo cáo lộ trình, phương án cải cách chính sách tiền lương trước 16/9

    Chính phủ yêu cầu báo cáo lộ trình, phương án cải cách chính sách tiền lương trước 16/9

    Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị để hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Quốc hội về lộ trình và phương án cải cách chính sách tiền lương, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/9/2023.