+Aa-
    Zalo

    Chủ động đối phó thông tin nguy hại để không bị “đầu độc”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cùng với sự bùng nổ ngày càng mạnh của mạng xã hội, nhiều chuyên gia càng lo ngại về tính hai mặt của nó.

    (ĐSPL) - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Internet cùng việc bùng nổ các thiết bị truy cập mấy năm gần đây đã tạo cơ hội cho thông tin mạng xã hội ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

    Thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, tại Việt Nam có khoảng 20 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 70\% tổng số người dùng Internet). Cùng với sự bùng nổ ngày càng mạnh của mạng xã hội, nhiều chuyên gia càng lo ngại về tính hai mặt của nó.

    Mạng xã hội đang bùng nổ tại Việt Nam.

    Mấy năm trở lại đây, mạng xã hội không chỉ là nơi chia sẻ thông tin giữa các cá nhân với nhau mà nó còn liên tục cập nhật thông tin ngoài lề, phi chính thống, có lúc gây nhiễu loạn thông tin. Mạng xã hội ở Việt Nam là vấn đề hết sức mới mẻ nên việc quản lý nó vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Thông tin được đăng tải trên đó cũng thiếu định hướng và không chính xác, gây tác động xấu đến xã hội.

    Trên những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay như facebook, Twitter... tràn ngập những thông tin không thể kiểm soát. Chuyện con cái chửi cha mẹ, cháu chửi ông bà rồi tiếp đến là lợi dụng cả facebook để tống tiền doanh nghiệp, bôi xấu cá nhân, lãnh đạo... xuất hiện nhan nhản gây ảnh hưởng đến không ít cá nhân, thậm chí có học sinh đã phải tự tử vì bị bôi xấu trên mạng xã hội.

    Khách quan mà đánh giá, sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu trong thời đại bùng nổ công nghệ số, công nghệ thông tin như hiện nay. Những tiện ích của nó rất to lớn nhưng những hậu quả mà nó gây nên do bị sử dụng trái mục đích cũng không hề nhỏ. Ngày 1/7/2013 dư luận chấn động sau cái chết của nữ sinh N.T.C.L (học sinh lớp 12, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) khi uống thuốc diệt cỏ vì bị ghép ảnh, chế giễu ác ý trên facebook. Chưa dừng lại ở đó, nhiều doanh nghiệp còn khốn khổ do bị các đối tượng lập trang fanpage facebook rồi đưa thông tin nói xấu với mục đích bôi nhọ danh dự, tống tiền, ép đăng quảng cáo.

    Rõ ràng, mạng xã hội không đơn thuần chỉ là những câu chuyện của các cá nhân nữa mà nó trở thành một công cụ lan truyền thông tin cả tốt lẫn xấu, khó phân biệt thật giả. Với số lượng người dùng đông đảo, tốc độ lan truyền nhanh chóng, mạng xã hội hiện nay thực sự tác động rất lớn tới đời sống xã hội, đặc biệt là lớp trẻ.

    Phát biểu trong chương trình truyền hình "Đối thoại và chính sách" của VTV1 và chủ đề "Đối phó với Thông tin nguy hại" tối 14/1, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho rằng: "Mạng xã hội đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và do các đặc thù của nó mà nhiều đối tượng đã lợi dụng để tấn công nước ta bằng nhiều chiêu bài khác nhau như: Bôi xấu, tung tin không chính xác để tạo hoang mang cho dư luận... Trước sự tấn công của tội phạm không gian ảo, nếu không tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống thì sẽ tạo khoảng trống cho thông tin xấu, độc hại xuyên tạc. Phải cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác, liên tục mới ngăn chặn được thông tin độc hại, xấu".

    Nói về những khó khăn trong việc quản lý mạng xã hội hiện nay, chuyên gia an ninh mạng Ngô Tuấn Anh (Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav) cho biết: "Hiện nay người Việt dùng mạng xã hội chủ yếu có sever của nước ngoài nên việc kiểm soát thông tin vốn rất khó khăn. Vấn đề không chỉ dừng ở chỗ nhiều người có những chia sẻ cá nhân gây phản cảm mà lớn hơn, những đối tượng xấu đã lợi dụng sự phổ biến của mạng xã hội để tạo dư luận xấu gây ảnh hưởng tới tình hình trong nước. Với tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, chỉ cần một bài viết được đưa lên là hàng triệu người có thể biết. Đó là chưa kể nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để truyền mã độc, ăn cắp thông tin, tài khoản ngân hàng, giả mạo người khác để lôi kéo, dụ dỗ làm những điều sai trái... Hàng loạt vụ lừa đảo qua mạng thời gian qua là một minh chứng điển hình. Do đó nếu không ngăn chặn kịp thời, việc này sẽ tạo ra những nguy cơ không thể lường trước được".

    Tuy nhiên, ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết, khó khăn nhất hiện nay trong việc xử lý những vi phạm là tội phạm không gian mạng ảo, hoạt động xuyên biên giới. Họ có thể ở bất kỳ đâu trên thế giới, viết hoặc chia sẻ những link bài từ những trang web có máy chủ ở nước ngoài nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học từng cho rằng, lâu nay mọi người mới chỉ quan tâm đến sự bùng nổ của mạng xã hội, tiện ích của internet. Bên cạnh chiều thuận, nó còn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí còn mang tính xấu xúi bẩy.

    Giới trẻ không phải là ngày mai họ mới làm chủ mà thực sự bây giờ họ đã là nguồn nhân lực kế cận. Mạng xã hội trực tuyến tác động đến vốn xã hội của giới trẻ hiện nay, thông tin trên mạng xã hội tác động đến giá trị sống, đến định hướng phát triển, đến lý tưởng, cung cách ứng xử. Vốn xã hội giúp ích hay cản trở cho giới trẻ đi vào đời sống xã hội, tham gia đóng góp hay là quậy phá sự nghiệp? Nó có thực sự là chủ nhân của đất nước không hay là trở thành mối quan ngại?

    Về mạng xã hội, tôi không phải chuyên gia về kỹ thuật nhưng tôi cảm thấy sự can thiệp sẽ khó khăn. Vậy, thay vì can thiệp thuần túy về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ thì vẫn phải là nghiên cứu tác động về phương diện đời sống tinh thần, phương diện giáo dục xã hội hóa con người. Kèm theo đó chính hệ thống chính trị phải tích cực đổi mới hoàn thiện hơn nữa và minh bạch các thông tin để người dân có thể chủ động tiếp cận.

    Với con người thì có vốn tài chính, vốn kinh tế và có một thứ gọi là vốn xã hội. Đó là những hiểu biết về phạm vi quan hệ tương tác giúp cho người ta phát triển trong tương tác với xã hội. Chính vì thế, chúng tôi muốn tìm hiểu mạng xã hội tác động ra sao đến vốn xã hội của giới trẻ. Đặt vấn đề là tác động tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống của giới trẻ, đến cách giáo dục, giá trị sống... Như chúng ta đã thấy, lực lượng trẻ chính là chủ nhân tương lai của xã hội, không phải ngày mai mà là ngay từ bây giờ.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị Tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ sáng 15/1 cũng đã phát biểu rằng: "Hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin cho chính xác, định hướng cho tốt dư luận trên mạng xã hội. Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng".

    Lợi dụng mạng xã hội để bôi xấu, vu khống có thể xem xét trách nhiệm hình sự

    Luật sư Nguyễn Văn Nghi (Trung tâm Hỗ trợ pháp lý Nhà nước TP.Hà Nội) cho biết: "Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định rõ, cá nhân nào cung cấp các thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Cũng hành vi trên nhưng là tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt tiền 30-50 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi vu khống còn là một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-dong-doi-pho-thong-tin-nguy-hai-de-khong-bi-dau-doc-a82450.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan