+Aa-
    Zalo

    Chưa trả con bị trao nhầm, người mẹ có vi phạm pháp luật?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, việc chị Hương chưa sẵn sàng trao – nhận lại con là điều hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm tại thời điểm hiện tại…

    Theo luật sư, việc chị Hương chưa sẵn sàng trao – nhận lại con là điều hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm tại thời điểm hiện tại…

    Đầu tháng 4/2018, thông tin anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi), trú tại thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) bị nhầm con với gia đình chị Vũ Thị Hương (35 tuổi) ở Phú Sơn, cách nhau gần chục ki lô mét đã xôn xao dư luận. Thời điểm ấy, hai bên gia đình muốn cùng Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) giải quyết sự việc trong êm thấm, không làm to chuyện ra.

    Nhưng sự việc kéo dài quá lâu. Ba tháng sau, một trong hai gia đình đã gọi đến đường dây nóng một số báo thông tin về sự việc nhầm con, mong các cơ quan chức năng vào cuộc để hai bên gia đình sớm nhận lại con đẻ.

    Trong diễn biến có liên quan, sáng 12/7, lý giải việc hai bé trai bị trao nhầm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình sau khi sự việc được phát hiện, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, cho hay hiện tại phía bệnh viện, gia đình anh Sơn và chị Hương chưa thống nhất khoản bồi thường.

    Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì  - Ảnh: VnExpress

    “Phía gia đình anh Sơn tương đối sốt ruột trong quá trình trao - nhận con nhưng chị Hương chưa sẵn sàng. Bệnh viện cũng gửi công văn cho tòa án thụ lý hồ sơ để thực hiện các bước theo quy định pháp luật, nếu không hòa giải được pháp luật sẽ can thiệp”, ông Vinh cho hay.

    Trước tình huống này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Trong trường hợp chị Hương chưa muốn trao - nhận lại con do chưa sẵn sàng có vi phạm pháp luật?

    Chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật

    Liên quan đến vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật Giang Thanh cho biết: “Mặc dù đã có kết quả giám định ADN về việc chị Hương không phải là mẹ đẻ của cháu Đoàn Nhật M. (con đẻ anh Sơn) nhưng chị Hương vẫn chưa tự nguyện trao trả cháu cho bố mẹ đẻ của cháu. Điều này là hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được tại thời điểm hiện tại, bởi lẽ chị Hương là người đã chăm sóc nuôi dưỡng cháu M. suốt 6 năm qua với niềm tin cháu M. là con đẻ của mình.

    Thậm chí kể cả trong trường hợp chị Hương không phải là mẹ đẻ của cháu M. thì sự yêu thương, gần gũi giữa hai con người trong 6 năm chắc chắn phải để lại tình cảm sâu nặng mà không thể dứt bỏ một sớm một chiều”.

    Luật sư Thanh cũng cho hay: “Về mặt pháp lý, việc chị Hương chưa chấp nhận trao trả cháu M. cho bố mẹ đẻ của cháu cũng chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Tố tụng Dân sự, chỉ có Tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền phán quyết, xác định con cho cha mẹ hoặc cha mẹ cho con. Vì vậy khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì về mặt pháp lý chị Hương vẫn là mẹ đẻ của cháu M. Không ai có quyền buộc chị Hương phải trao trả cháu M. cho người khác.

    “Tất nhiên, tôi tin rằng trước sau gì chị Hương cũng sẽ trao trả cháu M. cho bố mẹ đẻ của cháu để đón con đẻ của mình về. Nhưng điều này cần phải có thời gian để chị Hương, cháu M. cũng như gia đình anh Phùng Giang Sơn làm quen và chấp nhận sự thật”, luật sư Thanh chia sẻ thêm.

    Toà án có quyền ra lệnh cưỡng chế để "con được về với cha mẹ đẻ"

    Khoa Sản - nơi xảy ra sự việc nhầm lẫn 6 năm về trước - Ảnh: Tri thức trực tuyến

    Trao đổi trên VnExpress, luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, tranh chấp đổi trả lại con thuộc nhóm “tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình”, theo khoản 8 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nếu không thống nhất được hướng giải quyết và một trong hai bên khởi kiện thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án.

    Tuy nhiên, việc này không như các vụ án tranh chấp thông thường khác nên tòa án sẽ đóng vai trò trung gian để hai bên gia đình tự nguyện trao lại con cho nhau. Tòa án cũng có quyền dành cho các bên một khoảng thời gian nhất định để tự hòa giải, chuẩn bị tâm lý tốt hơn trong giải quyết. Nếu các bên không thống nhất được cách giải quyết, tòa sẽ xử theo quy định và buộc cưỡng chế thực hiện việc trao trả con về đúng bố mẹ đẻ chăm sóc.

    Theo luật sư, bệnh viện phải bồi thường tổn thất về vật chất, tinh thần, chi phí cho trẻ hòa nhập, điều trị tâm lý, các chi phí khác theo quy định của pháp luật cho các gia đình. Trường hợp hai bên không tự thỏa thuận được bồi thường, hai gia đình nhầm con có quyền khởi kiện ra tòa ở một vụ án khác song không nằm trong vụ đòi đổi con.

    Khi nhận con, cha mẹ của hai em có quyền làm lại giấy khai sinh cho trẻ theo sự lựa chọn của họ. Trường hợp trẻ từ đủ chín tuổi trở lên, nếu thay đổi tên phải được sự đồng ý của các bé.

    Ai phải chịu trách nhiệm?

    Trao đổi trên báo Infonet, luật sư Long Xuân Thi (Liên đoàn Luật sư Hà Nội, Công ty TNHH Tư vấn Interco) cho hay, trường hợp đối với lỗi cố ý thì căn cứ theo Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt thấp nhất từ 2 - 5 năm tù và cao nhất từ 7 - 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

    Nếu hành vi trao nhầm con do lỗi vô ý, tùy theo mức độ có thể bị xử lý kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường theo quy định pháp luật. Theo quy định bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, căn cứ theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.

    Cụ thể theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì sau đó có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

    Như vậy, theo quy định này, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.

    Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, như: thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch… Những chi phí này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.

    Ngoài những tổn thất về vật chất có thể định lượng được một cách cụ thể, còn có những thiệt hại, nỗi đau về mặt tinh thần, như: Vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ, khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc…

    Những vấn đề trên được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chua-tra-con-bi-trao-nham-nguoi-me-co-vi-pham-phap-luat-a236313.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan