+Aa-
    Zalo

    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Tập trung trả lời câu hỏi "Học xong, học sinh làm được gì?"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

    Theo bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”, chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

    Khoảng 16h chiều 27/12, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức họp báo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới và kế hoạch thực hiện từ năm học 2020 -2021 với lớp 1.

    Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, bộ GD&ĐT cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2020-2021. Các năm tiếp theo sẽ triển khai lần lượt với lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022... 

    Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình) và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

    Theo bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục.

    Họp báo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: PLO

    Về mục tiêu đổi mới, Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 88: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.”.

    Nếu như chương trình hiện hành và các chương trình giáo dục phổ thông trước đây trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?” thì Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?”.

    Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, tổng thời lượng học tập của học sinh phổ thông và thời lượng học tập dành cho mỗi cấp học, lớp học, môn học, hoạt động giáo dục được xác định trên cơ sở kế thừa Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo tỉ lệ thời lượng phân bổ cho các môn học, hoạt động giáo dục ở chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài.

    Theo đó, tổng thời lượng học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cụ thể như sau: 

    Ở tiểu học, chương trình mới có 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Chương trình hiện hành có 10 môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 3; 11 môn học ở lớp 4 và lớp 5.

    Ở THCS, theo chương trình mới, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.

    Ở THPT, theo chương trình mới, các lớp đều có 13 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

    Về giờ học, ở bậc tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ.

    Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2020-2021

    Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

    Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành.

    Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành…

    Liên quan đến chương trình SGK, bộ GD&ĐT cho biết trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định, đồng thời tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng SGK (bao gồm bộ sách do bộ GD&ĐT biên soạn và SGK của các tổ chức, cá nhân) để kịp thời triển khai chương trình mới với lớp 1 vào năm học 2020 - 2021.

    Để chương trình mới được tiếp cận sát với các cơ sở giáo dục, bộ GD&ĐT sẽ ban hành các văn bản phục vụ triển khai chương trình mới như: hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng dẫn lựa chọn SGK, sửa đổi bổ sung hoặc thay thế điều lệ trường phổ thông, quy định về đánh giá học sinh…

    Hệ thống môn học của chương trình mới: 

    Cấp Tiểu học:

    - Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

    - Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

    - Môn học mới: Tin học và Công nghệ.

    Cấp THCS: 

    - Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học (trở thành bắt buộc, khác với trước đây là tự chọn)

    - Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

    Cấp THPT:

    - Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

    - Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học xã hội (gồm các môn: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm các môn: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

    - Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

    *Ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh THPT phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.

    Nguyễn Phượng (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-tap-trung-tra-loi-cau-hoi-hoc-xong-hoc-sinh-lam-duoc-gi-a256887.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan