+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia tâm lý phân tích hành động nữ sinh ném con từ tầng 31 ở Linh Đàm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chuyên gia cho rằng hành động mang thai mà không hề phá bỏ, rồi vào nhà vệ sinh tự sinh đứa bé và vứt con từ trên cao xuống là hiện tượng không bình thường.

    Chuyên gia tâm lý cho rằng hành động mang thai bao nhiêu tháng mà không hề phá bỏ, rồi vào nhà vệ sinh tự sinh đứa bé và vứt con từ trên cao xuống là một hiện tượng không bình thường về tâm lý.

    Liên quan đến vụ việc nữ sinh ném con mới sinh ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội), chúng tôi đã có có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

    Là một chuyên gia tâm lý, bà nghĩ gì về việc nữ sinh viên ném con mới sinh ở chung cư Linh Đàm?

    Theo tôi, câu chuyện này có rất nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất, cô gái này chưa cưới mà đã có thai, lại đang trong quá trình đi học nên phải giấu giếm, lo sợ, khiến sức khỏe cũng như tâm lý không ổn định, có thể làm cái thai không thể phát triển bình thường. Thứ hai, theo lời khai thì lúc sinh ra đứa bé đã chết, lại còn tự sinh con một mình trong nhà vệ sinh. Có thể thấy, việc sinh đẻ cũng không bình thường. Thứ ba, hành động vứt con đi lại càng không bình thường.

    Đây cũng xem như bài học chung cho các cô gái bây giờ, chưa biết yêu nhau mang lại kết quả thế nào mà đã có con trong khi việc học, sự nghiệp vẫn còn dang dở. Đó là sự không hiểu biết về quá trình tránh thai an toàn trong quan hệ tình dục trước hôn nhân.

    Thêm nữa, đã làm một việc giấu giếm, tức là cả quá trình phải che đậy, không để ai biết, nó khác với nhiều người, khi lấy chồng mang thai là một niềm hạnh phúc, vinh dự, được chồng chiều chuộng, yêu thương. Còn cô gái, suốt 7 tháng đó vẫn phải đi học, sinh hoạt một mình, rồi lo sợ làm sao để giấu người nhà, bạn bè, xã hội.

    Chính vì thế, tôi nghĩ lúc vứt đứa con là lúc tâm lý cô gái này đã đi vào bế tắc hoàn toàn, nó dường như bị dồn nén đến chân tường, cùng cực rồi không biết nên làm gì nữa.

    Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.

    Vậy có thể xem xét khả năng nữ sinh này bị trầm cảm dẫn đến tâm lý không ổn định hay nói cách khác là trầm cảm sau sinh?

    Có chứ, đây hoàn toàn có thể là việc bị ảnh hưởng bởi tâm lý. Bệnh trầm cảm bây giờ có rất nhiều nguyên nhân và số lượng ngày càng gia tăng, có người sống trong nhung lụa vẫn cứ trầm cảm. Nhiều người bình thường, lấy chồng sinh con một cách bình thường vẫn trầm cảm.

    Trong khi bạn nữ này lại chịu tác động một thời gian dài. Hành động mang thai con bao nhiêu tháng, không hề phá bỏ, rồi vào nhà vệ sinh tự sinh đứa bé, sau đó lại vứt con từ trên cao xuống. Cá nhân tôi cho đó đã là một hiện tượng không bình thường về tâm lý.

    Thậm chí không đơn giản là trầm cảm nữa. Bởi nếu là người bình thường sẽ không ai làm thế, nhiều trường hợp vứt con nhưng người ta gói lại rồi bỏ ngoài xe rác hay đem chôn, hoặc xử lý một cách kín kẽ hơn. Hành vi của nữ sinh này rõ ràng là có những vấn đề về tâm lý nghiêm trọng.

    Vậy những yếu tố nào có thể tác động tới hành động đi ngược đạo lý này?

    Sinh ra được một đứa con mà trong cả quá trình phải giấu giếm là cực rồi, vào nhà vệ sinh tự sinh một mình, không ai nâng đỡ, không ai động viên, an ủi, giúp đỡ, cuối cùng đẻ ra đứa bé lại chết.

    Nếu đúng như lời khai của cô gái thì cảm giác lúc bấy giờ vừa hoảng hốt, tội lỗi, vửa tủi thân, nhục nhã vừa cô đơn và thấy mình có tội vô cùng. Tôi nghĩ cô ấy chưa tự tử theo con là may, hành động vứt con xuống lúc bấy giờ là không còn lý trí, không còn kiểm soát được hành vi. Bởi nếu là người khác, có thể đợi một lúc rồi đưa ra sọt rác hay cái xe rác, nhưng có lẽ là do sức khỏe lúc đó đã rất yếu, chẳng làm được gì nữa.

    Trách thì trách vô cùng, nhưng cũng nên đặt bản thân vào hoàn cảnh của cô gái, những con người như thế chịu khổ cực, đau đớn, nhục nhã vô cùng. Bởi sai thì đã rõ ràng rồi, sai từ khi yêu nhau mà không biết giữ gìn, không biết cách tránh thai. Rồi sai cả cách xử lý vấn đề khi cứ giấu giếm, lừa dối sinh con. Việc vứt bỏ đứa trẻ sơ sinh, nếu coi đó là tội ác chắc hẳn đúng, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh đó, tâm trạng đó thì nên có một sự thương xót và phần nào nhìn cô ấy bao dung hơn.

    Theo bà, hành động này có tạo ra những ảnh hưởng tâm lý hay những tổn thương chấn động lâu dài ở nữ sinh?

    Tôi nghĩ, nói thì hơi nặng nề nhưng cô này nếu không điên là may sau hành động rùng rợn như thế. Vụ việc xảy ra đến bây giờ gây ra chấn động dư luận xã hội, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán và sự chê trách của xã hội nó còn bám theo mãi.

    Thậm chí hành động này trước sau gì rồi cũng bị truy tố trước pháp luật. Cô gái này sẽ phải đối mặt với bản án của cả pháp luật và xã hội, chịu điều tiếng của dư luận, rồi tương lai mù mịt khi khó có thể tiếp tục đi học, đi làm,... ám ảnh cả đời.

    Tâm lý càng hoảng loạn, càng rối có thể dẫn đến những hành vi thiếu kiểm soát, cuối cùng lâm vào bế tắc. Những trường hợp vứt con, hay để con ở chùa, vứt ra đường người ta nhận làm con nuôi lại khác. Việc vứt con từ tầng cao là một hành động không còn tính người, ngoài sức tưởng tượng. Tội ác như thế sẽ đeo bám bản thân cô gái một cách dai dẳng, bị xã hội coi thường. Nếu không có người canh chừng, chia sẻ, tâm sự, cô gái rất dễ tự tử hoặc chấn thương tâm lý nặng nề.

    Những câu chuyện mẹ giết con đang ngày càng tăng và trở thành một vấn đề nan giải. Nên nhìn nhận và phòng ngừa vấn đề này như thế nào, đặc biệt là giới trẻ?

    Về vấn đề này thì có nhiều hoàn cảnh, 100 người là 100 câu chuyện khác nhau, người thì thù chồng, người thì thấy cuộc đời khổ cực quá,... nhiều nguyên nhân không thể kể hết. Nhưng suy cho cùng nó là mặt trái của xã hội. Bởi khi đã quyết định lập gia đình phải xem đó như một giai đoạn mới, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

    Trong khi xã hội bây giờ có trường hợp "cứ lấy đại đi", yêu đương không định hướng, rồi khi khổ cực, quẫn bách lại đổ lỗi lên đứa con. Cái gốc của vấn đề là không xác định được lập gia đình để làm gì, làm mẹ như thế nào, cứ yêu là lấy mà không suy nghĩ.

    Chúng ta cần phải được giáo dục những cái đó, chứ không thể đùa với số phận, với tương lai, gia đình và những sinh mạng vô tội như thế. Quyết định sinh con ra là phải yêu thương nó, không được đày đọa hay làm ảnh hưởng tới đứa bé. Đó là mặt tiêu cực của xã hội, để xảy ra như thế thì gia đình, xã hội cần phải xem xét lại và chịu trách nhiệm.

    Còn để phòng ngừa thì tốt nhất không nên để những sự việc không hay xảy ra, phải biết giữ gìn. Nếu lỡ xảy ra rồi, phải ngồi lại với nhau nói chuyện rõ ràng: Bây giờ đã lập gia đình được chưa, nuôi con được chưa, nếu chưa sẵn sàng thì giải quyết sớm, khi đứa trẻ chưa thành hình sẽ không vấn đề gì. Nhưng để nó thành hình thì xem như giết người rồi.

    Thêm nữa, chúng ta còn rất kém trong việc giáo dục kiến thức về tình dục và sinh sản. Ở nước ngoài trẻ con được dạy từ rất sớm, nhưng Việt Nam lại luôn né tránh, hậu quả là giới trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức đến lúc gặp phải lại hoảng loạn không biết xử lý thế nào.

    Xin trân trọng cảm ơn bà!

    Nguyệt Tú
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-tam-ly-phan-tich-hanh-dong-nu-sinh-nem-con-tu-tang-31-o-linh-dam-a248323.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan