+Aa-
    Zalo

    Chuyện kỳ bí về cây kơ-nia 300 tuổi có “thần cầy” trú ngụ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với người dân xóm Gò, chuyện kỳ bí xung quanh cây kơ-nia cổ thụ không làm họ lo sợ mà còn làm tăng thêm giá trị lịch sử của cây kơ-nia và trở thành niềm tự hào của họ.

    (ĐSPL) - Với người dân xóm Gò, chuyện kỳ bí xung quanh cây kơ-nia cổ thụ không làm họ lo sợ mà còn làm tăng thêm giá trị lịch sử của cây kơ-nia và trở thành niềm tự hào của họ.

    Câu chuyện về ông "thần cầy" trú ngụ dưới gốc cây hơn 300 năm để giúp dân làng, vị nữ tu nhận trọng trách trông coi cây hiện về lúc 12h trưa, người trót chặt tay "thần cầy" về làm vật dụng trong nhà khiến thần nổi giận trừng phạt... là những câu chuyện kỳ bí xung quanh cây kơ-nia 300 tuổi, mà người dân xóm Gò (thôn Thanh Bình, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) rỉ tai nhau hàng trăm năm nay...

    Cây kơ-nia sừng sững là niềm tự hào của nhân dân thôn Thanh Bình.

    Nơi ghi dấu lịch sử

    Được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tới "diện kiến" cây kơ-nia hay còn gọi là cây cầy tại xóm Gò. Cây kơ-nia có gốc lớn vài người ôm không xuể. Tán cây che mát cả một khoảng rộng lớn. Nhiều cụ cao niên trong làng cho biết, họ cũng không thể xác định được chính xác cây có từ bao giờ. Nhưng qua những gì ông, bà kể lại thì cây kơ-nia này đã trên 300 tuổi.

    Người dân trong vùng cho rằng bộng cây này là nơi ở của “thần cầy”.

    Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ xóm Gò, thôn Thanh Bình), người đã tìm kiếm và thu thập thông tin để cây kơ-nia được công nhận là Cây di sản Việt Nam cho biết, cây kơ-nia của làng là nơi ghi dấu ấn lịch sử quá trình dựng và giữ nước của nhân dân ta. Dưới tán cây kơ-nia hơn 300 năm tuổi này còn ghi dấu những sự kiện lịch sử của quê hương. Nhiều lưỡi giáo, mác được người dân làng tìm thấy ở đây. Họ cho rằng, nơi đây đã từng xảy ra những trận chiến, hoặc là nơi tập kết của những chiến binh thời Tây Sơn.

    Ông Nguyễn Thanh Bình, người đã góp phần giúp cây kơ-nia của làng được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

    Giai đoạn 1936 - 1939, địa điểm cây kơ-nia này là nơi sinh hoạt cách mạng thường xuyên của các đồng chí Nguyễn Nghiêm, Trương Quang Trọng... Đây còn là nơi quần chúng cách mạng tập trung vào tối 7/10/1930 để củng cố tổ chức nhằm sáng 8/10/1930 tiến công chiếm huyện đường Đức Phổ.

    Trong kháng chiến chống Mỹ, cây kơ-nia là nơi tập kết của nhiều đơn vị để bắt liên lạc với các cơ sở bí mật của cách mạng. Năm 1964, tại nơi này diễn ra Lễ thành lập Đại đội 120 của huyện Đức Phổ, đơn vị về sau được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang.

    Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tán cây kơ-nia này còn là nơi để người dân xóm Gò tránh bom đạn. Qua những năm chiến tranh, nhà cửa của dân làng ở đây đều bị tàn phá, nhưng kỳ lạ là cây kơ-nia vẫn vươn cành xanh mướt.

    Bóng dáng cây kơ-nia sừng sững là niềm tự hào của nhân dân trong vùng, bởi nó chứng kiến những dấu ấn lịch sử cách mạng vẻ vang của xã nhà, của huyện Đức Phổ nói riêng cũng như tỉnh Quảng Ngãi. Các vị cao niên, người dân trong vùng luôn dùng hình ảnh cây kơ-nia để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay nêu cao tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương đất nước.

    “Thần cầy” hơn 300 tuổi?

    Hằng năm, cứ đến ngày mùng Tám tháng Giêng người dân ở xóm Gò, thôn Thanh Bình lại tề tựu về cây kơ- nia để tổ chức cúng "thần cầy". Theo các cụ cao niên ở làng này, lễ cúng đã có từ hàng trăm năm trước và được xem là lễ cúng lớn nhất của làng này. Theo như lời cụ Nguyễn Khánh (SN 1922, ngụ xóm Gò, thôn Thanh Bình), sở dĩ có ngày cúng "thần cầy" là vì trước kia dân làng ở đây thường làm ăn mất mùa, dịch bệnh hoành hành, trộm cắp liên miên...

    Sau này, có một thầy bói xem và nói trong làng có một ông thần trú ngụ dưới gốc cây cầy nhưng không được dân làng quan tâm nhang khói nên ông trừng phạt. Nếu muốn làm ăn thịnh vượng thì dân làng phải lập miếu thờ cúng ông ở dưới gốc cây.

    Từ đó, sau khi ăn tết ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm, dân làng Gò lại tề tựu về cây kơ-nia làm lễ cúng tạ ơn "thần cầy" đã che chở, bảo vệ và phù hộ cho dân làng làm ăn sinh sống. Và câu chuyện về ông "thần cầy" trú ngụ dưới gốc cây cầy được người dân lưu truyền cho mỗi thế hệ của dân làng.

    Cây kơ-nia có tán rộng lớn với những cành to vươn ra xa lại nằm xa khu dân cư không người trông coi bảo vệ, nhưng kỳ lạ là người dân trong làng không ai dám đến đây để chặt phá cành. Theo người dân xóm Gò, trước kia có một thanh niên trong làng giữa trưa nắng leo lên cây kơ- nia để chặt cành về làm cán rựa, phần cành to và thẳng thì xẻ làm phản để đóng đồ dùng. Sau đó một thời gian thì thanh niên này đã chết một cách khó hiểu. Từ đó, người dân trong làng đồn rằng người thanh niên đã chặt "cánh tay" của "thần cầy" nên bị "thần" nổi giận trừng phạt.

    Dù chỉ là những lời truyền miệng nhưng không ai dám phạm đến cây kơ-nia dù chỉ một chiếc lá hay cành cây nhỏ. Ông Nguyễn Khánh kể, "thần cầy" này rất linh thiêng, trong những năm chống Mỹ, vì biết đây là nơi trú ngụ của nhiều chiến sỹ cách mạng nên quân Mỹ đem xe tăng và lính đến phá cây kơ-nia. Nhưng xe vừa nổ máy chuẩn bị phá cây thì bỗng dưng tắt máy, không thể đưa xe lại gần cây được. Lính Mỹ xông vào để chặt phá cây nhưng cũng không chặt được. Nhiều lần phá không được nên quân Mỹ đành ngậm ngùi "bó tay" với cây kơ- nia huyền bí này.

    "Gốc cây kơ-nia là nơi có những lính Mỹ tử nạn. Có nhiều tốp lính Mỹ hành quân đi ngang qua đây nhưng không hiểu vì sao một số lính bị đột tử dưới gốc cây. Người dân nơi đây cho rằng, lính Mỹ chết là do bị "thần cầy" trị tội vì ức hiếp, bắn giết dân lành. Sau này lính Mỹ không dám bước đến gần cây kơ-nia, nhờ đó mà các chiến sỹ cách mạng hoạt động dễ dàng hơn?!", ông Khánh nói.

    Người dân Thanh Bình còn lưu truyền câu chuyện về nữ tu được "thần cầy" giao trọng trách trông coi cây kơ-nia cổ thụ. Nữ tu này tu hành ở một ngôi chùa trong thôn Thanh Bình. Nhưng một ngày nọ, vào buổi trưa, nữ tu lên gần gốc cây kơ- nia ngồi niệm Phật, sau đó biến mất. Dân làng đổ xô đi tìm khắp nơi nhưng vẫn không thấy. Người dân trong vùng rỉ tai nhau rằng nữ tu này là người này ăn ở hiền lành, giúp dân nên được "thần cầy" tin tưởng chọn làm người trông coi cây kơ-nia.

    "Nghe ông nội tôi kể lại, trước kia, có người đi ngang qua đây khoảng 12h trưa nhìn vào cây cầy thấy một nữ tu đi xung quanh ba vòng, sau đó thì ngồi xuống gốc cây để niệm Phật. Vậy nên người yếu bóng vía không dám đi ngang qua đây vào buổi trưa. Nhiều người đi làm rừng về trưa nắng cũng không dám ngồi dưới gốc cây để nghỉ mát", bà Thới Thị Mậu (52 tuổi, ngụ xóm Gò) kể.

    Với người dân xóm Gò thì những câu chuyện kỳ bí xung quanh cây kơ-nia cổ thụ của làng, không làm họ lo sợ tránh xa nó mà những câu chuyện kỳ bí này còn làm tăng thêm giá trị lịch sử của cây kơ-nia và trở thành niềm tự hào của họ.

    Cây di sản Việt Nam

    Ông Nguyễn Quang Thống, Chủ tịch UBND xã Phổ Thuận cho biết: “Ngày 17/1/2015, hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam" cho cây kơ-nia hơn 300 năm tuổi tại thôn Thanh Bình. Cây kơ-nia có chiều cao khoảng 18m, chu vi thân 6,7m, đường kính gốc hơn 2m, tán rộng khoảng 15m. Đây là cây cổ thụ lâu đời nhất ở vùng đất này”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ky-bi-ve-cay-ko-nia-300-tuoi-co-than-cay-tru-ngu-a85475.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan