+Aa-
    Zalo

    Chuyện rùng rợn về "con ma rồng" bắt dân làng ở vùng cao Nghệ An

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bản Kẻ Gia thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm heo hút giữa đại ngàn, là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Thái. Từ khi thành lập bản, nơi đây truyền rằng có "con ma rồng" và con "ma ngón" thường xuyên về bắt người, trung bình mỗi năm ít nhất cũng có 3 người bị bắt.

    Bản Kẻ Gia thuộc xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) nằm heo hút giữa đại ngàn, là nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc Thái. Từ khi thành lập bản, nơi đây truyền rằng có "con ma rồng" và con "ma ngón" thường xuyên về bắt người, trung bình mỗi năm ít nhất cũng có 3 người bị bắt.

    Câu chuyện về “con ma ngón” bắt người?

    Theo bà con ở đây kể lại: Tương truyền, từ khi thành lập xã Thạch Ngàn, bản Kẻ Gia có cây lá ngón ăn chết người mọc đầy đồi, khắp nương rẫy. Về sau người dân khai hóa đất đai, cây lá ngón cũng dần biến mất, chỉ sót lại một cây to nhất làng mọc bên cây thị. Người dân lập một cái đền nhỏ ngay trên đất làng gọi là thờ “ma ngón” để cầu cho “con ma” không về quấy nhiễu bà con.

    Thế nhưng từ ngày ấy đến giờ, do không mấy ai quan tâm, cúng bái nên “con ma ngón” thường xuyên về bắt người? Từ khi thành lập bản, hầu như năm nào cũng có người chết vì ăn lá ngón, trung bình mỗi năm ít nhất cũng có 3 người bị “bắt”. Nếu không ăn lá ngón cũng thắt cổ tự tử.

    Một câu chuyện đau lòng vừa mới xảy ra gần đây, đó là trường hợp của ông Lang Văn Hoài sống với 2 con trai và người con dâu đầu. Rồi vào đêm hôm khi con cháu đi làm xa, ông Hoài đã mắc dây lên hạ nhà để treo cổ tự tử mà không rõ nguyên nhân. Cho đến trưa hôm sau, khi con trai ông về mới phát hiện ra cha mình đã mất. Bà con ở đây lại đồn rằng, ông Hoài bị ma ngón bắt đi.

    Chúng tôi tìm đến nhà ông Lang Văn Thảo, là anh trai của ông Lang Văn Hoài thì cũng được biết con gái út của ông vừa lấy chồng được 3 tháng cũng ăn lá ngón mà chết. Lục lại trí nhớ, ông Thảo kể rằng chỉ trong vòng mấy năm mà có đến gần chục người trong xóm ăn lá ngón, hầu hết đều là độ tuổi thanh, thiếu niên. Còn về trước thì ông không thể nhớ hết. Có dòng họ Vi bị ma ngón “bắt” liên tiếp đến 6 người là Vi Thị Huệ, Vi Thị Lý, Vi Văn Minh, Vi Văn Đồng, Vi Thị Hải, Vi Văn Lâm.

    “Con ma rồng thiêng lắm !”

    Bản không chỉ có con “ma ngón” mà "con ma rồng" cũng thường về “bắt người”. Ở gần nhà ông Thảo có một ụ đá nổi bên khe nước nhỏ, có cây cối mọc che bóng mát, người dân gọi đó là đền Rồng. Chuyện kể rằng, trước đây có một cụ già người Thái họ Lang lặn xuống nước thò tay vào tảng đá để bắt cá, nhưng không may chiếc vòng bạc đeo trên tay cụ bị kẹt không kéo tay ra được và cụ đã chết đuối tại khe nước này.

    Khoảng một tuần sau người ta mới thấy xác cụ nổi lên. Bà con nơi đây truyền rằng hồn của cụ vẫn luẩn quẩn mãi ở đấy, không siêu thoát được. Mỗi năm, đến mùa lụt lại có một ánh hào quang bí ẩn hiện lên từ khe nước. Từ ngày đó, bất kì ai đi qua tảng đá này nếu ăn nói thô tục hoặc ném sỏi vào tảng đá thì về nhà đều bị lên cơn sốt rét, nằm ốm li bì, uống mọi thứ thuốc đều vô ích. Bà Vi Thị Cao ở bản kề bên cũng cho biết: “Có lần tôi đi mò ốc ở đấy về cũng bị lên cơn sốt rét, nếu không “xin hồn” kịp thời chắc tôi cũng chết lâu rồi”.

    Chuyện rùng rợn về
    Ụ đá nổi bên khe nhỏ được cho là có người chết oan ở đây

    Ông Thảo cho rằng: “Con ma rồng này nó thiêng lắm, nó đã bắt thì rất khó lấy lại được. Tôi đã cất hồn về nhà riêng để thờ cũng được 10 năm nay, nếu tôi không thờ thì nó sẽ phản cả nhà tôi. Từ ngày tôi đưa về thờ phụng, số người bị bắt cũng đỡ hơn trước kia. Nhiều người đến đây cầu cứu đều trong tình trạng ốm, rét, run rẩy, thuốc vô tác dụng. Tôi làm lễ xin hồn thì về nhà những người này trở lại đều khỏe lại bình thường. Rất nhiều người sau đó quay lại để trả ơn tôi nhưng tôi không đòi tiền chỉ nhận những lễ vật như chai rượu, con gà, hoặc tùy tâm của họ mà thôi”.

    Chuyện rùng rợn về
    Ông Lang Văn Thảo đang làm lễ bên căn lều được ông tự cất về từ ụ đá.

    Ông Thảo không phải là một thầy mo nhưng đã 10 năm nay ông làm nhiệm vụ “cứu nhân độ thế” cho hàng nghìn người ở trong và ngoài làng. Ông thường xuyên vẫn làm các thủ tục “gọi hồn”, “xin hồn” cho bất kì ai bị “ma giữ” đến nhà ông cầu cứu.

    Theo chân ông Thảo ra sau vườn, chim thú bay loạn xạ, căn lều nhỏ được ông lợp bằng 2 tấm xi măng, trong đó chỉ đặt một cái mâm trống. Hương khói bắt đầu bay phảng phất, vài chén rượu được bày lên mâm và ông lẩm bẩm gì đó tôi nghe không rõ.

    Gác lại những câu chuyện bí ẩn của mọi người trong bản Kẻ Gia, chúng tôi tìm gặp ông Lô Văn Cường, Phó chỉ huy trưởng quân sự xã Thạch Ngàn, đồng chí cho biết: “Xã thuộc diện khó khăn nằm trong chương trình 135 của Nhà nước, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, những học sinh được học đến Trung học phổ thông chỉ đếm được bằng đầu ngón tay.

    Trên địa bàn còn tồn tại nhiêu mê tín, hủ tục khiến việc quản lý của chúng tôi hết sức khó khăn. Những trường hợp tự vẫn bằng lá ngón hay thắt cổ đều xuất phát từ những bức xúc, túng quẫn trong cuộc sống của họ nhưng do trình độ dân trí thấp và chưa thoát được những tư duy mê tín nên họ vẫn cho rằng chuyện đó là do ma xui, quỷ khiến”.

    M.L(theo Trí thức trẻ)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-rung-ron-ve-con-ma-rong-bat-dan-lang-o-vung-cao-nghe-an-a23738.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Rợn người hủ tục mai táng phơi nắng người đã chết

    Rợn người hủ tục mai táng phơi nắng người đã chết

    Chẳng ai biết hủ tục đưa người chết ra "phơi nắng" bắt nguồn từ khi nào, do ai khởi xướng, nhưng đến nay vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai lần đầu được nghe thấy câu chuyện hay tận mắt chứng kiến cảnh tượng này Hồng Ngài.