+Aa-
    Zalo

    Chuyện tế nhị ở Đăk Lăk được cải thiện

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gia đình anh Y V. Niê (buôn Dhăm, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đang dựng nhà nhưng không hề có ý định xây nhà vệ sinh.

    Gia đình anh Y V. Niê (buôn Dhăm, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đang dựng nhà nhưng không hề có ý định xây nhà vệ sinh.

    Nhà vệ sinh hợp chuẩn là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hóa nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, điều này vẫn khó thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 152 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 36%; riêng tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh chiếm trên 60%.

    Nguyên nhân một phần do nhiều hộ dân điều kiện kinh tế còn khó khăn, một phần do không ít người dân vẫn nhận thức hạn chế, quan niệm rằng nhà tiêu chỉ là công trình phụ nên ít quan tâm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chính họ mà còn gây trở ngại trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người.

    Ảnh minh họa: Tại xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) tỷ lệ số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh lên gần 80%.

    Khảo sát thực tế cho thấy, bên cạnh những hộ gia đình gặp khó khăn, chưa đủ kinh phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh thì thực tế vẫn còn rất nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, đã tiếp cận với các phương tiện sinh hoạt hiện đại như điện thoại di động, ti vi, xe máy… nhưng lại “bỏ quên” việc tiếp cận nhà vệ sinh hợp chuẩn.

    Ví dụ hộ anh Y V. Niê (buôn Dhăm, xã Ea Bông, huyện Krông Ana ) từ trước đến nay vẫn quen đi vệ sinh ở vườn cà phê sau nhà và cảm thấy… rất tiện.

    Do đó, bây giờ gia đình đang xây dựng căn nhà mới nhưng không hề có hạng mục nhà vệ sinh! Hay như hộ bà H’M. Niê Kđăm (buôn M’Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar), do điều kiện kinh tế khó khăn không đủ kinh phí xây dựng nhà tiêu nên nhu cầu đi vệ sinh hằng ngày được xả thẳng ra vườn nhà hoặc sử dụng nhờ nhà vệ sinh tạm bợ, sơ sài của hàng xóm.

    Nhưng tư duy ấy dần được thay đổi khi người dân tộc thiểu số ở Đăk Lăk được tiếp cận với chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”.

    Đối với xã Dray Sáp (huyện Krông Ana), ngoài những chính sách tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, năm 2016, khi chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai trên địa bàn xã đã có 141 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh với mức 50 USD/hộ, qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh lên gần 80%.

    Tại làng Ghép, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ hiện có 48 hộ dân là người dân tộc Mông. Điều kiện vệ sinh môi trường, nhận thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh cá nhân còn hạn chế. Nhờ sự vận động tích cực của các cấp, các ngành, bà con trong làng đã nhận thức được vấn đề cần thiết phải có công trình vệ sinh, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có nguồn lực để xây dựng, nhất là đối với những hộ nghèo và cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

    Việc xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa cao, đa số người dân nông thôn chưa có thói quen rửa tay với xà phòng, việc phóng uế bừa bãi còn phổ biến tại nhiều vùng nông thôn. Vậy thì làm thế nào để nhà nào cũng có nhà vệ sinh vừa hợp vệ sinh, vừa rẻ tiền lại phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân? Thực hiện chủ trương và hướng dẫn của UBND xã Ya Hội và Hội phụ nữ xã, Hội phụ nữ làng và Ban ngành đoàn thể của làng đã gương mẫu đi đầu, cùng bà con thành lập các tổ để giúp công nhau làm nhà vệ sinh theo hình thức xoay vòng. Cứ thế, đến khi tất cả các hộ trong làng đều có nhà vệ sinh.

    Anh Lý Mạnh Nguyên, Trưởng Làng Ghép, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ cho biết - “Do các ban ngành đoàn thể của làng cũng ít người, nên chúng tôi đã bàn bạc và vận động các hộ chưa có nhà vệ sinh đổi công nhau, cùng nhau làm. Xong 1 cái rồi thì tiếp tục làm cái khác. Đến nay đã có nhiều hộ đã sử dụng rồi. Còn 8 hộ thì trong tháng 8 là làm xong”

    Chị Hoàng Thị Mỵ, Làng Ghép, xã Ya Hội chia sẻ, khi chưa có nhà vệ sinh, việc sinh hoạt của gia đình chị rất khó khăn. Chưa bao giờ chị nghĩ đến việc mình có thể có một nhà vệ sinh tự hoại, vì chi phí phải bỏ ra tương đối lớn. Nhờ có Hội phụ nữ và các ban ngành đoàn thể trong thôn giúp đỡ mà chị đã có một nhà vệ sinh để sử dụng. Kinh phí xây dựng thì giảm được hơn một nửa. So với các hộ khác, gia đình chị làm nhà vệ sinh rộng hơn một chút để phục vụ cho việc tắm rửa luôn.

    Uyển Nhi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-te-nhi-o-dak-lak-duoc-cai-thien-a256117.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan