+Aa-
    Zalo

    CNN: Dầu Nga vẫn được vận chuyển khắp thế giới bất chấp lệnh trừng phạt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đến từ phương Tây, các tàu chở dầu Nga vẫn được vận chuyển và tới tay người mua hàng trên khắp thế giới.

    'Đội tàu bí ẩn'

    Khi châu Âu ngừng sử dụng nhiên liệu Nga, những người mua hàng châu Á lại bắt đầu tăng sản lượng nhập khẩu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu của Nga lên trung bình 1,9 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2022, tăng 19% so với năm 2021. Trong khi đó, Ấn Độ cũng mạnh tay tăng 800% sản lượng nhập khẩu, lên mức trung bình 900.000 thùng mỗi ngày.

    Theo Kpler, một công ty phân tích và dữ liệu, xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đều đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1 sau khi lệnh cấm vận chuyển dầu của Nga bằng đường biển của châu Âu có hiệu lực. Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, một khách hàng hàng đầu khác, cũng tiếp tục tăng.

    Việc đảm bảo các đơn hàng này đòi hỏi một số lượng lớn tàu chở hàng. Hạm đội tàu của Nga không đủ để thực hiện hành trình này nên chắc chắn đã có được sự hỗ trợ từ các "đội tàu bí ẩn". 

    Những nhà quan sát ước tính, các đội này có khoảng 600 tàu, tương đương khoảng 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên toàn cầu và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên. 

    tau cho dau nga
    Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu Nga từ khi xung đột nổ ra. Ảnh: CNN 

    Matthew Wright, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Kpler, chia các tàu vận chuyển dầu thô này thành hai loại: "Tàu xám" và "tàu tối".

    Các tàu màu xám đã được bán kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chủ yếu, các tàu này do  chủ sở hữu ở châu Âu cho các công ty ở Trung Đông và Châu Á trước đây không hoạt động trong thị trường tàu chở dầu.

    Trong khi đó, các tàu tối là những tàu từng được sử dụng trong các chiến dịch của Iran và Venezuela nhằm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và gần đây được dùng để chở dầu thô của Nga.

    Ông Wright nhận xét: "Thường có bằng chứng cho thấy các tàu này đã ngụy trang các hoạt động của mình bằng cách tắt bộ phát đáp AIS (công nghệ giúp xác định và định vị các con tàu)".

    Mặc dù các nước phương Tây đã cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu của Nga, nhưng không có bất kỳ quy tắc nào ngăn cản các tàu phương Tây giao hàng cho người mua như Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm. 

    Theo Kpler, các tàu có chủ sở hữu từ châu Âu chiếm 36% giao dịch dầu thô của Nga trong tháng 1 vừa qua.

    Nhưng rủi ro pháp lý và uy tín của việc không tuân thủ giá trần là rất lớn. Đồng thời, Nga cũng muốn ngừng làm việc với các chủ hàng phương Tây. Điều đó đã dẫn đến sự phát triển của "đội tàu bí ẩn", có cấu trúc mờ nhạt hơn và lịch sử rắc rối hơn.

    Janiv Shah, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn Rystad Energy, cho biết: "Chúng tôi dự đoán các đội tàu bí ẩn từng vận chuyển dầu của Venezuela và Iran trên toàn cầu sẽ phát triển trong bối cảnh này và họ đã làm vậy".

    Vận chuyển dầu của Nga trong các chuyến đi dài hơn tới Trung Quốc hoặc Ấn Độ kém hiệu quả hơn vận chuyển tới các quốc gia lân cận như Phần Lan. Theo EA Gibson, Nga hiện cần năng lực vận chuyển dầu thô cao gấp 4 lần so với trước xung đột. 

    Do đó, ước tính có khoảng 25-35 tàu đã được các đội tàu bí ẩn sử dụng mỗi tháng, theo một giám đốc điều hành cấp cao khác tại một công ty kinh doanh dầu mỏ.

    Global Witness, một tổ chức phi lợi nhuận, ước tính rằng 1/4 doanh số bán tàu chở dầu từ cuối tháng 2/2022 đến tháng 1 năm nay có liên quan đến những người mua không xác định, gần gấp đôi tỷ lệ trong năm trước đó. Nhu cầu này có thể tăng trong những tháng tới nếu Trung Quốc cần thêm nhiên liệu để phục hồi kinh tế.

    Rủi ro kéo theo

    Nếu quy mô các đội tàu này tiếp tục mở rộng, điều đó sẽ làm tăng công suất, làm tăng chi phí cho tất cả các nhà kinh doanh dầu mỏ.

    Ông Wright nhận xét: "Sự thiếu hiệu quả trong cách thức hoạt động của thị trường tàu chở dầu đang gia tăng mạnh mẽ".

    Theo Sergey Vakulenko, cựu giám đốc điều hành của một công ty dầu mỏ Nga, hiện là học giả không thường trú tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một số người nghi ngờ một phần các công ty vỏ bọc được thành lập có quan hệ với "nhà nước Nga hoặc một số bên tham gia vào chính trị" có liên quan tới các đội tàu này. 

    Cuối tuần trước, Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Sun Ship Management, một công ty con của Sovcomflot, công ty vận tải biển lớn nhất của Nga. EU cho biết công ty có trụ sở tại Dubai, đã "hoạt động như một trong những công ty chủ chốt quản lý và điều hành hoạt động vận chuyển dầu trên biển của Nga" và rằng "Nga là người hưởng lợi cuối cùng" từ hoạt động kinh doanh của công ty. 

    van chuyen dau nga
    Một mỏ dầu gần Neftekamsk của Nga. Ảnh: Getty 

    Các chuyên gia cũng cho rằng hạm đội bóng tối có thể giúp Nga dễ dàng hơn trong việc né tránh các lệnh trừng phạt hoặc bán dầu của mình trên mức giá trần. Các đội tàu này cũng làm cho việc xác định chính xác các thùng dầu của Nga đang được bán với giá bao nhiêu trở nên khó khăn hơn. 

    An toàn cũng là một vấn đề được quan tâm đối với các hoạt động này. Các đội tàu bí ẩn được cho là có tuổi thọ trên 15 năm, thường là khi chúng ngừng hoạt động. Nhưng giờ đây, ngày càng nhiều con tàu như vậy tham gia vào hành trình vận chuyển trên khắp thế giới. 

    Ông Matthew chia sẻ: "Tất cả hạm đội tàu cũ này có thể không được bảo dưỡng theo tiêu chuẩn mà chúng nên có. Khả năng xảy ra sự cố tràn dầu hoặc tai nạn lớn đang tăng lên từng ngày khi đội tàu này phát tiển". 

    Minh Hạnh (Theo CNN) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cnn-dau-nga-van-duoc-van-chuyen-khap-the-gioi-bat-chap-lenh-trung-phat-a567455.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan