+Aa-
    Zalo

    Công dụng thực phẩm chức năng: Những cảnh báo đáng sợ!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ.

    (ĐSPL) - Thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ.

    Ngay sau khi báo Đời sống và Pháp luật đăng bài "Triệt phá hàng loạt “tập đoàn” thực phẩm chức năng rởm", PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính Bộ môn Dược, Đại học Y dược TP.HCM nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan đến chế phẩm này cùng những cảnh báo rất đáng quan tâm.

    Cơ quan chức năng đang kiểm tra lô thực phẩm chức năng vừa bị thu giữ.

    Dùng thực phẩm chức năng phải như dùng thuốc

    Có thể nói hiện nay rất ít người biết và am hiểu về TPCN. Nhiều trường hợp người bệnh ốm đến “thập tử nhất sinh” vẫn quyết không đi khám bệnh vì tin tưởng ở loại thực phẩm này. Cái giá người dùng “đánh cược” là sức khỏe và tính mạng vào một loạt thực phẩm mà đến chính các cơ quan chức năng cũng lúng túng trong quản lý.

    PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức cho biết: “TPCN là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng sinh lý nào đó có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản. Các TPCN được bày bán với bao bì chai lọ giống chai lọ thuốc và dạng bào chế là viên nén, viên nang giống y như viên thuốc nhưng không được xem là thuốc. Trên nhãn, bao bì của TPCN bắt buộc phải ghi rõ: “Đây không phải là thuốc và không được dùng để thay thế thuốc”.

    PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức đưa ra một ví dụ, sản phẩm là vitamin và chất khoáng, nếu nhà sản xuất đăng ký là thuốc thì sản phẩm đó là thuốc phải bán trong nhà thuốc. Nhưng nếu đăng ký là TPCN (vì ta có thể tìm thấy vitamin và chất khoáng trong thực phẩm ăn uống hằng ngày và trong TPCN, vitamin và chất khoáng đã bổ sung, thay đổi liều lượng nhằm hỗ trợ sức khỏe) thì chế phẩm vitamin và chất khoáng được đăng ký như một thực phẩm và phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đó gọi là TPCN. Dầu cá gồm 2 loại: loại bổ sung vitamin A, D và loại bổ sung acid béo omega-3 và acid béo omega-6 (được cho là tốt cho tim mạch), cả hai hiện nay cũng được lưu hành là TPCN. Glucosamine là chất tìm thấy trong sụn khớp động vật nên có thể đăng ký là TPCN dùng hỗ trợ điều trị bệnh lý xương khớp.

    Cũng từ đây, ông Đức lý giải về sự “mập mờ” giữa TPCN và thuốc chính là ở chỗ TPCN là trung gian giữa thuốc và thực phẩm, nó không hẳn là thuốc và không hẳn là thực phẩm. Nó có dính líu đến thực phẩm vì việc đăng ký và quản lý nó không chặt chẽ như thuốc (quản lý như là thực phẩm), nó có dính líu như thuốc vì phải dùng nó thận trọng như dùng thuốc.

    Khi PV đưa ra những trường hợp cụ thể người bệnh đang được điều trị thuốc tây y trong bệnh viện vẫn dùng kèm TPCN thậm chí các bác sỹ kê kèm trong đơn thuốc có cả TPCN, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức cảnh báo: TPCN vẫn có thể gây tác dụng phụ hay phản ứng có hại giống như thuốc, thậm chí có thể gây dị ứng nặng nề nhất là sốc phản vệ (như báo chí đã đưa tin có người dùng TPCN để trị bệnh lupus ban đỏ đã bị dị ứng rất nặng, phải nhập viện để chữa trị). Vì vậy, cũng cần thận trọng trong sử dụng TPCN. Và cũng để lý giải cho thắc mắc của nhiều người bệnh hỏi “không phải là thuốc nhưng trong quá trình dùng TPCN sao vẫn hết bệnh?”.

    PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức giải thích: “Khi bị rối loạn gọi là nhẹ, cơ thể có thể tự hồi phục nhưng đòi hỏi phải có thời gian dài, nếu lúc này dùng TPCN loại tốt, dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể làm cơ thể phục hồi, cải thiện nhanh hơn, hoặc thậm chí một số TPCN có tác dụng giúp trị dứt rối loạn nhẹ đó. Đó cũng là điều khiến nhiều người dùng lầm tưởng TPCN là thần kỳ”.

    Làm sao để tránh... hiểu nhầm?

    Theo tìm hiểu của PV, từ ngày 15/01/2015, các quy định về quản lý TPCN tại Thông tư 43/2014/TT-BYT chính thức có hiệu lực và thay thế cho Thông tư 08/2004/TT-BYT.

    Theo đó, một số điểm nổi bật liên quan đến quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm chức năng như sau: Cơ sở sản xuất dược phẩm đã được cấp chứng nhận Thực hành sản xuất tốt khi sản xuất thực phẩm chức năng được miễn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với từng loại thực phẩm chức năng như: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt; Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

    Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế đánh giá: “Qua công tác kiểm tra đột xuất tới các trung tâm kinh doanh thuốc vừa qua thì phần lớn sai phạm của các công ty kinh doanh TPCN là sai nhãn mác sản phẩm, quảng cáo công dụng quá mức, hoặc phát tờ rơi nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh”.

    Nhằm lách những quy định về quản lý TPCN không ít công ty sản xuất TPCN mở một trang web riêng trên đó quảng bá sản phẩm của mình. Và hầu hết, họ đều khoác thêm cho sản phẩm TPCN của mình những công dụng khiến người sử dụng lầm tưởng loại TPCN đó có khả năng chữa bách bệnh như một “loại thần dược” và điều quan trọng trên các trang web này, phần giới thiệu sản phẩm dưới các hình thức như thông tin, banner, hình ảnh không hề ghi dòng khuyến cáo theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Quảng cáo, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" nhằm tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

    Nhiều TPCN công bố công dụng quá mức

    Ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết: “Đợt thanh tra đột xuất chuyên đề về TPCN này kéo dài 20 ngày cho đến thời điểm này đã phát hiện nhiều công ty kinh doanh thuốc có TPCN vi phạm. Mới đây nhất ngày 26/1 kiểm tra đột xuất tới trung tâm kinh doanh thuốc tại tòa nhà Hapulico, Hà Nội đã phát hiện gần 40 TPCN vi phạm về nhãn mác như không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc có nhưng sai quy định, quảng cáo không đúng quy định... của ba công ty: TNHH sản xuất và thương mại Quả Táo Vàng, TNHH A Giao Đông A, cổ phần phát triển công nghệ Hoàng Dương có quầy thuốc ở đây”.

    Theo ông Nhiên, đáng chú ý trong số này có sản phẩm TPCN Schiff Glucosamin loại 1.800 và 1.500mg, bày bán tại quầy của công ty Quả Táo Vàng không có tên nhà nhập khẩu trên nhãn mác, tờ hướng dẫn sử dụng ghi sản phẩm này “có tác dụng chữa mọi bệnh về thoái hóa xương khớp”, thậm chí điều trị được cả chứng tăng cholesterol! Cũng theo ông Nhiên, đơn vị chức năng lấy mẫu tất cả sản phẩm có vi phạm nhãn mác để kiểm tra chất lượng do một số sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả.

    40 loại thực phẩm chức năng vi phạm về nhãn mác

    Liên tiếp những ngày qua, các cơ quan chức năng phanh phui nhiều vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả, nhái khiến người tiêu dùng thêm phần hoang mang. Ngay cả trung tâm kinh doanh thuốc Hapulico, nơi được coi là uy tín bậc nhất trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm tại Hà Nội, thì cuối tuần qua, Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra đột xuất và phát hiện hàng loạt vi phạm.

    Qua kiểm tra quầy thuốc của 3 đơn vị: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quả Táo Vàng, Công ty TNHH A Giao Đông A, Công ty CP Phát triển công nghệ Hoàng Dương, đoàn thanh tra đã phát hiện gần 40 loại thực phẩm chức năng vi phạm về nhãn mác như không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc có những sai quy định, quảng cáo không đúng quy định... Trước đó vài ngày, cảnh sát môi trường, cơ quan chống buôn lậu và Thanh tra Bộ Y tế cũng đã phối hợp phát hiện 12 tấn collagen và thực phẩm chức năng giả. Nhìn lại trong năm 2014, chưa bao giờ số lượng thực phẩm chức năng bị tịch thu tiêu hủy và thu hồi nhiều đến vậy. Điều đáng lo, việc thu hồi này dường như chỉ là biện pháp quản lý phần "ngọn" chứ chưa thể siết chặt từ "gốc".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-dung-thuc-pham-chuc-nang-nhung-canh-bao-dang-so-a82018.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan