+Aa-
    Zalo

    Nhạc sĩ Trần Tiến: Hé lộ cuộc sống ở ven biển, gần 80 tuổi vẫn đang "phải lòng vợ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thông tin nhạc sĩ Trần Tiến đang mắc ung thư vòm họng được người anh là NSND Trần Hiếu tiết lộ khiến nhiều người bất ngờ.

    Thông tin nhạc sĩ Trần Tiến đang mắc ung thư vòm họng được người anh là NSND Trần Hiếu tiết lộ khiến nhiều người bất ngờ. Trần Tiến là một nghệ sĩ có chất nghệ sĩ "đậm đặc", ngồi nói chuyện với ông người đối diện luôn có sự tích cực, vui tươi...

    Hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ...

    Theo NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Trần Tiến hiện đang dưỡng bệnh tại Vũng Tàu - nơi hơn 10 năm nay, ông và người vợ tào khang của mình chuyển về ở. Thông tin này không khỏi làm khán giả lo lắng. Bạn bè, người thân đều mong rằng, nhạc sĩ người Hà Nội sẽ vượt qua được bệnh tật, và lại "du ca" trong thế giới âm nhạc của mình.

    Vào tháng 6/2018, nhạc sĩ Trần Tiến có ra Hà Nội, tham gia chương trình Bộ tứ sông Hồng của Tùng Dương, khi đó, chia sẻ với PV ĐS&PL, ông cho hay: "Tôi đang sống một cuộc sống bình yên, sáng dậy sớm chạy thể dục, ngắm biển, ăn sáng và sáng tác nhạc. Dù là trai Hà Nội nhưng tôi thích biển lắm. Ngày nhỏ, tôi luôn mơ mình sống ở một căn nhà nhỏ bên bãi biển, và giờ tôi như vậy đó. Ở đây Trần Tiến vẫn làm việc chứ, có điều vừa làm vừa nghỉ ngơi. Tôi là một người viết nhạc, một người nghệ sĩ bình dị, càng không phải là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú như nhiều người vẫn tưởng".

    Hai ông bà đều thích một căn nhà gần biển để hàng ngày đi dạo.

    Ông khiêm tốn nhận mình là người viết nhạc bình dân, nhưng bạn bè, khán giả đều cho hay, chất nghệ sĩ trong ông luôn dồi dào. Khi lên sân khấu, ông thường có màn ngẫu hứng với ca sĩ trẻ mà nhiều người thấy, ông không hề già, sự trẻ trung của ông luôn làm người đối diện thấy phấn khích. Trong cuộc trò chuyện với PV, Trần Tiến vẫn luôn hoài niệm về Hà Nội xưa, khi ông còn nhỏ. Đó là Hà Nội của những ngày cũ với Phố nghèo, mái ngói, gác khói, tiếng còi xa, thiếu phụ buồn thương đi trong sương như nhân ảnh mờ, có mối tình xưa với người thiếu nữ ngượng ngùng.

    Với Trần Tiến, Hà Nội bây giờ xa lạ quá. Sự ồn ào, náo nhiệt của nó luôn khiến ông cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Dẫu vậy, ở nơi đây ông mới có thể mang lại cho ông những cảm giác hoài niệm, nhung nhớ về những ngày xưa cũ. Ông bảo: "Về Hà Nội bây giờ lạ lẫm quá, thấy mình như lạc vào phố thị nào đó, không giống Hà Nội của Trần Tiến nhiều năm trước. Tuy nhiên đó là quê hương, tôi cũng luôn muốn trở về để tìm cảm xúc cho mình...".

    Trần Tiến có thói quen cứ về Hà Nội là phải uống bia và ăn phở, nhưng ông hài hước bảo: "Hà Nội giờ có nhiều hàng phở quá, và nhiều món sơn hào hải vị, chẳng thiếu thứ gì trên đời nhưng chẳng món nào vừa miệng với "ông khách quê" này. Cái thời Hà Nội cái gì cũng rẻ đã qua. Hà Nội bây giờ như là của ai đó, xa lạ và phồn hoa quá, không còn hợp với tôi. Tôi ra Hà Nội, bạn đặt cho chỗ nào ở chỗ đó, chỉ ăn đâu ăn đó. Đi đến đâu cũng phải dò đường mất mấy tiếng. Nhiều lúc còn không biết Nhà hát lớn, Hồ Gươm ở hướng nào, đi như thế nào cho nhanh...".

    Nhạc sĩ Trần Tiến 

    Điều ít biết về người vợ tào khang

    Dù đã hơn 70 tuổi nhưng nhạc sĩ Trần Tiến vẫn dạt dào yêu, khi kể về người vợ của mình, ông luôn cảm thấy biết ơn và trân trọng. Ông kể, khoảng năm 1971, ông đi hát ở rạp Đại Nam thì gặp vợ - bà Bích Ngà: "Trời ạ, cô ấy xinh lắm, và tôi đã bị hạ gục từ cái nhìn đầu tiên. Tôi tìm cách làm quen và cũng rất vui khi biết cô ấy thích bài hát Cô gái Sầm Nưa của Trần Tiến, và thế là “tán” và cưới luôn. Năm đó, vợ tôi là sinh viên năm cuối của trường đại học Sư phạm Hà Nội. Soát vé ở rạp Đại Nam chỉ là việc sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền thôi. Còn tôi cũng chỉ là chàng ca sĩ chưa nổi danh. Chúng tôi có một tình yêu đẹp".

    Năm 1972, nhạc sĩ Trần Tiến kết hôn. Năm 1975, vợ chồng ông đón con gái đầu lòng chào đời, vài năm sau sinh tiếp con gái thứ hai. Nhạc sĩ Trần Tiến khẳng định, ông là người rất chung thủy, ở tuổi gần 80, ông vẫn phải lòng vợ. Hiện tại, hai con gái của ông bà đã trưởng thành và định cư ở nước ngoài.

    Bà Bích Ngà - vợ nhạc sĩ Trần Tiến.

    Bà Bích Ngà được biết đến là một người phụ nữ hết lòng vì chồng con. Sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội, ngôi trường đầu tiên bà bắt đầu sự nghiệp trồng người, là trường THCS Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bà Ngà cũng có nhiều năm dạy học ở trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Sau khi vợ chồng bà rời Hà Nội vào TP.HCM, bà Bích Ngà về dạy Văn tại trường THCS Đồng Tháp. Gắn bó ở trường Đồng Tháp từ năm 1982 đến năm 1990, bà Bích Ngà chuyển về trường THCS Huỳnh Khương Ninh làm giáo viên, sau đó bà giữ chức vụ Hiệu trưởng ngôi trường này, cho đến ngày về hưu.

    Ở Vũng Tàu, ông bà vừa trồng hoa, vừa trồng các loại rau. “Vợ chồng chúng tôi dễ thích nghi, có thể ăn các món ăn vùng miền ở ngoài các quán xá, nhà hàng, nhưng về nhà, chúng tôi chỉ muốn được ăn món của Hà Nội. Ông ấy rất say mê làm việc! Những bài viết đang ấp ủ vẫn tiếp tục suy tư, viết rồi xóa, gạch, ghi âm rồi lại xóa. Nếu đã thành bài hát rồi vẫn tiếp tục sửa, sửa đi sửa lại, sửa hoài đến khi ưng ý mới thôi. Nhưng dường như ông không bao giờ tự bằng lòng với những bài hát của mình" - người luôn đứng đằng sau những thành công của nhạc sĩ Trần Tiến bộc bạch.

    Kể về vợ mình, nhạc sĩ Trần Tiến cho hay: "Bà ấy đúng là một người phụ nữ của gia đình. Chăm lo cho chồng con từng tí một. Chồng vào TP.HCM và Vũng Tàu, bà ấy sẵn sàng theo chồng để chăm sóc tôi, tôi luôn biết ơn bà ấy. Đấy là lý do tầm này tuổi, tôi vẫn phải lòng bà ấy".

    Có một gia đình êm ấm, nên nhạc sĩ Trần Tiến yên tâm sáng tác. Một loạt các bài hát của ông đã gây ấn tượng mạnh mẽ về một bút pháp có phong cách riêng: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Giai điệu Tổ quốc, Điệp khúc tình yêu, Mùa xuân gọi, Vết chân tròn trên cát, Sao em nỡ vội lấy chồng, Tóc gió thôi bay...

    Trần Tiến đã nhận được nhiều giải thưởng về âm nhạc. Năm 1979, 10 bài hát được quần chúng ưa thích trong năm do báo Tuổi trẻ TP.HCM tổ chức. Năm 1992, bài Chiếc vòng cầu hôn giải Bài hát hay nhất hai năm 1992-1993 do đài truyền hình Việt Nam bình chọn. Năm 1990, giải thưởng Trung ương Đoàn về đề tài Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (bài Sao em nỡ vội lấy chồng). Năm 1975-1985, danh hiệu Nhạc sĩ yêu thích nhất 10 năm sau ngày giải phóng do báo Tuổi trẻ và hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức bình chọn. Ngoài ra, Trần Tiến còn viết phần âm nhạc cho một số bộ phim truyện và phim tài liệu như: Rừng lạnh, Vị đắng tình yêu, Tóc gió thôi bay...

    Lạc Thành

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 3 (160)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-si-tran-tien-he-lo-cuoc-song-o-ven-bien-gan-80-tuoi-van-dang-phai-long-vo-a342002.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan